Trường học "gồng" mình vì thiếu cán bộ quản lý

Thứ Tư, 02/09/2020, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn vài ngày nữa là khai giảng năm học mới, vậy nhưng, đến thời điểm này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn thiếu các chức danh hiệu trưởng, hiệu phó. Thực trạng này đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc quản lý và nảy sinh nhiều hệ luỵ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương (giữa), Trưởng Phòng GĐ-ĐT TP. Vũng Tàu được bổ nhiệm thông qua thi tuyển  chức danh lãnh đạo, quản lý.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương (giữa), Trưởng Phòng GĐ-ĐT TP. Vũng Tàu được bổ nhiệm thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.

KHÓ KHĂN VÌ THIẾU LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ

Ông Lê Thanh Kính, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết, hiện nay, huyện Châu Đức đang thiếu 8 cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục công lập, trong đó có 3 phó hiệu trưởng và 5 hiệu trưởng. Bậc học chịu ảnh hưởng nặng nhất là MN với 3 trường thiếu cán bộ quản lý. Ở bậc học này, ngoài chuyên môn, công tác bán trú cũng rất vất vả và áp lực vì liên quan trực tiếp đến sự an toàn của trẻ. “Trường hạng 1 có cơ cấu 1 hiệu trưởng, 2 hiệu phó, khi khuyết 1 chức danh đã rất vất vả. Trường hạng 2 chỉ có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó, khi thiếu 1 cán bộ quản lý dẫn đến quá tải công việc”, ông Lê Thanh Kính phân tích thêm.

Tương tự, bà Thái Thị Thảo Sương, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho hay, toàn huyện đang thiếu 8 hiệu trưởng và 4 phó hiệu trưởng, trong đó có trường thiếu cán bộ quản lý từ 2 năm nay. “Do không “danh chính ngôn thuận” nên những người được tạm giao quyền điều hành đã gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo. Một số người còn e dè, không mạnh mẽ, quyết liệt trong việc thực hiện công việc điều hành, quản lý nhà trường. Tuy nhiên, nếu xảy ra sai sót, người làm thay sẽ phải chịu trách nhiệm”, bà Sương phân tích.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng thừa nhận tình trạng thiếu cán bộ quản lý tại các trường học trên địa bàn tỉnh không chỉ gây quá tải công việc cho ban giám hiệu (BGH) nhà trường mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Điển hình như vụ bạo lực học đường tại Trường THCS Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Một phần nguyên nhân cũng do Hiệu trưởng nhà trường chưa được bổ nhiệm lại, một hiệu phó được phân công “làm thay”. Công việc quá tải nên lãnh đạo nhà trường khó có thể sâu sát với việc quản lý, điều hành, dẫn tới hệ lụy đáng tiếc.

Thầy Cù Huy Cảnh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Bình Châu cho biết, trường chưa có hiệu trưởng, còn 1 phó hiệu trưởng sắp nghỉ hưu. Đội ngũ BGH “mỏng”, trong khi có quá nhiều “đầu việc” phải giải quyết nên việc quán xuyến công việc rất vất vả, không thể sâu sát trong công tác quản lý.

Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu) là một trong những  đơn vị bổ nhiệm cán bộ quản lý qua thi tuyển. Trong ảnh: Một tiết học Ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh.
Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu) là một trong những đơn vị bổ nhiệm cán bộ quản lý qua thi tuyển. Trong ảnh: Một tiết học Ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh.

CẦN CÓ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Trước mắt, để giải quyết vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Châu đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý (LĐQL) hoặc tạm thời trong năm 2020 cho phép bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục các cấp không qua thi tuyển.

Còn theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo, việc tổ chức thi tuyển đồng loạt tại các địa phương là rất khó khăn trong khi nhiều nơi khan hiếm nguồn tuyển. Do đó, không nên áp dụng hình thức thi tuyển đồng loạt mà chỉ nên chọn một số trường, một số địa phương làm thí điểm trước để rút kinh nghiệm.

Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 09/5/2017 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và Quy chế số 06-QC/TU ngày 29/11/2017 của Tỉnh ủy về thí điểm thi tuyển chức danh LĐQL cấp sở, cấp phòng tỉnh BR-VT nêu rõ: việc thi tuyển chức danh LĐQL nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực trí tuệ cho sự nghiệp bền vững cho địa phương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý; góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nghập quốc tế, đồng thời tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia làm công tác LĐQL.

Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, mặc dù tỉnh đã giao cho các huyện, thị, thành phố tổ chức thi tuyển và kế hoạch thi tuyển cũng đã được thống nhất nhưng công tác tổ chức thi tuyển rất phức tạp nên Sở Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể trước khi triển khai. Huyện Đất Đỏ cũng đề nghị UBND tỉnh cho bổ nhiệm LĐQL tại các trường học mà không qua thi tuyển để bảo đảm nhân sự cho năm học mới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, ngày 30/8/2019, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 8754/UBND-SNV về thi tuyển chức danh LĐQL cấp sở, cấp phòng. Công văn nêu rõ, từ ngày 3/9/2019 đến 31/12/2021, các sở, đơn vị sự nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thi tuyển chức danh LĐQL cấp phòng và tương đương (sau khi thi tuyển mới bổ nhiệm). Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ nhiệm mới cán bộ, công chức LĐQL cấp sở, cấp phòng và cơ quan, đơn vị hợp nhất, nếu chưa có phương án sắp xếp, bố trí cán bộ LĐQL đều phải thực hiện theo hình thức thi tuyển, trừ một số vị trí thuộc diện Tỉnh ủy quản lý sẽ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định.

Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn LĐQL cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” được triển khai từ năm 2017 tại 14 cơ quan trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau gần 3 năm thực hiện đã có 12 cơ quan trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ LĐQL cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã có 17 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ LĐQL cấp sở và cấp phòng, trong đó có 368 ứng viên trúng tuyển.   

Theo Sở Nội vụ, TP. Vũng Tàu là địa phương tiên phong trong thí điểm thi tuyển chức danh LĐQL một số phòng, ban, đơn vị trực thuộc, các trường học trên địa bàn và đã thực hiện rất tốt. Cụ thể, địa phương này đã thi tuyển 9 chức danh, gồm: 1 trưởng phòng GD-ĐT; 1 phó trưởng phòng VH-TT; 7 hiệu trưởng tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Ông Trương Thanh Phong cho biết thêm, về tình hình thi tuyển chức danh LĐQL theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến nay có 19 cơ quan, đơn vị đăng ký thi tuyển 343 vị trí. Kết quả rà soát biên chế còn lại 318 vị trí/17 cơ quan, đơn vị. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 304 vị trí được thi tuyển của 6 sở, ngành và 8 địa phương. Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị sẽ tổ chức triển khai thực hiện thi tuyển. “Sở Nội vụ đang tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương để trình UBND tỉnh tháo gỡ trong thời gian tới”, ông Trương Thanh Phong nói.

Cô Phan Kim Nhung, được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP. Vũng Tàu) thông qua hình thức xét tuyển cạnh tranh.
Cô Phan Kim Nhung, được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP. Vũng Tàu) thông qua hình thức xét tuyển cạnh tranh.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI - HUYỀN TRANG

;
.