TRƯỜNG THPT CHÂU THÀNH (TP. BÀ RỊA)

Tạo đột phá với những tiết dạy văn hóa bằng tiếng Anh

Thứ Hai, 02/11/2020, 20:32 [GMT+7]
In bài này
.

Xuất phát từ mục tiêu không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và yêu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS phổ thông, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) đã nảy ra ý tưởng đầy sáng tạo là giảng dạy một số tiết chuyên đề của 5 bộ môn văn hóa bằng tiếng Anh. Ý tưởng này đã tạo ra bước đột phá trong giảng dạy, đem lại “lợi ích kép” cho cả thầy và trò.

Bài “Biosphere-Sinh quyển” bằng tiếng Anh do cô Đỗ Thị Kim Dung, GV bộ môn Địa lý giảng dạy.
Bài “Biosphere-Sinh quyển” bằng tiếng Anh do cô Đỗ Thị Kim Dung, GV bộ môn Địa lý giảng dạy.

Ý TƯỞNG TÁO BẠO

Dự Hội thi GV dạy giỏi tại Trường THPT Châu Thành, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi trong 13 tiết hội giảng có tới 5 tiết được giảng bằng tiếng Anh. Trong những tiết học này, HS được chia thành các nhóm nhỏ, GV nói tiếng Anh hoàn toàn. HS cũng trao đổi, thuyết trình những nội dung được giao bằng tiếng Anh lưu loát không khác gì một tiết ngoại ngữ.

Thầy Lại Định Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho hay, ý tưởng dạy học văn hóa bằng tiếng Anh ra đời từ mục tiêu đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và yêu cầu nâng cao năng lực ngoại ngữ của HS trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Từ năm học 2016-2017, nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai, phát động những thầy cô có kiến thức ngoại ngữ tiên phong thí điểm một số tiết dạy. 

Là GV từng theo học chương trình thạc sĩ tại Úc, cô Phan Trần Diệp Hương, GV bộ môn Hóa được chọn làm “hạt nhân” để thực hiện những tiết dạy đầu tiên bằng tiếng Anh. Cô Diệp Hương cho biết, trước khi giao nhiệm vụ cho HS, cô chuẩn bị sẵn danh sách thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành Hóa học, hướng dẫn các em đọc từ, cung cấp nội dung bài bằng tiếng Anh để các em chuẩn bị. Cô Diệp Hương nói: “Nếu như soạn một bài giảng tiếng Việt chỉ mất khoảng 3 ngày, thì việc chuẩn bị cho bài giảng bằng tiếng Anh mất khoảng 1 tuần. Sau khi soạn bài bằng tiếng Việt, tôi chuyển toàn bộ nội dung bài giảng sang tiếng Anh, rồi dạy thử, nhờ đồng nghiệp góp ý, bổ sung để chỉnh sửa trước khi lên lớp”.

Đến thời điểm này, Trường THPT Châu Thành đã có 5 môn học có chuyên đề được dạy bằng tiếng Anh. Điều đặc biệt là ngoài một số môn Tự nhiên như: Toán, Vật lý, Hóa học, còn có thêm 2 môn Xã hội và Địa lý và Ngữ văn. 

Cô Vũ Thị Đức Hạnh chia sẻ: “Với môn Ngữ văn, điều khó khăn nhất là có ít tài liệu dịch thuật để tham khảo, nhiều đơn vị ngôn ngữ tiếng Việt có nhưng tiếng Anh không có. Vì vậy, tôi phải mất tới 2 tháng để xây dựng bài giảng và phải nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy cô là giảng viên ĐH và tổ bộ môn tiếng Anh của trường để hoàn thiện bài giảng của mình”. 

Học sinh học bài “Đặc điểm loại hình ngôn ngữ tiếng Việt”  do cô Vũ Thị Đức Hạnh giảng dạy bằng tiếng Anh.
Học sinh học bài “Đặc điểm loại hình ngôn ngữ tiếng Việt” do cô Vũ Thị Đức Hạnh giảng dạy bằng tiếng Anh.

ĐỔI MỚI ĐỂ HỘI NHẬP

Phương pháp giảng dạy mới lạ tại Trường THPT Châu Thành đã nhận được phản hồi tích cực từ HS và trở thành điểm nhấn trong hoạt động giáo dục của nhà trường. Em Nguyễn Đức Mạnh, HS lớp 11A1, Trường THPT Châu Thành cho biết: “Việc học tập một số chuyên đề của các bộ môn văn hóa bằng tiếng Anh mang đến cho em những cảm xúc mới mẻ, hứng thú. Qua những tiết dạy này, em không chỉ được trau dồi vốn từ vựng, mà còn có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh. Cách làm sáng tạo này cũng khiến em yêu thích các môn học văn hóa hơn”. Em Huỳnh Đức Thắng, HS lớp 10A1 thì cho hay, trong những tiết học đặc biệt này, các em chủ yếu vận dụng ngữ pháp tiếng Anh cơ bản. Điều quan trọng là cần học kỹ các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh để chuẩn bị cho bài học. “Em và các bạn rất thích thú với những tiết học bằng tiếng Anh. Đây sẽ là nền tảng để chúng em không bỡ ngỡ khi tiếp cận với môi trường học tập quốc tế”, Đức Thắng bày tỏ. 

Cô Phan Trần Diệp Hương cho biết thêm, hiện nay, việc giảng dạy một số chuyên đề bằng tiếng Anh chủ yêu áp dụng cho những lớp có năng lực ngoại ngữ tương đối tốt. Những HS có nền tảng tiếng Anh chưa vững cũng sẽ được các bạn hỗ trợ khi tham gia hoạt động nhóm. GV chỉ khuyến khích các em giao tiếp, trình bày bằng tiếng Anh chứ không tạo áp lực cho các em. Những nội dung chưa hiểu rõ, các em cũng được bạn bè, GV giảng giải thêm sau tiết học. 

Bên cạnh việc tạo môi trường rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ cho HS, bản thân GV cũng có cơ hội để nâng cao năng lực của mình, bắt nhịp với xu hướng hội nhập quốc tế. Theo thầy Lại Định Quốc, GV tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh, trước hết phải giàu nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn vững vàng đối với bộ môn mình giảng dạy thì mới có thể tự tin tiến tới giảng dạy bằng ngoại ngữ. Việc giảng dạy bằng tiếng Anh chỉ thực hiện với một số chuyên đề phù hợp của các bộ môn. Dạy học bằng tiếng Anh cũng đặt ra thử thách để các thầy cô đầu tư nâng cao trình độ ngoại ngữ và có điều kiện vận dụng, rèn luyện ngoại ngữ một cách thường xuyên để không bị mai một. Nhà trường cũng đề ra các chính sách khen thưởng, hỗ trợ, động viên về thi đua nhằm tạo động lực cho các thầy cô không ngừng nỗ lực, từ đó góp phần tạo bước tiến về chất lượng đội ngũ GV của trường.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
;
.