Hãy thương con đúng cách!

Thứ Sáu, 02/10/2020, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Từ thực tế cuộc sống cho thấy, thường ngày có những công việc thừa khả năng của trẻ làm. Thế nhưng, nhiều phụ huynh vì thương con, không muốn con mình làm cực nên họ đã dành phần làm lấy. Chính điều này vô tình đánh mất đi cơ hội tích lũy kỹ năng sống của trẻ.

Điển hình như làm công việc nhà chẳng hạn. Ở nhà, có rất nhiều công việc phù hợp với trẻ như: Lặt rau, quét dọn nhà cửa, hoặc phụ làm những công việc lặt vặt trong nhà… Nhưng, thực tế cho thấy có rất ít phụ huynh quan tâm đến việc tìm công việc nào đó thích hợp để giao cho trẻ làm. Theo quan niệm của nhiều phụ huynh hành động như thế là thương con.

Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ thương con được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng chung quy là tất cả đều mong muốn con mình có được một cuộc sống tốt đẹp. Việc cha mẹ không để con cái mình làm công việc nhà và dành phần làm hết chưa hẳn là hành động thương con. Thậm chí còn ngược lại hại trẻ nữa là đằng khác!? Bởi đối với trẻ, một công việc nào đó mà bản thân các em chưa từng được làm qua thì thử hỏi làm sao các em có được những kiến thức cơ bản và bản thân chưa am hiểu tường tận tính chất của những công việc. Hơn nữa, trong cuộc sống hằng ngày đâu phải lúc nào cũng có người thân chực sẵn bên cạnh giúp đỡ. Có những lúc không người nhà bên cạnh, thì dĩ nhiên công việc ấy phải do chính bản thân trẻ tự làm lấy. Nếu trẻ nào không biết thực hiện thì thiệt thòi cho trẻ là chuyện nghiễm nhiên...

Thương con, điều trước tiên cha mẹ cần làm là phải biết quan tâm đúng mức đến con cái, phải hiểu con cái và nắm được tâm tư, nguyện vọng của con mình. Là cha mẹ phải biết con mình thích những gì, nghĩ những gì và muốn làm điều gì. Tôn trọng quyền quyết định của trẻ (trên cơ sở ý kiến của cha mẹ), tuyệt đối không nên có sự áp đặt con cái theo suy nghĩ của mình.

Kế tiếp là dạy cho con lễ nghĩa, những điều hay lẽ phải ở đời. Để làm được điều này, cha mẹ phải là những người làm gương để trẻ noi theo. Hướng dẫn cho trẻ những việc nên làm và những việc không nên làm. Luôn bên cạnh để uốn nắn, chỉ dạy cho trẻ góp phần hình thành nhân cách của trẻ.

Đặc biệt, cha mẹ phải luôn tạo điều kiện để trẻ rèn luyện kỹ năng sống. Nhận thấy những việc gì phù hợp với lứa tuổi, giới tính và trong khả năng trẻ làm được thì hãy để cho bản thân trẻ tự làm lấy. Trẻ làm, phụ huynh âm thầm quan sát, theo dõi. Kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai lệch để điều chỉnh, uốn nắn trẻ. Một khi trẻ tự thân làm việc, dần dần các em tích lũy được kinh nghiệm hữu ích. Phụ huynh không nên cướp đi cơ hội được trải nghiệm của trẻ.

Cha mẹ nào mà chẳng thương con cái của mình. Thương con, lo lắng, chăm sóc cho con là trách nhiệm và là bổn phận của những bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, để việc thương con mang lại hiệu quả thiết thực thì đòi hỏi cha mẹ phải thương con đúng cách; góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện. Đừng thương con một cách mù quáng không những không mang lại lợi ích gì cho con, mà ngược lại còn làm hại con mình, thậm chí còn khiến cho các em gây ra những hậu quả khôn lường về sau.     

NGUYỄN VĂN DÔ

 
;
.