Dạy nghề gắn với việc làm

Thứ Ba, 31/12/2019, 16:25 [GMT+7]
In bài này
.

Học nghề xong có việc làm ngay là một trong những “điểm sáng” đáng ghi nhận của công tác đào tạo nghề (ĐTN) những năm gần đây. Không những vậy, ngay từ khâu đào tạo đã gắn với DN theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, giúp học viên đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng. 

Sinh viên Trường CĐ nghề Du lịch BR-VT thực tập nghiệp vụ tại The Grand Ho Tram Strip.
Sinh viên Trường CĐ nghề Du lịch BR-VT thực tập nghiệp vụ tại The Grand Ho Tram Strip.

HỌC NGHỀ XONG, CÓ VIỆC LÀM NGAY

Những năm qua, chương trình ĐTN cho LĐ nông thôn được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đã từng bước gắn với yêu cầu thực tiễn sản xuất, mang lại cơ hội việc làm cho hàng ngàn LĐ. Chị Nguyễn Thị Mai (thôn 2, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) là một trong số đó. Chị cho biết, trước đây, chị từng là công nhân giày da, nhưng khi có con nhỏ, chị phải ở nhà để vừa trông con, vừa chăm lo việc gia đình. Khi con đến tuổi đi học, chị muốn đi làm trở lại nhưng thời điểm đó, chị chưa có tay nghề nên xin việc rất khó khăn. Vào tháng 5 vừa qua, nghe thông tin về lớp ĐTN cho LĐ nông thôn được mở ngay tại địa phương, chị mạnh dạn đăng ký học nghề nấu ăn. Kết thúc khóa học, chị xin vào làm đầu bếp cho Công ty TNHH Băng Dương (xã Long Sơn) với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Chị Mai chia sẻ: “Thời gian ở nhà làm công việc nội trợ, tôi thấy mình có khả năng nấu nướng khá ngon. Lúc đó, tôi có suy nghĩ nếu được học hành bài bản, tôi có thể trở thành đầu bếp. Bây giờ mong ước đó của tôi đã trở thành hiện thực”.

Không chỉ giúp NLĐ có cơ hội việc làm, các chương trình ĐTN của tỉnh còn hỗ trợ NLĐ kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu mới của DN. Mới đây, chị Đinh Minh Phương, nhân viên của The Grand Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc) vừa tốt nghiệp học khóa học nghề trình độ sơ cấp nằm trong chương trình ĐTN nông thôn được tổ chức vào tháng 9/2019. Chị Phương chia sẻ: “Khóa đào tạo này đã giúp tôi có thêm những kỹ năng để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, mang lại cho khách hàng sự hài lòng khi nghỉ dưỡng tại đây”.

Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Phước Lộc (TX.Phú Mỹ) tham gia phiên tư vấn kỹ năng tìm việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.
Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật công nghệ Phước Lộc (TX.Phú Mỹ) tham gia phiên tư vấn kỹ năng tìm việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.

Để các chương trình ĐTN ngày càng đáp ứng nhu cầu của NLĐ và thực tiễn sản xuất tại địa phương, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng công tác khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề của người học, để xây dựng các danh mục ĐTN. Trong đó, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường được nhân rộng; những ngành, nghề không còn phù hợp đều được thay thế. Chẳng hạn, năm 2019, các ngành, nghề phi nông nghiệp được triển khai hiệu quả như: May công nghiệp, bảo mẫu, kỹ thuật xây dựng, lái xe nâng, nghiệp vụ buồng-phòng, kỹ thuật chế biến món ăn… Sau khi được học nghề, LĐ có việc làm, tăng thu nhập. Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc cho hay: “Để giúp NLĐ tìm kiếm việc làm phù hợp, huyện đã liên kết với DN và khảo sát nhu cầu NLĐ để đào tạo các nghề phục vụ cho lĩnh vực du lịch. Nhờ đó, NLĐ sau khi học xong được nhận vào làm việc tại nơi mình học với mức lương bình quân 5-6 triệu đồng/tháng. Trong năm 2019, toàn huyện có 840 LĐ nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp nghề, đạt tỷ lệ 100%. Một số nghề dự kiến sẽ đào tạo trong năm 2020 như đan lục bình, may công nghiệp, nhưng qua khảo sát không còn phù hợp với nhu cầu NLĐ trên địa bàn nên chúng tôi sẽ không tiếp tục tổ chức”.

Học viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ tỉnh trong giờ học thực hành.
Học viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ tỉnh trong giờ học thực hành.

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐTN

Theo ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH, các chương trình ĐTN của tỉnh hiện nay đều hướng tới giải quyết việc làm, chú trọng “đầu ra”, giúp NLĐ sống được bằng nghề. Hơn nữa, xu hướng ĐTN LĐ nông thôn hiện nay không chỉ là các nghề nông nghiệp mà còn tập trung vào các lĩnh vực phi nông nghiệp để phục vụ sản xuất của các DN trên địa bàn. Năm 2019, toàn tỉnh có 1.902 NLĐ được ĐTN; trong đó, có 1.064 người được ĐTN phi nông nghiệp và 838 người được ĐTN nông nghiệp. 

Ngoài các lớp ĐTN tại địa phương, tỉnh cũng tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo một số nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường liên kết DN tạo “đầu ra” cho học viên. Năm 2019, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, ĐTN cho 31.816 lượt người, đạt 10,37% kế hoạch. 

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2019, toàn tỉnh có 44.366 lượt LĐ được giải quyết việc làm (đạt 134%) so với kế hoạch năm. Năm 2020, Sở LĐTBXH đặt mục tiêu giải quyết việc làm và tạo đủ việc làm cho 34.000 lượt LĐ; tạo việc làm tăng thêm cho 12.000 LĐ. Số người được đào tạo mới (tuyển mới) trong năm 2020 là 30.000 người; trong đó, trình độ CĐ là 1.200 người; TC là 2.000 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 26.800 người. 

Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, trong năm 2020, BR-VT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ LĐ qua đào tạo, bám sát nhu cầu của thị trường, từng bước giải quyết việc làm bền vững cho LĐ. Trên cơ sở đó, những ngành, nghề trọng điểm, cần sử dụng nhiều LĐ được tạo điều kiện để mở rộng và đầu tư nâng cao chất lượng. ĐTN tiếp tục theo xu hướng đáp ứng được nhu cầu học nghề của thanh niên và nông dân, gắn với tạo việc làm, chuyển đổi nghề, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng và nhu cầu của thị trường LĐ. 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.