Cơ hội đón khách với "hộ chiếu vắc xin"

Thứ Ba, 30/03/2021, 18:59 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát ở một số quốc gia và người dân nhiều nước đã bắt đầu được tiêm vắc xin phòng dịch. Một số quốc gia đã công bố kế hoạch cấp “hộ chiếu vắc xin” cho những người đã tiêm chủng nhằm tạo điều kiện mở cửa có kiểm soát để đón khách du lịch và tìm cơ hội giao thương. Đơn cử, chính phủ Thái Lan đã quyết định mở cửa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc xin” đến đảo Phuket - một trong những điểm đến nổi tiếng thế giới. Theo đó, những du khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không phải cách ly khi đến hòn đảo này kể từ ngày 1/7. Ngoài ra, Thái Lan cũng giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, kể từ 1/4 với du khách có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19...

Tại Việt Nam, từ trung tuần tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Chủ trương của Chính phủ là rất kịp thời, nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón khách du lịch trở lại khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt và người dân các nước được tiêm vắc xin đại trà. Đồng thời, chủ trương này cũng mở ra cơ hội đón khách quốc tế có chọn lọc cho ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau hơn 1 năm dịch COVID-19 xuất hiện và sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khi mở cửa đón khách trở lại.

Các DN du lịch, vận tải và hàng không hồ hởi đón nhận thông tin trên của Thủ tướng Chính phủ và hy vọng việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” sẽ giúp gia tăng lượng khách và doanh thu, bù đắp cho hơn 1 năm thất thu vì dịch bệnh. Nhiều DN đã sẵn sàng các điều kiện để đón khách quốc tế trở lại trong an toàn.

Thời gian qua, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 và được xác định là một trong những điểm đến an toàn. Trước khi dịch bệnh xảy ra, tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam luôn ở mức trên 20%/năm. Với những nét đẹp sẵn có về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực đa dạng, lại được xác định là điểm đến an toàn, khi triển khai “hộ chiếu vắc xin” và đón khách trở lại, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng lượng khách quốc tế sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, dù mở cửa đón khách trở lại và có triển khai “hộ chiếu vắc xin” thì yêu cầu hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn. Bởi lẽ, chỉ một sơ suất nhỏ, nếu một trong số những vị khách nhập cảnh mang theo mầm bệnh, làm lây lan ra cộng đồng, dịch bệnh trở nên phức tạp và thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với khoản thu được từ việc mở cửa đó. Do đó, việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” cần được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, chặt chẽ, ưu tiên du khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Trước mắt, ngành du lịch chỉ nên thí điểm thực hiện tại một số cơ sở du lịch, một số điểm đến. Chỉ những nơi bảo đảm các yêu cầu về phòng dịch mới được phép đón khách quốc tế. Sản phẩm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh cũng cần ưu tiên các tour ít tiếp xúc, ít di chuyển như: du lịch nghỉ dưỡng, chơi golf, chăm sóc sức khỏe, tránh tập trung đông người.

Sự thận trọng khi triển khai “hộ chiếu vắc xin” là cần thiết nhưng phải trên tinh thần khẩn trương, bởi lẽ, nhiều quốc gia cũng đang xúc tiến các bước tương tự để đón khách nước ngoài. Nếu chậm chân, Việt Nam sẽ mất cơ hội.

Bài toán khó, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, của các lực lượng chức năng và DN du lịch còn cần sự chung tay, hợp tác của người dân trong việc phối hợp thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại.

NGUYỄN ĐỨC

;
.