TRƯỜNG CĐ SƯ PHẠM BR-VT

Chỉ đào tạo trình độ cao đẳng đối với ngành Giáo dục Mầm non

Thứ Tư, 19/08/2020, 22:06 [GMT+7]
In bài này
.

• Phóng viên: Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, GV TH, THCS phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên. Như vậy, phải chăng, từ năm 2020, các trường CĐSP chỉ còn được giao đào tạo Giáo dục MN, thưa ông?

- Ông Hồ Cảnh Hạnh: Điều 72 của Luật Giáo dục 2019 đã quy định về chuẩn trình độ GV như sau: “Đối với giáo viên MN phải có bằng tốt nghiệp CĐSP trở lên. GV TH, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên”. Quy định này đã tạo ra “bước ngoặt” trong tuyển sinh ngành sư phạm. Năm nay, đối với đào tạo sư phạm, Bộ GD-ĐT chỉ giao các trường CĐSP đào tạo trình độ CĐ ngành Giáo dục MN. Còn việc đào tạo GV TH, THCS trình độ ĐH do các địa phương phối hợp, đặt hàng với các trường ĐH Sư phạm.

Bên cạnh đó, các trường CĐSP được giao tự chủ tuyển sinh, nhưng vẫn phải tuân thủ quy định về ngưỡng chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) do Bộ GD-ĐT công bố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông, “bước ngoặt” này khiến các trường CĐSP đứng trước tình thế như thế nào?

- Việc các trường CĐSP không được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo GV TH, THCS làm cho các trường CĐSP nói chung, trong đó có CĐ Sư phạm BR-VT đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Các nhà trường phải phụ thuộc vào chủ trương của địa phương và sự liên kết, phối hợp của các trường ĐH Sư phạm. Còn việc tiếp tục quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho các ngành sư phạm là nhằm mục đích thu hút HS giỏi vào trường sư phạm, là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ GV. Tuy nhiên, việc không quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành khác (ngoài sư phạm) sẽ đồng nghĩa với nguồn tuyển của các trường CĐSP sẽ bị thu hẹp.

Trước tình hình đó, năm nay, nhà trường thực hiện tuyển sinh như thế nào, thưa ông?

- Năm 2020, Trường CĐ Sư phạm BR-VT được Bộ GD-ĐT thông báo chỉ tiêu đào tạo ngành Giáo dục MN là 500 chỉ tiêu. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và kết quả tuyển sinh các năm trước, năm nay, nhà trường xác định chỉ tiêu đào tạo chính quy ngành Giáo dục MN là 200 chỉ tiêu. Trước đó, năm 2018 chỉ tiêu ngành Giáo dục MN là 85, năm 2019 là 205. 

Phương thức tuyển sinh của nhà trường năm nay cũng có nhiều thay đổi. Nhà trường xét tuyển điểm thi THPT của một trong các năm 2018, 2019, 2020 hoặc điểm học bạ THPT bằng 3 tổ hợp (D01, C14 và C20); kết hợp xét tuyển với thi tuyển bằng tổ hợp M00 (xét tuyển hai môn Văn, Toán bằng điểm thi THPT hoặc điểm học bạ THPT và thi tuyển môn Năng khiếu - Đọc, Hát). SV ngành Giáo dục MN không phải đóng học phí hoặc được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Ngoài ngành Giáo dục MN, năm nay nhà trường tiếp tục tuyển sinh 5 ngành CĐ (ngoài sư phạm) với 220 chỉ tiêu, bao gồm: CNTT (chuyên ngành Công nghệ phần mềm), tiếng Anh, tiếng Nhật, Kế toán và Quản trị văn phòng bằng hình thức xét tuyển theo điểm thi THPT hoặc điểm học bạ THPT.

Chỉ tiêu tuyển sinh như vậy có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng GV và năng lực đào tạo của nhà trường hay không?

- Hiện nay, địa bàn tỉnh BR-VT và các địa phương lân cận thiếu rất nhiều GV MN. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh như trên sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của ngành giáo dục và phù hợp với nguồn lực của Trường CĐ Sư phạm BR-VT. Hiện nay, nhà trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, có KTX cho SV ở xa; đội ngũ tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm, trình độ sau ĐH chiếm gần 90%, trong đó có 18% có trình độ tiến sĩ. Với những yếu tố đó, SV được tạo điều kiện thuận lợi nhất để học tập, nghiên cứu và rèn luyện.

Như vậy là trước sự thay đổi mang tính “bước ngoặt”, nhà trường đã có sự chuẩn bị chu đáo để bảo đảm công tác tuyển sinh và đào tạo năm nay. Còn kế hoạch “dài hơi” hơn để hướng tới sự tồn tại và phát triển bền vững thì sao, thưa ông?

- Trong những năm tới, ngoài việc đào tạo GV MN và các ngành CĐ khác, nhà trường thực hiện việc đào tạo GV TH, THCS theo chủ trương của tỉnh tại văn bản số 10557/UBND-VP ngày 14/10/2019  của UBND tỉnh về việc cho phép Trường CĐ Sư phạm BR-VT liên kết, phối hợp với các trường ĐH Sư phạm để đào tạo chính quy trình độ ĐH cho GV TH và THCS. Chủ trương này tạo cơ hội cho HS trong tỉnh theo học các ngành sư phạm trình độ ĐH ngay tại địa phương. 

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang xây dựng đề án phát triển nhà trường thành trường ĐH theo Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 31/12/2015 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Các thí sinh dự thi năng khiếu tại Trường CĐ Sư phạm BR-VT ngày 19/8.
Các thí sinh dự thi năng khiếu tại Trường CĐ Sư phạm BR-VT ngày 19/8.

KHÁNH CHI (ghi)

 
;
.