Nâng cánh tuổi thơ bay xa

Thứ Bảy, 30/05/2020, 07:33 [GMT+7]
In bài này
.

Những bài hát thiếu nhi - Những giai điệu hồn nhiên, giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu ấy ban đầu có thể được tiếp thu gần như vô thức nhưng đã trở thành một phần không thể quên trong hành trình tạo dựng nên một nhân cách, một tâm hồn hướng thiện biết yêu thương gia đình, bạn bè và rộng lớn hơn là quê hương, xứ sở.

Hai nhạc sĩ có nhiều sáng tác về thiếu nhi: Phạm Tuyên và Nguyễn Văn Chung.
Hai nhạc sĩ có nhiều sáng tác về thiếu nhi: Phạm Tuyên và Nguyễn Văn Chung.

CẢ NHÀ TA  CÙNG THƯƠNG YÊU NHAU

Trong ký ức trẻ thơ Việt Nam, hình ảnh gần gũi thân yêu nhất ngoài cha mẹ chính là ông bà. Thậm chí với nhiều đứa bé, ông bà đã chăm sóc và nuôi dạy cả thời thơ ấu bởi cha mẹ các em phải góp sức tham gia nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó trong cả thời chiến lẫn thời bình. Hình ảnh người bà Việt Nam luôn tần tảo, chắt chiu, dù áo vá, nón rách vẫn luôn yêu thương đùm bọc, chở che hết lòng cho những đứa cháu của mình như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết năm 11 tuổi: “Cái bao tượng của bà/ Thắt bụng dần nhỏ lại/ Cả một đời lo toan/ Lưng bà giờ như gẫy/ Bà vẫn vui công việc/ Chả lúc nào ngơi tay/ Khi bà thăm trận địa/ Khi bà trồng hàng cây” (Bà và cháu - Trần Đăng Khoa) 

Và như thế, bài hát về ông, bà với rất nhiều người là bài hát đầu đời: “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm/ Tóc bà trắng màu trắng như mây/ Cháu yêu bà cháu nắm bàn tay/ Khi cháu vâng lời cháu biết bà vui” (Cháu yêu bà - NS Xuân Giao). Ông bà được so sánh bằng hình ảnh gốc cây, vừa gần gũi vừa ý nghĩa để “cây gia đình” vững chắc và sinh sôi nảy lộc: “Hoa thơm là mẹ/ Quả ngọt là con/ Lá cành là bố/ Đang che bóng tròn/ Ông bà là gốc/ Rễ ôm đất lành/ Rễ bền gốc vững/ Cây đời thêm xanh”(Cây gia đình -  NS Quỳnh Hợp).

Gia đình yêu thương đoàn tụ là ký ức đẹp đẽ, ngọt ngào nhất của mỗi đời người. Khi cha mẹ yêu thương nhau, trân trọng nhau thì cây gia đình mới trổ hoa, kết trái: “Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống ba/ Cả nhà ta/ Cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ/ Gần nhau là cười!” (Cả nhà thương nhau - NS Phan Văn Minh).

CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN

Ngoài các thành viên gia đình như: ông bà, cha mẹ thì hình ảnh cô giáo  - luôn được coi như người mẹ thứ hai, cũng là hình ảnh thân thương nhất, lưu giữ lâu nhất trong ký ức trẻ thơ: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” (Cô và Mẹ - NS Phạm Tuyên). Dù có thể sau này trên đường đời muôn ngả, ai đó có thể đạt  đến bao nhiêu thành tựu nhưng cái buổi đầu tiên được mẹ dắt đến trường và tin cậy giao con cho cô giáo thực là ngày khó quên trong đời: “Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc/ Mẹ dỗ dành bên em/ Ngày đầu tiên đi học/ Em mắt ướt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi/ Chao ôi! Sao thiết tha/ Ngày đầu như thế đó/ Cô giáo như mẹ hiền/ Em bây giờ cứ ngỡ/ Cô giáo là cô Tiên”(Ngày đầu tiên đi học – NS Nguyễn Ngọc Thiện).

Tuổi thơ ngây thơ và hồn nhiên, vì thế không nên khơi gợi cảm xúc của các em bằng những triết lý cao xa, trừu tượng mà cần những khung cảnh gần gũi, tình yêu thương với những sinh vật ngay bên cạnh mình: “Nhà em có con gà trống, mèo con và cún con/ Gà trống gáy o ó o/ Mèo con luôn rình bắt chuột/ Cún con chăm canh gác nhà”. (Gà trống, Mèo con và cún con - NS Thế Vinh) hay “Con cò bé bé/ Nó đậu cành tre/ Đi không hỏi mẹ/ Biết đi đường nào/ Khi đi em hỏi/ khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ yêu không nào?” (Mẹ yêu không nào - NS Lê Xuân Thọ).

NHỮNG NGƯỜI CHẤP CÁNH

Với khoảng hai trăm bài hát cho thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đạt kỷ lục “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao. Phạm Tuyên ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam với nhiều ca khúc thiếu nhi đến nay vẫn lan tỏa: Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Đêm pháo hoa, Cả tuần đều ngoan: “Thứ Hai là ngày đầu tuần/ bé hứa cố gắng chăm ngoan/ Thứ Ba thứ Tư thứ Năm/ hàng ngày bé luôn cố gắng/ Thứ Sáu rồi đến thứ Bảy/ cô cho bé phiếu bé ngoan/ Chủ Nhật cả nhà đều vui/ Vì bé ngoan suốt tuần”. Nhạc sĩ từng rất hạnh phúc kể lại: “Có hôm đang đi ngoài đường, có một người phụ nữ nhận ra tôi tiến lại bảo, ông Phạm Tuyên ơi, những bài hát mà ông sáng tác cho thiếu nhi, bố mẹ con hát, rồi đến đời con cũng hát những bài hát ấy. Đến giờ thì lại đến lượt con của con. Cả nhà con cả 3 thế hệ đều hát bài hát ông sáng tác!”.

Còn đó nỗi lo về khoảng trống kế thừa cho những bài hát hay cho thiếu nhi thì vẫn có những tín hiệu đáng mừng như: Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung cũng vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam “Xác lập kỷ lục: sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam” với số lượng đến hiện tại là 300 bài hát thiếu nhi. Những ca  cho trẻ em đã ghi dấu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung như: Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Mẹ ơi có biết, Vui đến trường, Con gái nhỏ của ba, Món quà tặng cô…

Mong rằng sẽ còn nhiều hơn nữa những nhạc sĩ trẻ Việt tài năng đóng góp thêm nhiều tác phẩm tâm những giai điệu trong trẻo, dễ thương nâng đôi cánh tuổi thơ bay cao, bay xa khắp bốn phương trời mà vẫn neo giữ cốt cách, hồn vía quê hương, dân tộc Việt Nam: “Hai cánh tay kheo khéo cùng đôi bàn chân xinh/ Em múa sao mềm mại như bồ câu liệng trời cao trong xanh/ Hương lúa đưa ngọt lành, táo chín thơm đầu cành/ Nắng soi gương lấp lánh nâng cánh chim tuổi thơ bay xa” (Cánh chim tuổi thơ - NS Phan Long)

VŨ THANH HOA

;
.