Chuyển đổi số trong cải cách hành chính

Chủ Nhật, 29/01/2023, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

“Thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính” là 1 trong 3 khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Do vậy, việc xây dựng chính quyền số, “số hóa” thủ tục hành chính (TTHC), tài liệu để phục vụ người dân và DN được xác định là nhiệm vụ quan trọng, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính (CCHC).

Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Giúp dân nộp hồ sơ trực truyến

Anh Lê Văn Đăng (ngụ xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức thực hiện TTHC. Dưới sự hướng dẫn của công chức thị trấn, anh Đăng đã thiết lập được tài khoản cá nhân để làm thủ tục trực tuyến. 

Ông Phạm Xuân Quang, Chủ tịch UBND TT. Ngãi Giao cho hay, lượng hồ sơ TTHC lớn nhưng Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến còn chưa được hoàn thiện dẫn đến việc giao dịch, nộp hồ sơ trực tuyến kéo dài thời gian nên xảy ra tình trạng người dân phải chờ lâu, không hài lòng và đồng thuận trong việc nộp hồ sơ trực tuyến. Do vậy, UBND TT. Ngãi Giao đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân tạo tài khoản giao dịch trực tuyến và quy trình thực hiện để có thể nộp hồ sơ tại nhà.

Lần đầu tiên đến Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh (TTPVHCC) để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ KP. Hải Vân, TT. Long Hải, huyện Long Điền) được các thành viên Tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến chỉ dẫn cặn kẽ từng thao tác, cách thức khai báo hồ sơ, tài liệu. Hoàn thành các bước, ông Bình còn đăng ký trả kết quả tại nhà và lấy giấy biên nhận tại Bộ phận Tiếp nhận của Sở NN-PTNT.

“Việc thực hiện không quá phức tạp, tuy nhiên đây là lần đầu tiên giao dịch nên tôi khá bỡ ngỡ trong thao tác và phải nhờ đến công chức “cầm tay chỉ việc” mới có thể hoàn thành. Tôi thấy hình thức nộp hồ sơ này khá thuận tiện”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Nỗ lực xây dựng chính quyền số 

Theo UBND huyện Châu Đức, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn huyện còn thấp, mới đạt trên 23%. Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND huyện Châu Đức đã yêu cầu, từ ngày 19/10/2022, tất cả các hồ sơ giao dịch trong bộ phận dịch vụ hành chính công đều phải thực hiện trực tuyến. Trong năm 2023, huyện tích cực triển khai việc in tờ rơi hướng dẫn cách thức thực hiện dịch vụ công trực tuyến gửi đến từng hộ dân để người dân theo dõi, làm theo các bước hướng dẫn trong tờ rơi. Các tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng thường trực hướng dẫn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Báo cáo của Sở TT-TT cho thấy, toàn tỉnh đã thành lập 503 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 3.000 thành viên tại các khu phố, thôn, ấp. Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” theo 5 nội dung đã được tập huấn, hướng dẫn triển khai; đưa ứng dụng “Smart BRVT” đến người dân, DN trở thành nền tảng công dân số của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt 43%, trong đó cấp tỉnh: 59%; cấp huyện: 27%; cấp xã: 49%.

Bên cạnh đó, từ ngày 20/5/2022, tất cả hồ sơ TTHC trong nội bộ cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, không nộp hồ sơ trực tiếp tại TTPVHCC và bộ phận một cửa các cấp (trừ các thủ tục chưa được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4).

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, năm 2023, tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như vận hành chính thức Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành nhằm kết nối, đồng bộ về kho dữ liệu số của tỉnh bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” tiến đến vận hành, khai thác hệ thống IOC của tỉnh phục vụ công khai dữ liệu của các ngành, địa phương; bảo đảm thống kê, phân tích và dự báo tình hình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo tỉnh và hỗ trợ khai thác sử dụng trong công việc của CBCCVC.

Song song đó, tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2139/QĐ-UBND ngày 3/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, đảm bảo hoàn thành công tác số hóa dữ liệu về hồ sơ TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC xử lý trực tuyến theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng Mạng diện rộng của địa phương, mạng diện rộng của tỉnh (WAN); các nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu, kho dữ liệu số của tỉnh; tiến đến kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, lấy đoàn viên thanh niên làm nòng cốt để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số…

Chất lượng đời sống người dân được nâng cao
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cải thiện thứ hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) do Bộ TT-TT đánh giá và công bố qua từng năm, từ vị trí 39/63 năm 2020 lên 29 năm 2021; phấn đấu vào top 20/63 tỉnh/thành năm 2022 và bảo đảm hoàn thành mục tiêu nhóm 10/63 tỉnh/thành trước năm 2025 như Nghị quyết 02 NQ/TU về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính đề ra.
Đó là chất lượng đời sống của người dân được nâng cao vì không phải đi lại nhiều khi làm các dịch vụ công. Đó là chính quyền điều hành và quản trị xã hội hiệu quả hơn. Từ đó, năng lực quản lý, CCHC, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cũng được nâng lên đáng kể.
(Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT)
 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.