Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Chủ Nhật, 15/05/2022, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Các địa phương đang triển khai các biện pháp diệt lăng quăng, muỗi nhằm hạn chế tối đa phát sinh ổ dịch, ca bệnh SXH.

Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh cho 1 trường hợp bị SXH.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh cho 1 trường hợp bị SXH.

Xuất hiện các ổ dịch

Từ đầu năm 2022 đến nay, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) có 10 ổ dịch, với 193 ca SXH, tăng khoảng 35 lần so với năm 2021. Số ca tăng nhiều nhất bắt đầu từ tháng 3 đến nay.

Để ứng phó với dịch bệnh, Trạm y tế xã Long Sơn đã tổ chức 2 đợt diệt lăng quăng vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4; 2 lần phun thuốc diệt muỗi toàn thôn 1 (địa bàn có nhiều ca SXH).

Ông Nguyễn Tiến Khoa, Trưởng Trạm y tế xã Long Sơn cho biết, so với các năm trước, năm nay dịch SXH bùng phát, lây lan nhanh trên địa bàn. Nguyên nhân dẫn đến ca SXH tăng cao là do biến động di cư khi có nhiều người lao động đến sinh sống và làm việc; mùa mưa đến sớm hơn so với mọi năm và đến chu kỳ bùng dịch theo thời gian khoảng 4 năm/lần.

Trước tình hình trên, trong 2 ngày 13 và 14/5, TTYT TP. Vũng Tàu phối hợp Trạm y tế xã Long Sơn tổ chức tẩm hóa chất vào màn diệt muỗi cho hơn 4.000 hộ dân tại 11 điểm trên địa bàn. Hoạt động này đã được nhiều người dân hoan nghênh.

Bà Nguyễn Thị Liễu (ngụ tổ 5, thôn 1, xã Long Sơn) cho hay: “Tôi thấy muỗi năm nay nhiều và xuất hiện đông nhất từ cuối giờ chiều đến đêm. Do đó, tôi mang 6 cái màn trong gia đình đến trạm y tế xã tẩm hóa chất. Đây là việc làm thiết thực giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân”.

Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu ghi nhận ổ dịch và ca SXH, nhưng số lượng không nhiều. Điển hình như huyện Xuyên Mộc, từ đầu năm đến nay xuất hiện 10 ổ dịch, với 21 ca bệnh; huyện Đất Đỏ: 10 ổ dịch, 11 ca bệnh. Các ca bệnh đều ở mức nhẹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh và lây lan nhanh. Muỗi vằn đẻ trứng ở các dụng cụ, vật dụng chứa nước, đặc biệt là nước mưa. Chu kỳ phát triển từ trứng thành muỗi vằn chỉ từ 7-10 ngày. Trong khi đó, khu vực miền Nam đã bước vào mùa mưa nên thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Nguy cơ bùng phát dịch SXH rất cao, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

 

Đi khám ngay khi có dấu hiệu của SXH

SXH đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh này diễn tiến nhanh nên nhiều trường hợp dễ chuyển biến nặng và có thể tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Các bác sĩ cho biết, các trường hợp có biểu hiện nghi bị SXH như: sốt cao đột ngột, liên tục, dùng thuốc hạ sốt không bớt hoặc có bớt ít sau lại sốt tiếp; xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam… Bệnh SXH xảy ra ở trẻ em lẫn người lớn. Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đi khám bệnh kịp thời, tuyệt đối không chủ quan.

Hiện nay, có tình trạng người dân suy nghĩ, biểu hiện bệnh gì cũng “đổ thừa” cho dịch COVID-19 nên không đi khám bệnh, dẫn đến bị SXH nặng, đe đọa tính mạng.

Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, thời gian qua, khoa đã tiếp nhận một số bệnh nhi bị SXH. Trong đó có vài trường hợp, không được điều trị sớm nên khi vào viện thì bệnh đã nặng. SXH nặng có thể gây ra các biến chứng như: suy tim, thận, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, hôn mê… rất nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.

“Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm, chuẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không chủ quan và tự mua thuốc điều trị tại nhà vì nếu như dùng sai thuốc, sai liều lượng sẽ khiến cho bệnh trở nặng hơn”, bác sĩ Trang khuyến cáo.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 140 ổ dịch SXH. Trong đó, TP. Vũng Tàu là địa phương có ổ dịch nhiều nhất, với 68 ổ; huyện Châu Đức 52 ổ, TX. Phú Mỹ 26 ổ. Riêng huyện Côn Đảo chưa ghi nhận ổ dịch nào.

Chủ động phòng, chống dịch

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện diệt lăng quăng hàng tuần. Đây là biện pháp căn cơ, diệt tận gốc, ít tốn kém, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao.

Mọi người, mọi nhà cần đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt không cho muỗi đẻ trứng. Bên cạnh đó, cần thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn như: lu, khạp, bể nước, hòn non bộ để cá ăn lăng quăng; thay nước và cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Đồng thời, thu dọn, lật úp các vật phế thải, vật dụng khác có thể chứa, đọng nước mưa như: gáo dừa, can nhựa hỏng, chum vại vỡ, vỏ xe cũ, hộp nhựa đựng đồ ăn… để không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng vào…

Hiện các địa phương đã có kế hoạch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và tuyên truyền phòng, chống SXH trên diện rộng vào ngày 20/5.

Bác sĩ Đoàn Văn Bỉ, Giám đốc TTYT huyện Đất Đỏ thông tin, lễ phát động chiến dịch diệt lăng quăng sẽ diễn ra đồng loạt tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Sau lễ phát động, các lực lượng tham gia chiến dịch như trưởng, phó ban điều hành các ấp, khu phố; tổ trưởng, tổ phó tổ dân cư, nhân viên y tế ấp... sẽ chia thành từng nhóm 2-5 người đến từng hộ gia đình phát tờ rơi tuyên truyền, kiểm tra các dụng cụ chứa nước nếu có lăng quăng thì súc rửa dụng cụ. Đồng thời, hướng dẫn và vận động các hộ gia đình thường xuyên thu gom phế thải, vệ sinh môi trường xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh không để ứ đọng nước, che đậy kín lu và khạp chứa nước.

“Chúng tôi thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng từ 1-2 ngày, bảo đảm 100% hộ dân được tuyên truyền, vận động, xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước”, bác sĩ Bỉ nói.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.