Cảnh giác khi bệnh sốt xuất huyết "vào mùa"

Thứ Sáu, 28/05/2021, 21:44 [GMT+7]
In bài này
.

Khu vực Nam bộ nói chung và BR-VT nói riêng đang bước vào cao điểm mùa mưa, thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) sinh sôi. Tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc SXH. Vì vậy, hiện nay ngoài các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống SXH.

Bác sĩ Phan Thị Hảo, Khoa Truyền nhiễm, BV Bà Rịa khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị SXH.
Bác sĩ Phan Thị Hảo, Khoa Truyền nhiễm, BV Bà Rịa khám bệnh cho bệnh nhân đang điều trị SXH.

Khảo sát nhanh tại các BV thời gian gần đây, số ca nhập viện SXH đã được ghi nhận rải rác, tuy có giảm so với cùng kỳ. Tại BV Bà Rịa từ đầu năm tới nay ghi nhận 93 trường hợp nhập viện điều trị SXH. Riêng tháng 4 số ca nhập viện điều trị SXH nhiều nhất với 19 trường hợp. Đang nằm điều trị tại BV Bà Rịa, ông Nguyễn Văn Sơn (phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết, sau 5 ngày sốt cao không hạ, người mệt, đau mỏi, không muốn ăn uống, đau quặn bụng, ông mới đến BV khám. “Tôi được xét nghiệm và chẩn đoán mắc SXH phải nhập viện điều trị. Sau 2 ngày nằm viện điều trị, sức khỏe của tôi đã ổn định hơn. Tôi đã nghe nhiều về bệnh SXH, nhưng cứ nghĩ mình chỉ bị cảm sốt chứ không phải mắc SXH”, ông Sơn nói.

Tương tự, từ đầu năm tới nay, BV Vũng Tàu tiếp nhận rải rác các trường hợp nhập viện điều trị SHX. Tính riêng từ tháng 5/2021 đến nay, BV Vũng Tàu cũng đã tiếp nhận 23 ca SXH. Trong đó, có 17 ca SXH điều trị ngoại trú và 6 ca điều trị nội trú.

So với những năm gần đây, năm nay, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị SXH giai đoạn tháng 4, tháng 5 giảm mạnh. Tuy nhiên, người dân cũng không nên chủ quan, lơ là. Có những trường hợp, bệnh nhân tuy mắc SXH nhưng không có triệu chứng điển hình, dễ dẫn đến chủ quan. Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Mai (phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) điều trị SXH được 6 ngày tại BV Bà Rịa. Điều đáng nói, bà Mai không có biểu hiện điển hình của bệnh SXH mà chỉ mệt nên đi khám. Kết quả xét nghiệm, bà Mai bị SXH và đang tiếp tục được điều trị, theo dõi. Bà Mai cho biết: “Khu vực xung quanh nhà ở của gia đình tôi mùa này rất nhiều muỗi. Tuy nhiên, do chủ quan nên tôi không nghĩ mình bị SXH”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Bà Rịa cho hay, bệnh SXH dễ để lại những biến chứng, như sốc SXH, suy tạng, suy gan, suy thận, suy tim… Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột, liên tục và sốt cao, kèm theo đau nhức khá rõ, như: Đau cơ, đau hốc mắt và biếng ăn. Bên cạnh đó là biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng và rõ hơn là chảy máu răng... Thông thường, người mắc SXH sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, đau bụng vùng gan, buồn nôn; nặng hơn có thể xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Giai đoạn nguy hiểm của SXH thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Trong giai đoạn này, người bệnh thường hết sốt nhưng vẫn phải theo dõi diễn biến của bệnh. Nếu có bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị. “Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan, chờ có dấu hiệu bất thường mới đi khám. Khi thấy dấu hiệu của SXH hoặc cơ thể mệt mỏi là phải đi khám, đặc biệt với người bệnh có các bệnh lý mạn tính, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em. Nếu bệnh được phát hiện sớm, việc theo dõi, điều trị sẽ thuận lợi và đỡ tốn kém. Tránh để tình trạng bệnh nặng mới đến bệnh viện, lúc đó điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn nhiều. Chưa kể, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Phi lưu ý. Về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân SXH cần bổ sung nhiều nước, tránh ăn đồ quá chua, cay, nóng, nên ăn cháo, súp và ăn làm nhiều bữa, tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 389 ca SXH và 130 ổ dịch, trong đó, TP.Vũng Tàu có số ca cao nhất tỉnh với 186 trường hợp; huyện Côn Đảo có số ca thấp nhất, với 1 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc SXH giảm hơn 350 ca.
Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh SXH. Trong đó, yêu cầu đặt ra là giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch SXH; yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.


Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cần lưu ý bởi, các triệu chứng của SXH cần được hết sức lưu ý, vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19. Cụ thể như dấu hiệu: Sốt, đau mỏi cơ... Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc. Khi có biểu hiện mắc SXH, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh SXH hiệu quả, cũng chưa có thuốc hay phương pháp điều trị đặc hiệu, do đó, việc điều trị chủ yếu là theo dõi, chăm sóc và hỗ trợ chức năng cần thiết cho cơ thể.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.