Dừng hoạt động các chợ tự phát và một số chợ trên địa bàn tỉnh

Bảo đảm đủ hàng hóa thiết yếu, người dân không nên mua tích trữ

Thứ Bảy, 03/07/2021, 17:19 [GMT+7]
In bài này
.

Hệ thống phân phối hàng hóa vẫn luôn hoạt động, bảo đảm đủ hàng hóa, thực phẩm cung cấp cho người dân và không tăng giá. Do vậy, người dân không cần phải đổ xô đi mua hàng tích trữ và vi phạm các quy định về phòng chống dịch.

Sau 12 giờ trưa 3/7, lực lượng chức năng phường 4 (TP. Vũng Tàu) đã giăng dây yêu cầu tiểu thương chợ Cô Giang tạm ngưng kinh doanh.
Sau 12 giờ trưa 3/7, lực lượng chức năng phường 4 (TP. Vũng Tàu) đã giăng dây yêu cầu tiểu thương chợ Cô Giang tạm ngưng kinh doanh.

TIỂU THƯƠNG NGHIÊM TÚC CHẤP HÀNH

Từ 8 giờ sáng nay 3/7, lực lượng chức năng phường 4 (TP. Vũng Tàu) bắt đầu trưng bảng thông báo “Tạm dừng hoạt động chợ Cô Giang từ 12 giờ ngày 3/7” tại 4 cổng ra vào khu vực chợ, gồm: ngã tư Cô Giang - Nguyễn Văn Trỗi; ngã tư Cô Bắc - Tú Xương, Nguyễn Kim; ngã tư Đoàn Thị Điểm - Bà Huyện Thanh Quan; ngã ba Nguyễn Văn Trỗi - Triệu Việt Vương. Các tiểu thương đã không bất ngờ về điều này vì chiều 2/7, lực lượng chức năng của phường 4 đã đến từng hộ tiểu thương thông báo về chủ trương tạm dừng hoạt động chợ tự phát. Việc thông báo trước 1 ngày nhằm giúp tiểu thương cân đối được số lượng hàng bày bán trong sáng 3/7.

Lực lượng chức năng phường 4 (TP. Vũng Tàu) trưng bảng bảng thông báo “Tạm dừng hoạt động chợ Cô Giang từ 12h ngày 3/7” tại ngã tư Cô Giang- Nguyễn Văn Trỗi.
Lực lượng chức năng phường 4 (TP. Vũng Tàu) trưng bảng bảng thông báo “Tạm dừng hoạt động chợ Cô Giang từ 12h ngày 3/7” tại ngã tư Cô Giang- Nguyễn Văn Trỗi.

“Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc thành phố đóng cửa chợ tạm, tiểu thương chúng tôi chấp hành. Trước mắt, trong sáng 3/7 khách quen đến mua hàng tôi đều cho số điện thoại của mình để khi có nhu cầu đặt, tôi sẽ mang đến tận nơi”, bà Trần Thị Long, tiểu thương bán tại chợ tự phát Cô Giang nói.

Còn bà Đào Thị Lành, tiểu thương chợ tự phát Xóm Lưới cho biết, khi biết thành phố có chủ chương dừng chợ tự phát để phòng, chống dịch COVID-19, bà và nhiều tiểu thương chợ Xóm Lưới đều tuân thủ việc này. “Chúng tôi sẽ tạm dừng buôn bán đến khi thành phố có thông báo mới. Đối với hàng hóa còn đang tồn, chúng tôi sẽ cấp đông để bảo quản, đồng thời thông báo với khách hàng quen về việc này. Nếu khách hàng có nhu cầu, chúng tôi sẽ đóng thùng và giao cho khách”, bà Lành chia sẻ.

Tương tự, khảo sát tại các chợ tự phát Chí Linh (vòng xoay Nguyễn Hữu Cảnh và 2-9, phường 10), Lưu Chí Hiếu (thuộc các phường 10, Nguyễn An Ninh và Thắng Nhất), Đô Lương (phường 11, 12), Phước Thắng (phường 12), Lê Quang Định (gần ngã ba Lê Quang Định - Tiền Cảng thuộc phường 9 và phường Thắng Nhất), hẻm 66 đường 30/4 (phường Thắng Nhất) và hẻm 212 Nguyễn Hữu Cảnh (phường Thắng Nhất), từ sáng sớm 3/7, hoạt động mua bán tại đây diễn ra vội vàng, gấp rút để kịp dẹp chợ vào lúc 12 giờ. Đến gần trưa, các mặt hàng trái cây, rau, củ quả người bán đua nhau “xổ” hàng với giá rẻ. Các loại chôm chôm, nhãn… bình thường giá 10 ngàn đồng/kg; đến trưa 3/7 chỉ còn từ 6-8 ngàn đồng/kg (tùy loại; các loại rau, củ như: rau cải, xu hào, bắp cải, hành, ngò rí… cũng giảm từ 30-50%. 

