.

Hệ thống hoành phi, câu đối ở BR-VT

Cập nhật: 21:57, 04/05/2020 (GMT+7)

Di sản Hán - Nôm là một bộ phận không thể thiếu trong di sản văn hóa của BR-VT. Di sản Hán - Nôm ra đời gắn bó trực tiếp với sự hình thành, xây dựng hệ thống đình chùa, miếu mạo... Di sản được thể hiện trên các hệ thống hoành phi, câu đối ở các đình, chùa, miếu và một số ngôi nhà cổ.

Nhân viên Bảo tàng tỉnh và thành viên Ban tương tế Đình thần Thắng Nhì trao đổi về nội dung các câu đối tại Đình thần Thắng Tam. Ảnh: VÂN ANH
Nhân viên Bảo tàng tỉnh và thành viên Ban tương tế Đình thần Thắng Nhì trao đổi về nội dung các câu đối tại Đình thần Thắng Tam. Ảnh: VÂN ANH

Trước đây, Đình Thắng Nhì nằm ở vị trí Vịnh Gành Rái, đến năm 1904, Đình được dời về ngay góc đường Nguyễn An Ninh - Lê Lợi ngày nay.

Đình là nơi thờ bậc tiền nhân có công khai hoang vùng đất, đó là ông Lê Văn Lộc - chỉ huy thuyền Thắng Nhì, 1 trong 3 thuyền, gồm Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam đánh tan hải tặc Tàu Ô và Mã Lai ở vùng biển Vũng Tàu-Cần Giờ năm 1802. Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1822), được triều đình thưởng cho vùng đất từng có công trấn giữ, ông Lê Văn Lộc đã quy tụ cư dân khai hoang, mở mang dân trí, phát triển ngành nghề, xây dựng thôn xóm, lập nên làng Thắng Nhì. Tưởng nhớ, ngưỡng mộ công đức, tài năng và công lao to lớn, người dân làng Thắng Nhì đã suy tôn ông Lê Văn Lộc là thần.

Ông Ngô Tấn Hùng, Phó Ban thường trực - Ban Tương tế Đình thần Thắng Nhì kể: Khi về đây quản lý Đình,  ngoài nét kiến trúc đặc trưng của cư dân Nam bộ là kiểu nhà tứ trụ (4 mái, 3 gian, 2 chái), mỗi gian có 6 hàng cột, trên treo nhiều bức hoành phi, câu đối mang đậm ý nghĩa tưởng nhớ công ơn của con cháu với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng. Ngay gian Tiền hiền là 3 bức hoành phi được sơn son thếp vàng viết bằng chữ Hán và được dịch sang nghĩa Việt để người dân đến tham quan tìm hiểu. Đó là các câu “Ngưỡng Thần Ân - Thiên Cổ Ngưỡng - Vạn Gia Xuân”. “Thế đại bất vong qua diệt nhất đường tân tảo điện/Xuân thu mỗi niệm tương thường vạn lễ nhuận hoàng hương”..., tạm dịch là: Đời đời không quên con cháu tảo tần từ đường cúng giỗ/Xuân thu tưởng nhớ tế lễ phạn lễ nhuận vàng hương...

Hàng năm, người dân đều góp công, góp sức để sửa chữa, gìn giữ nét văn hóa dân gian của Đình. Vào các dịp cúng Tiền hiền, cúng cầu an, Đình đón hơn 3.000 lượt khách và người dân địa phương đến chiêm bái.

Một trong những đặc trưng di sản Hán-Nôm tại di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh là những cặp đối liễn do các bậc tri thức sáng tác, thể hiện bằng 2 chữ đầu của cặp đối về các địa danh như: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Long Sơn, Phước Hòa, Phước Hải, Long Điền, Hắc Lăng, Bà Rịa, Long Hòa, Bình Châu, Long Điền... khắc họa nên những cảnh vật, sản vật độc đáo của những vùng đất này. Chẳng hạn, địa danh Thắng Nhất, đình Thắng Nhất, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu: “Thắng Nhất tại thao duy quốc trị; Nhất đồng hưng sáng phúc nhân quần” (Thao lược hơn người vì trị quốc; Một lòng hưng thịnh tạo phúc cho muôn dân); Địa danh Thắng Nhì, đình Thắng Nhì, phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu: “Thắng địa nguy nga đông thành tây tựu; Nhị sơn phong cảnh nam hợp bắc hòa” (Thắng địa nguy nga đông thành tây tựu; Hai non cảnh đẹp Bắc Nam hợp hòa)… Mỗi địa danh đều gắn với các điển tích, sự kiện của vùng đất ấy. Nhiều câu hoành phi tại các di tích còn lưu giữ một số câu được kiểm chứng qua thời gian đến nay vẫn tồn tại như chân lý: Nguyệt đán bình (Để cho thời gian phán xét); Minh đức tân dân (Đức sáng người dân đổi mới); Triêm đức hóa (Thấm sâu ân đức mà cảm hóa lòng người); Chí thành năng cách (Người có chí thành mới có thể có nhân cách); Đức thịnh dân khang (Đức thịnh dân khang); Đức hóa vạn dân (Đạo đức cảm hóa vạn dân)…

Được biết, trong di tích lịch sử Hán-Nôm, toàn tỉnh có 26 di tích lịch sử tiêu biểu, hơn 900 câu đối, 258 bức hoành phi, 17 sắc phong được bảo tàng xếp vào nhóm di sản vật thể tại các đình, đền, miếu và một số ngôi nhà cổ. Các câu đối, hoành phi này đã được Bảo tàng và một số di tích nghiên cứu phiên âm, dịch nghĩa sang tiếng Việt để du khách đến tham quan và hiểu hơn về giá trị văn hóa hình thành trong quá trình khai hoang mảnh đất BR-VT. 

ĐÔNG HIẾU - DUYÊN TÂM

 

 

.
.
.