Xót xa cho một gia cảnh

Thứ Tư, 24/06/2020, 22:05 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều năm qua, người dân thị trấn Long Điền đã không còn xa lạ với hình ảnh người đàn ông mù lòa, hằng ngày vẫn đến làm việc ở các cửa chùa, nhận chút công quả để nuôi vợ và con trai đều mắc bệnh tâm thần. Đó là hoàn cảnh của ông Phan Xuân Hoàng (SN 1959, tổ 5, khu phố Long Liên, TT.Long Điền, huyện Long Điền).

Ngoài chăm sóc vợ con, ông Hoàng còn phải lo cho mẹ già 92 tuổi, thường xuyên đau yếu.
Ngoài chăm sóc vợ con, ông Hoàng còn phải lo cho mẹ già 92 tuổi, thường xuyên đau yếu.

Bước vào căn nhà nhỏ, tối sụp của ông Phan Xuân Hoàng, chúng tôi thực sự cảm thấy ngột ngạt vì một không khí bệnh tật bao trùm. Căn nhà lộn xộn đến bất lực. Như thể từ trước đến nay, hiếm khi được một bàn tay sắp xếp, dọn dẹp.

Cầm cái ghế dò dẫm từng bước, ông Hoàng đặt nhẹ xuống góc nhà, hiền lành mời chúng tôi ngồi. Nhưng chưa kịp đỡ lấy chiếc ghế nhỏ, thì từ phía sau, một tiếng cười man dại phá lên. Liền đó, là tiếng la hét liên hồi, như vừa hoảng loạn, vừa vui mừng.

Sau đôi chút bối rối, bà Đoàn Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ 5, khu phố Long Liên (người cùng đi với chúng tôi), giới thiệu: “Đó là Tiến (Lê Văn Tiến-PV), con trai riêng của bà Lê Thị Kiệm, vợ ông Hoàng. Ông Hoàng thương nó lắm. Tiến năm nay đã 32 tuổi nhưng mắc bệnh tâm thần và câm điếc, nên cứ như một đứa trẻ ngờ nghệch”.

Nói rồi, bà Đoàn Thị Hạnh chỉ vào người đàn bà đang im lặng nhìn chúng tôi với ánh mắt vô hồn: “Kia là bà Kiệm, mẹ của Tiến. Bà Kiệm cũng bị bệnh tâm thần từ nhỏ, đầu óc không được minh mẫn như người thường”.

Trong suốt cuộc nói chuyện, tìm hiểu gia cảnh ông Hoàng, chúng tôi cảm thấy may mắn vì có bà Hạnh đóng vai người “phiên dịch”. Nếu không, thật khó để hình dung hết nỗi cơ cực của những mảnh đời trong căn nhà nhỏ đó, qua lời kể gián đoạn, lúc được lúc mất của họ.

Hơn 10 năm trước, ông Phan Xuân Hoàng còn là người khỏe mạnh. Sau cơn bạo bệnh, mắt ông mờ dần và mù hẳn. Từ khi không nhìn thấy đường, ông Hoàng nghỉ việc, lên chùa làm công quả. Rồi ông gặp mẹ con bà Kiệm. Thương cho hoàn cảnh hai mẹ con, ông về ở chung với bà, cùng lo toan cuộc sống.

Bà Kiệm từ nhỏ đã không minh mẫn. Lớn lên, bà đi phụ rửa chén cho các hàng quán gần nhà. Rồi một ngày, bỗng nhiên bà mang bầu. Anh Tiến chào đời, trong nỗi éo le không ai biết về ba của đứa trẻ. Nhưng bất hạnh chưa dừng ở đó. Anh Tiến lớn lên mà chưa một ngày phụ giúp được gì cho đấng sinh thành, vì bản thân anh cũng bị bệnh tâm thần, câm điếc.

Vợ chồng ông Phan Xuân Hoàng trước căn nhà cấp 4 chật chội, lụp xụp.
Vợ chồng ông Phan Xuân Hoàng trước căn nhà cấp 4 chật chội, lụp xụp.

“Hoàn cảnh gia đình ông Hoàng rất cơ cực. Ông Hoàng vừa phải lo cho vợ, con vừa phải trông nom, chăm sóc mẹ già là bà Trần Thị Muỗng (92 tuổi), ở sát cạnh gia đình ông Hoàng. Nhiều năm nay, gia đình ông Hoàng sống chủ yếu dựa vào khoản trợ cấp của Nhà nước. Hiện nay, anh Lê Văn Tiến được hưởng trợ cấp thường xuyên dành cho người khuyết tật 480.000 đồng/người/tháng; bà Trần Thị Muỗng đang được nhận trợ cấp 320.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nguồn trợ cấp ít ỏi này không đủ để gia đình vượt qua khó khăn”, bà Đoàn Thị Hạnh nói.

Gia cảnh của ông Phan Xuân Hoàng đang rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ trực tiếp với Quỹ “Tấm lòng Vàng” Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (28, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Vũng Tàu), điện thoại: 0254.3.533.533 - 0941.666.000. Tài khoản: 0081001347137 Vietcombank Vũng Tàu) hoặc trực tiếp giúp đỡ gia đình ông Phan Xuân Hoàng (Tổ 5, khu phố Long Liên, TT.Long Điền, huyện Long Điền) hoặc liên hệ ông Đặng Văn Trắc, Trưởng nhóm người mù của TT.Long Điền - Điện thoại: 0933.499.391.

Chuyên mục KẾT NỐI YÊU THƯƠNG mong nhận được thông tin của bạn đọc về các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn... Ban Biên tập sẽ cử người xác minh và đăng tải trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Thông tin giới thiệu gửi về email: baobrvt@gmail.com hoặc Quỹ “Tấm lòng Vàng”, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (28, Trần Hưng Đạo, phường 1, TP. Vũng Tàu).

Bài, ảnh: MAI HOA

;
.