ÔNG TRẦN ĐÌNH KHOA, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, BÍ THƯ THÀNH ỦY VŨNG TÀU: 

Sẽ có chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ tiểu thương

TP. Vũng Tàu là địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao với nhiều chợ tập trung đông, không thể kiểm soát người từ các vùng dịch trở về. Do vậy, thành phố kiên quyết đóng cửa 12 chợ tạm trên địa bàn từ 12 giờ ngày 3/7, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung đông người tại khu vực chợ và những người ở địa phương khác đưa hàng hóa về TP. Vũng Tàu mà không được kiểm soát.

Thành phố đã thông báo cho tiểu thương việc đóng cửa chợ tạm và không tích trữ hàng hóa để buôn bán trong những ngày sắp tới, đồng thời sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp với các trường hợp này. Nếu tiểu thương có nhu cầu về chợ chính thức đang hoạt động, thành phố sẽ hỗ trợ sắp xếp vào các chợ phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay và bảo đảm công tác phòng chống dịch. Thành phố cũng lập các tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là việc kinh doanh tại các điểm kinh doanh không hợp pháp và tiến hành ngay từ chiều 3/7.

UBND TP. Vũng Tàu sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh, Sở Công thương xem xét miễn giảm các loại phí trong 3 tháng. Bên cạnh đó, từ 1 giờ ngày 5/7, TP. Vũng Tàu tổ chức di dời điểm chợ lên xuống hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tạ Uyên tập trung về khu vực Paradise (giáp với đường Nguyễn An Ninh), để bố trí, sắp xếp việc xuống hàng; thông tin đến các tiểu thương, hộ kinh doanh biết để bố trí, sắp xếp triển khai. Chợ sẽ đi vào hoạt động tại địa điểm mới vào sáng 5/7. Đối với xe vận chuyển hàng hóa, tài xế phải có đầy đủ lịch sử hành trình trong 14 ngày, tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Hải, bán rau tại chợ tự phát ở 242 Nguyễn Hữu Cảnh (phường Thắng Nhất) cho biết: “Rau hái từ hôm qua nên tôi tranh thủ bán hết trưa nay rồi nghỉ. Tôi không có điều kiện chuyển vào bán tại chợ truyền thống nên sẽ chuyển qua hình thức bán online. Hàng ngày, tôi sẽ rao bán trên facebook, zalo và sẽ giao cho khách tận nhà”.

Lực lượng chức năng nhắc nhở tiểu thương buôn bán tại chợ tự phát Xóm Lưới (phường 2, TP.Vũng Tàu) tạm ngưng hoạt động trước 12 giờ trưa 3/7.
Lực lượng chức năng nhắc nhở tiểu thương buôn bán tại chợ tự phát Xóm Lưới (phường 2, TP.Vũng Tàu) tạm ngưng hoạt động trước 12 giờ trưa 3/7.

Ông Hoàng Đình Kê, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND phường 4 cho biết, ngay từ chiều 2/7, UBND phường đã thành lập 6 tổ công tác, trong đó 4 tổ chốt chặn tại lối vào chợ tự phát Cô Giang, 1 tổ làm nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con tiểu thương và 1 tổ xử phạt các trường hợp vi phạm.

“UBND phường đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ tiểu thương và trên loa lưu động để bà con chủ động không lấy hàng. Qua tuyên truyền, vận động, bà con đều đồng tình tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu xếp trả lại mặt bằng cho phường quản lý trước 12 giờ. Bà con tiểu thương nếu có nhu cầu vào các chợ truyền thống để duy trì cuộc sống và mối hàng, có thể đăng ký tại UBND phường và phường sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ”, ông Kê thông tin.

Theo Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu, trên địa bàn thành phố có 12 chợ tự phát gồm: Chợ khu vực bên ngoài Chợ Vũng Tàu (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc phường Thắng Tam và phường 3), chợ Xóm Lưới (phường 2); chợ Cô Giang (phường 4), chợ Trần Bình Trọng (phường Nguyễn An Ninh), chợ Phi Trường (phường 9 và Nguyễn An Ninh), chợ Chí Linh (vòng xoay Nguyễn Hữu Cảnh và 2-9, phường 10), chợ Lưu Chí Hiếu (thuộc các phường 10, Nguyễn An Ninh và Thắng Nhất), chợ Đô Lương (phường 11, 12), chợ Phước Thắng (phường 12), chợ Lê Quang Định (gần ngã ba Lê Quang Định - Tiền Cảng, thuộc phường 9 và phường Thắng Nhất), chợ hẻm 66 đường 30/4 (phường Thắng Nhất) và chợ hẻm 212 Nguyễn Hữu Cảnh (phường Thắng Nhất). Các chợ này có tổng số 5.699 quầy sạp, trong đó 3.689 quầy sạp kinh doanh thường xuyên.

