Đột quỵ - đừng bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị

Thứ Năm, 09/07/2020, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Khi có dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân cần được cấp cứu và chữa trị ngay lập tức để bệnh không trở nặng và gây biến chứng về sau.

Bệnh nhân P.V.V., đang được điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Lê Lợi).
Bệnh nhân P.V.V., đang được điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Lê Lợi).

DIỄN RA TRONG THỜI GIAN NGẮN

Ngày 30/6, ông P.V.V., 63 tuổi, ở đường Lương Văn Nho (TP.Vũng Tàu) xuất hiện các dấu hiệu như: mệt mỏi, tay và chân yếu, không giơ lên được, liệt nửa mặt bên trái. Ngay lập tức, ông được người nhà đưa vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ do tắc mạch máu não và yêu cầu nhập viện. Nhờ được cấp cứu và điều trị kịp thời, đến nay sức khỏe của ông V. đã cải thiện được hơn 60% so với lúc nhập viện. 

Không chỉ có người cao tuổi mới bị đột quỵ mà cả người trẻ tuổi cũng mắc căn bệnh này. Sáng 9/7, bệnh nhân V.T.H., 30 tuổi, ở đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu được đưa vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu trong tình trạng đột quỵ do xuất huyết não. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục chữa trị. 

Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, tế bào não sẽ bắt đầu chết. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm... 

Hiện nay có 2 loại đột quỵ gồm: đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm khoảng 85% tổng số ca đột quỵ, các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não) và đột quỵ do xuất huyết (tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não). Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

KHÔNG ĐƯỢC TỰ CHỮA TRỊ Ở NHÀ 

Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ và bất cứ ai cũng có nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ; nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn nữ giới; người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Bên cạnh đó, đột quỵ còn xuất phát từ các nguyên nhân bệnh lý như: người có tiền sử đột quỵ; có bệnh liên quan đến đái tháo đường; bệnh tim mạch và cao huyết áp; mỡ máu cao; thừa cân và người hay hút thuốc, sử dụng chất kích thích, uống quá nhiều bia rượu; lười vận động... 

Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm: cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc nửa mặt, nụ cười bị méo mó. Cơ thể cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể; khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường; hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột; thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn. 

Bác sĩ Phan Hải Đăng, phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Lê Lợi) khuyến cáo, khi thấy xuất hiện dấu hiệu đột quỵ nêu trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và xử lý kịp thời. Bệnh nhân không được tự chữa trị ở nhà. Thời gian “vàng” để cấp cứu đột quỵ đạt hiệu quả nhất là trong vòng 3 tiếng và khung giờ mở rộng đến 4 tiếng rưỡi kể từ khi có biểu hiện đột quỵ. Căn cứ vào tình trạng đột quỵ ở mức nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị như truyền thuốc tiêu sợi huyết, phẫu thuật mở sọ giải áp, hoặc can thiệp nội mạch… “Đột quỵ không được chữa trị sớm sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm, nặng thì gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời”, bác sĩ Hải Đăng nói thêm. 

Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh), để phòng ngừa đột quỵ, mỗi người cần kiểm soát tình trạng mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường. Chế độ dinh dưỡng cần hợp lý, nên ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, thịt trắng, hải sản, trứng và hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Người bệnh cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh và các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành... Hàng ngày, mỗi người nên tập thể dục 30 phút để tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể; cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là với người lớn tuổi; không hút thuốc lá; kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.