Nhiều doanh nghiệp "khát" lao động

Thứ Hai, 03/06/2019, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm này, nhiều DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Tuy nhiên, số lượng người lao động đến liên hệ tìm việc lại rất thưa thớt. 

Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm lần thứ III-2019.
Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch việc làm lần thứ III-2019.

NHIỀU CÁCH “SĂN LÙNG” LAO ĐỘNG

Ghi nhận tại các KCN Đông Xuyên, KCN Mỹ Xuân A, KCN Tiến Hùng… hàng loạt DN đăng tuyển lao động.

Tại Công ty CP Giấy Sài Gòn (KCN Mỹ Xuân A, TX.Phú Mỹ) đang đăng tuyển 40 công nhân sản xuất, 30 công nhân đóng gói và 5 kỹ thuật viên bảo trì với mức lương dao động từ 7-9 triệu đồng/tháng. Theo anh Phan Minh Tuấn, phụ trách nhân sự Công ty CP Giấy Sài Gòn thì công ty anh đang có kế hoạch nâng sản lượng sản xuất nên cần tuyển lao động. Tuy nhiên, việc tuyển lao động khá khó khăn do sự cạnh tranh giữa các nhà tuyển dụng ngày càng gay gắt. Anh Tuấn cho hay: “Việc làm không thiếu nhưng tuyển người làm rất khó khăn. Điều này khá bất hợp lý ở một địa phương mà tỷ lệ thất nghiệp còn cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của cả nước”. 

Tương tự, Công ty TNHH Thực phẩm Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) đang cần tuyển 100 công nhân với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng và nhiều đãi ngộ khác như: trả lương 3 tháng đầu cho lao động học việc, hỗ trợ tiền chuyên cần, tiền ăn chiều... Theo chị Cao Thị Dung, Phó Phòng Nhân sự của công ty, do công ty trả lương theo sản phẩm nên lao động lành nghề có thể thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng. Dù đưa ra nhiều chính sách nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ lao động. Công ty đã đăng thông tin tuyển dụng qua nhiều kênh và tham gia tuyển lao động tại phiên giao dịch việc làm lần thứ III-2019 nhưng chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ ứng tuyển. 

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, các DN trên địa bàn tỉnh đang tìm nhiều giải pháp khác nhau với mong muốn tìm được ứng cử viên. Ngoài hình thức tuyển dụng trực tiếp, các DN đăng tuyển lao động qua nhiều kênh khác nhau. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Phòng Nhân sự Công ty TNHH Da Vàng (TP.Vũng Tàu) cho biết, để đưa vào hoạt động khu du lịch 5 sao trong tháng 8 tới, công ty chị cần tuyển gần 100 lao động ở các bộ phận như: Giám đốc tài chính, trợ lý tổng quản, quản lý nhà hàng, bếp trưởng, quản lý kinh doanh… với mức lương trung bình từ 7-8 triệu đồng/tháng cho các vị trí nhân viên. Ngoài ra, công ty còn mua bảo hiểm tai nạn lao động 24h; mời giảng viên về đào tạo, bồi dưỡng cho lao động chưa có tay nghề. Yêu cầu của công ty ở các vị trí tuyển dụng là lao động phải giao tiếp được tiếng Anh. Chị Mỹ Lệ cho biết: “Không chỉ gặp khó trong tuyển dụng, các DN như chúng tôi còn đối diện với tình trạng lao động “nhảy việc”. Khi bỏ chi phí, thời gian đào tạo bài bản, tới lúc làm được việc thì lao động tìm cách chọn việc khác do lương, chế độ hấp dẫn hơn. Thực tế này đang khiến chúng tôi và nhiều DN đau đầu do mức độ cạnh tranh tuyển dụng lớn”.

TÍCH CỰC KẾT NỐI

Trong 3 phiên giao dịch việc làm từ đầu năm tới nay, nhu cầu tuyển lao động của DN lên tới hơn 10.000 lao động nhưng ứng cử viên tìm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tại phiên giao dịch việc làm lần thứ III-2019, có 20 DN tham gia tuyển dụng với 3.215 lao động. Trong khi lao động tìm việc chỉ có hơn 300 người. Ông Nguyễn Trọng Huy, Phó Phòng Tư vấn việc làm của trung tâm cho biết, có nhiều DN tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn và chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng, như: nhà hàng- khách sạn, du lịch và dịch vụ, kinh doanh và quản lý, kế toán, kỹ sư, kỹ thuật bảo trì, lao động phổ thông… Tuy nhiên, tại các bàn tuyển dụng của DN hầu như không có người đến ứng tuyển. 

Trước thực tế trên, nhiều DN bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu thành lập đội ngũ tư vấn việc làm chuyên sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp để hỗ trợ DN. Chị Cao Thị Dung, Phó Phòng nhân sự của Công ty TNHH Thực phẩm Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho rằng, để có thị trường lao động ổn định và bền vững, các cơ quan chức năng cần dự báo chính xác hơn nữa nhu cầu lao động của DN. Đồng thời, tăng kênh thông tin về các phiên giao dịch sẽ được tổ chức định kỳ hơn để tới được người lao động.

Theo ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện trung tâm kết nối với 63 tỉnh, thành trong cả nước về các vị trí việc làm trống để ứng viên có nhu cầu tìm việc thì trung tâm sẽ kết nối. Toàn bộ nhu cầu vị trí việc làm được thông tin về 82 xã, phường. Từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm định kỳ. Đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình thu thập, phân tích, kết nối cung-cầu lao động. Đối với lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm tiếp tục tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có giải pháp kết nối họ với DN. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.