Liên quan đến việc tiếp nhận các tiểu thương kinh doanh tại các chợ tự phát vào chợ truyền thống, ông Nguyễn Tấn Hòa, Trưởng Ban quản lý chợ phường 1 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu về việc tiếp nhập một số hộ kinh doanh tại chợ tự phát vào chợ phường 1, từ ngày 2/7 đến sáng 3/7, đã có một số hộ dân tại chợ Xóm Lưới đăng ký trở lại chợ phường 1 buôn bán. BQL chợ đang sắp xếp và ưu tiên cho những tiểu thương trước đây đã buôn bán tại chợ phường 1 có nhu cầu vào chợ buôn bán.

Còn ông Lương Quang Vĩnh, Trưởng Ban quản lý chợ Năm Tầng cũng cho biết, qua rà soát hiện chợ Năm Tầng còn 32 sạp trống. BQL chợ đã bố trí, sắp xếp để tiếp nhận và ưu tiên cho các hộ ở chợ tự phát vào buôn bán.

PHONG TỎA, PHUN KHỬ KHUẨN CHỢ BÀ RỊA

Trong khi đó, ghi nhận tại chợ Bà Rịa, việc ra vào khu vực phong tỏa bị cấm tuyệt đối. Tại các điểm chốt chặn đều có lực lượng bộ đội, công an, nhân viên y tế chốt trực, trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn. Người dân định qua các khu vực này đều được yêu cầu quay lại tìm hướng đi khác.

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa ở chợ Bà Rịa.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa ở chợ Bà Rịa.

Ông Lê Thanh Phong, Trưởng BQL chợ Bà Rịa thông tin, khu vực buôn bán hải sản, rau củ quả của chợ Bà Rịa ban ngày có 450 hộ/khoảng 900 người trực tiếp hoạt động trong chợ; ban đêm có 344 hộ/khoảng 700 người hoạt động. Ngoài ra, còn vài chục hộ kinh doanh tự phát, không đăng ký ô sạp. Sau khi có lệnh phong tỏa chợ Bà Rịa, từ đêm 2/7 đến sáng 3/7, hầu hết tiểu thương đã vận chuyển hàng hóa ra ngoài. Tính đến trưa 3/7, không còn hộ tiểu thương nào còn ra vào chợ và chấp hành tốt quy định phong tỏa. Lực lượng chức năng cũng đã lập rào chắn, căng dây khoanh vùng khu vực phong tỏa, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

“Thời gian chợ hoạt động trở lại sẽ được cơ quan chức năng thông báo sau khi hoàn tất điều tra dịch tễ. Để tăng cường công tác phòng dịch, chúng tôi cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa phát thanh và vận động trực tiếp từng hộ; kêu gọi các hộ kinh doanh có liên quan đến chợ Bình Điền chủ động khai báo y tế, lấy mẫu test nhanh để sàng lọc, bảo vệ sức khỏe của mình và mọi người”, ông Phong bày tỏ.

Ông Trần Vinh Quang, Chủ tịch UBND TP Bà Rịa cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin chợ Bà Rịa có ca nghi nhiễm COVID-19, lực lượng chức năng TP. Bà Rịa đã khẩn trương tiến hành phun xịt tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu buôn bán hải sản, đồ tươi sống, rau củ quả. Đồng thời, tiến hành phong tỏa, tạm ngừng hoạt động khu buôn bán hải sản, rau củ quả tại chợ Bà Rịa lúc 12 giờ đêm 2/7. Hiện lực lượng chức năng của thành phố đã lập 6 chốt an ninh trật tự để kiểm soát người dân, tiểu thương ra vào chợ. Thành phố cũng đang ráo riết truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh.

HÀNG HÓA DỒI DÀO, KHÔNG NÊN ĐỔ XÔ MUA TÍCH TRỮ

Liên quan đến tình trạng một số người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ sáng 3/7, lãnh đạo Sở Công thương khuyến cáo người dân không nên mua hàng tích trữ, bởi hàng hóa hiện đang rất dồi dào. Việc người dân tụ tập đông người trong các chợ sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và vi phạm quy định phòng dịch.

Sở Công thương đã có kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch. Cụ thể, các DN bình ổn bảo đảm nguồn hàng cung ứng trước và trong mùa dịch với lượng hàng cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Cũng theo Sở Công thương, hiện nay, các mặt hàng nhu yếu phẩm và các mặt hàng thực phẩm tại chợ truyền thống, siêu thị khá dồi dào. Giá các mặt hàng thiết yếu còn đang giảm trong những ngày gần đây, vì vậy người dân yên tâm mua sắm. Sở đã yêu cầu các đơn vị bán lẻ, DN hàng hóa thiết yếu tăng cường công tác bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi để tạo thuận lợi cho khách mua sắm trong mùa dịch.

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

;
.