Tết này về nội hay ngoại?

Thứ Sáu, 18/01/2019, 11:35 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Chà, những ngày giáp Tết chẳng hiểu thế nào, trong người lúc nào cũng rạo rực, buồn vui lẫn lộn. Một cảm giác Tết đang nhẹ nhàng đến. Trong nhà, đứng nhìn đâu cũng thấy thân mật và gần gũi. Đứng soi gương, cao hứng cười một mình, tự nhiên thấy dù “ngũ thập” nhưng dường như trẻ trung hơn, đẹp trai hơn. Phơi phới yêu đời. Huýt sáo. Tự tin hơn. Lúc bấy giờ, vợ mới âu yếm xoa đầu chồng mà rằng: “Mình ơi! Năm nay, ăn Tết ở đâu?”.

Phải nói thật, khi xa quê, có những lúc ai cũng mong thời gian qua nhanh, để quay về nơi chôn nhau cắt rốn dắt díu biết kỷ niệm hoa mộng. Thật ra, khi bàn chuyện ăn Tết ở đâu, sự lựa chọn của đôi vợ chồng nào cũng đều hợp lý. Thế nhưng, biết chọn ra làm sao? Có được câu trả lời dứt khoát “sao cho trong ấm thì ngoài mới êm” không dễ chút nào. Có nhiều đôi uyên ương mặt nặng mày nhẹ cũng vào dịp này. Khi anh chồng rụt rè “đề đạt nguyện vọng”, nàng cười mặt tươi như hoa sen:

- Ừ, về quê nội. Nào có ai cấm cản gì đâu? 

Nghe thế, lòng mừng rơn, chưa kịp cúi xuống nịnh vợ một cái, đột nhiên nàng lại cắc cớ hỏi chơi như bỡn như đùa: 

- Mình ơi! Sao năm nay nhà mình không về quê ngoại?

 Rắc rối quá đi thôi. Quê nội hay ngoại cũng là một. Dù hai nơi xa tít đến mấy ngàn cây số. Nơi Bắc chốn Nam nhưng trong tình cảm, trong máu thịt dằng dặc tóc tơ gắn kết tạo nên mái ấm này đã là một khối thống nhất. Nghe vợ nói vậy, anh chồng suy tư một chút, chưa trả lời vội bởi nàng nói đúng quá đi chứ! Không riêng gì đàn ông, ngay cả phụ nữ dù “thuyền theo lái, gái theo chồng” mà dịp đầu xuân đưa con về quê ngoại thăm bố mẹ cũng là điều hãnh diện lắm. Hơn nữa, dịp này mẹ con tha hồ tíu tít chuyện trò, nói cười vui như Tết. Người đàn ông cũng thế thôi. Đưa con về quê cũng nội là một cách “báo cáo” cho họ hàng thân tộc, anh em nhìn mặt cháu con trong tộc họ. 

Trong tâm thức của mọi người, ngày Tết là lúc sum họp đông đủ, vui vẻ nhất. Thế nhưng có những gia đình lại đứng trước nhiều lựa chọn khác nhau. Có thể bố mẹ muốn về quê thăm nội/ngoại nhưng con cái lại không chịu tháp tùng. Nó lớn tồng ngồng rồi, không muốn lon ton đi theo như thời bé con nữa. Nó chỉ muốn vác xác lò dò theo con gái người ta đã từ lâu thầm thương trộm nhớ! Khổ thế! Về quê mà không con cái đi cùng, thấy thiếu thiếu cái gì đó, chẳng hạn như bánh chưng, bánh tét ngày xuân lại thiếu “nhân” đậu xanh, thịt heo béo ngậy bên trong. Ăn sao ngon? 

Lại có gia đình, vợ chồng con cái “đồng tâm nhất trí” khóa trái cửa nhà, nhờ hàng xóm trông nom vài ngày rồi giúp khăn gói leo lên máy bay hú hí ở tận nước ngoài. Mọi việc đã tính toán đâu ra đó, nào ngờ khi hay tin, lập tức bố mẹ cản ngay. Bà cụ nói dỗi: “Mẹ nhớ cháu nội quá, con bé xinh và ngoan quá. Bộ không muốn bà nội ôm nó nữa à? Ừ, bà nội già rồi mà. Bà gần đất xa trời thì cần gì cháu với con nữa?”. Đã thế, ông bố lại “bồi” thêm đôi câu nữa: “Tôi biết, anh trưởng thành, có vợ có con rồi. Anh có quyền quyết định mọi chuyện cơ mà! Hỏi ý kiến tôi làm gì nữa. Tôi sắp về với các cụ rồi, làm gì có ý kiến hay ho gì đâu mà anh hỏi với chả hỏi!”.

 Biết trả lời thế nào? Vào những này giáp Tết, do có nhiều mối quan hệ trong thân tộc, gia đình đã khiến con người ta phải nghĩ ngợi, cân nhắc.

Biết chắc mọi việc hằng năm thường diễn ra thế, năm nay anh bạn tôi đã tính toán trước. Vào những ngày cận Tết, anh xin nghỉ phép thường niên, dẫn theo thằng nhóc tranh thủ về quê nội vấn an, sắp sửa quà tết cho bố mẹ; rồi thăm anh em, hàng xóm bà con láng giềng. Ở chơi vài ba hôm, lau chùi bộ lư đồng trên bàn thờ tổ tiên cho sáng loáng, trẫy lá mai, cùng anh em ăn bữa cơm do mẹ nấu… Làm xong nghĩa vụ này, ngày Tết dù anh không đưa vợ con về quê, chẳng ai trách móc. Mà anh cũng thấy nhẹ lòng, có thể mới “toàn tâm toàn ý” sum vầy cùng vợ con. 

Có một cảm giác mà bất kỳ ai cũng dễ nhận ra, ngày Tết thường trôi qua chóng vánh. Do đó, dù chỉ vài ngày đầu năm nhưng người đàn ông nào cũng phải chu toàn nhiều vai. Họ vào vai làm chồng, làm cha rồi làm con, làm con rể nữa. Vì vậy để vợ chồng có được ngày Tết vui vẻ, hài lòng ắt họ phải có sự bàn bạc riêng. Chuyện này, người ngoài khó có thể xen vào ý kiến ý cò. Tùy quan niệm sống mà mỗi người có sự lựa chọn khác nhau. Lựa chọn nào cũng được, miễn là vợ chồng vui vẻ mà hai bên nội ngoại cũng chia sẻ, hài lòng.

Tôi nghĩ rằng, sự lựa chọn trong một mái ấm nào cũng phải bắt đầu từ thỏa thuận cả vợ lẫn chồng. Cả hai cùng đồng. Có như thế, trong những giáp Tết gió ngoài đường se lạnh, lộc non đầu xuân vừa nhú, nắng hanh hao vàng son tơ trời, họ sẽ hào hứng, háo hức thầm mong, thầm gọi: “Tết ơi! Nhanh lên! Sốt ruột quá rồi nè!”. Chứ không phải lo sốt vó khi nghe câu hỏi “hóc búa” của vợ: “Mình ơi! Năm này ăn Tết ở đâu?”.

LÊ MINH QUỐC

;
.