Người nội trợ chật vật giữ bếp ấm mùa dịch

Thứ Sáu, 10/09/2021, 20:13 [GMT+7]
In bài này
.

Giá cả leo thang trong khi việc làm ít đi, thu nhập giảm khiến nhiều gia đình phải chật vật xoay xở trong mùa dịch.

Nhiều bà nội trợ cho biết, những ngày giãn cách là dịp để điều chỉnh lại thói quen chi tiêu vung tay quá trán của mình để tạo thói quen tiết kiệm.
Nhiều bà nội trợ cho biết, những ngày giãn cách là dịp để điều chỉnh lại thói quen chi tiêu vung tay quá trán của mình để tạo thói quen tiết kiệm.

Gần 2 tháng qua, chị Mai Thị Hường (hẻm 25, Nguyễn  Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) “thất nghiệp” vì nghề giúp việc không được đi làm trong thời gian thực hiện giãn cách. Thu nhập của gia đình sống dựa vào hơn 6 triệu đồng tiền lương cơ bản của chồng. Nguyên nhân là do  không thể thực hiện “3 tại chỗ” nên công ty của anh cũng đang tạm ngừng hoạt động. Nhà có 4 miệng ăn, thu nhập giảm trong khi mọi chi tiêu, sinh hoạt khoản nào cũng tăng chóng mặt. “Không thể đi chợ, mua online 1 bó rau muống từ 10 ngàn đồng tăng lên 20 ngàn đồng, chưa kể phải “gánh” thêm tiền công của shiper từ 20-30 ngàn đồng. Mua online từ bó rau, con cá, ký thịt cũng phải của 2-3 người bán mới đủ. Có ngày riêng tiền ship đã “ngốn” hết 120 ngàn đồng. Biết là rất xót tiền nhưng cũng phải mua, chỉ chắt bóp bằng cách mua những thực phẩm thiết yếu và khẩu hiệu của gia đình tôi là lúc này chỉ ăn sao cho đủ no chứ không tính chuyện ăn ngon được”, chị Hường chia sẻ.

Theo chị Hường, để giảm các khoản chi tiêu, các loại thực phẩm trữ đông được lâu như thịt, cá chị thường đi chợ online 1 lần bằng cách tính toán sao cho đủ ăn từ 2-3 tuần. Thay vì mua rau xanh thì chuyển qua mua các loại củ, quả như: bầu bí, cà chua, cà rốt, đu đủ… để bảo quản được lâu. Với cách làm này đã giúp chị giảm được một khoản tiền ship kha khá. Ngoài ra, chị Hường còn tiết kiệm bằng cách cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Khi nguồn thu nhập bị cắt giảm do đại dịch COVID-19, nhiều gia đình đã phải tính toán, tiết kiệm từng khoản nhỏ và “liệu cơm, gắp mắm” để lo từng bữa ăn. Chị Hoàng Thị Mai (hẻm 801, Bình Giã, Phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết, với khoản thu nhập 7 triệu đồng/tháng, để nuôi 5 miệng ăn, bao gồm vợ chồng và 3 đứa con chị phải đưa ra kế hoạch chi tiêu hợp lý và khắt khe. Đó là để riêng ra 2 triệu đồng đóng tiền điện nước và các khoản chi tiêu khác. Còn 5 triệu đồng, chị phải cân đối và chi tiêu 100-150 ngàn đồng/ngày để mua thức ăn. Do đó, chị mua các món ăn ngon, bổ, rẻ như: cá khô, trứng, đậu hũ, kết hợp với thịt để có thực đơn hoàn chỉnh cho bữa ăn như: trứng chiên thịt, cá khô kho thịt, trứng chiên cà chua. “Với 4 quả trứng vịt giá 14 ngàn đồng, thêm 100g thịt xay 16 ngàn đồng; rau muống luộc lên được 2 món canh và xào. Tính ra bữa ăn chỉ có 50 ngàn đồng cho 5 người nhưng vẫn ngon, bảo đảm dinh dưỡng. Bữa nào sang hơn thì kho 500g thịt với 10 quả trứng, đủ ăn cho nhà cả ngày”, chị Mai cho biết thêm.

Nhiều bà nội trợ cho biết, những ngày giãn cách là dịp để điều chỉnh lại thói quen chi tiêu “vung tay quá trán” của mình, tiết kiệm hơn trong mùa dịch. Khi có khoản tiền dư hoặc tiết kiệm được, nhiều người sẵn sàng chia sẻ với những người khó khăn hơn bằng cách tham gia các khoản đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh trên tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Chị Mai Thị Hiếu (chung cư Lapen Center, 30/4, TP.Vũng Tàu) cho biết, mỗi ngày tiết kiệm từ 10-20 ngàn đồng thì một tháng cũng dư được từ 300-600 ngàn đồng. Khoản tiền này góp vào quỹ dự phòng của gia đình hoặc chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, “một miếng khi đói bằng gói khi no”, những ngày này chỉ cần biếu người nghèo vài ký gạo, chục quả trứng, bó rau  cũng đỡ được cho họ mấy bữa ăn.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài và tỉnh vẫn đang áp dụng các biện pháp giãn cách trong vòng 2 tuần tới. Đây là quyết định được cho là để bảo đảm an toàn cho người dân nhưng để duy trì được cuộc sống trong thời dịch là cả một bài toán nan giải đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng đã tạo ra những thói quen tốt cho các gia đình. Đó là, không còn cảnh cơm đường, cháo chợ, không khó bắt gặp hình ảnh những người làm công sở, nếu vẫn phải đi làm trong mùa dịch đều mang theo cơm hộp. Hết giờ làm cũng không còn cảnh lê la các quán nhậu, ngồi cà phê tán gẫu của các anh, hay tạt vào cửa hàng thời trang mua sắm của các chị. Nhiều người cho rằng, khái niệm sống chung với dịch có lẽ nên bắt đầu từ sự thay đổi từ mỗi nếp nhà. Trong “cái khó ló cái khôn”, bởi chỉ có chi tiêu thông minh, tiết kiệm mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục duy trì cuộc sống thường nhật. Điều đáng nói, đối với những gia đình có thu nhập ổn định hơn họ cũng rút ra bài học về quản lý chi tiêu giai đoạn nào cũng cần thiết. Bởi thực tế có nhiều người quen mua sắm theo sở thích, từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép. Nhiều người còn có thói quen săn hàng khuyến mại, thấy giảm là mua ngay cả khi không có nhu cầu, thói quen này rất lãng phí... 

 
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
;
.