Độc đáo nghề làm tháp tỏi

Thứ Sáu, 06/01/2023, 23:15 [GMT+7]
In bài này
.

Màu sắc rực rỡ cùng nhiều mẫu mã phong phú, tháp tỏi, hoa kim tiền được nhiều người lựa chọn trang trí nhà, phòng làm việc và đặc biệt “hút khách” dịp Tết đến, Xuân về.

Anh Nguyễn Tấn Lộc (chồng chị Oanh) đang hoàn thiện các sản phẩm tháp tỏi.
Anh Nguyễn Tấn Lộc (chồng chị Oanh) đang hoàn thiện các sản phẩm tháp tỏi.

3 đời làm nghề truyền thống

Làm tháp tỏi, hoa kim tiền và một số loài hoa giả trang trí khác nhau, nhà chị Nghiêm Thị Oanh (tổ 4, ấp Tây, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) đã có 3 đời gắn bó với nghề này. Gần 2 tháng nay, ngôi nhà của chị lúc nào cũng đầy ắp các nguyên liệu làm hoa kim tiền, tháp tỏi thần tài thành phẩm với đủ màu, đủ kiểu. Chị học lại từ mẹ và bà ngoại, tuổi tuy còn trẻ, mới chỉ tròn 23 tuổi, nhưng tay nghề của chị Oanh đã rất thành thục và điêu luyện.

Ngoài làm hàng, chị còn tất bật nhận hàng, ship hàng, đăng tin online… để kịp giao cho khách và chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng thủ công bán ra trong dịp Tết. Khách trong và ngoài tỉnh đặt hàng chỗ chị thường với số lượng lớn. Các chi nhánh của chị còn có ở TT. Long Hải (huyện Long Điền) và Phan Thiết.

Thời điểm này, các thành viên trong gia đình chị đang tất bật chọn và tách từng tép tỏi lành, đẹp để kịp làm tháp bông tỏi giao cho khách hàng dịp cuối năm. Chị Oanh chia sẻ, đây là công đoạn quan trọng nhất để tỏi giữ lâu và không bị hư trong quá trình thờ cúng ông Địa, ông Thần Tài.

“Hiện nay khách hàng chủ yếu chuộng loại tháp bông tỏi 3-5 tầng, mỗi tầng tôi phải chọn tỏi bằng nhau để không bị nghiêng tháp khi dán thành phẩm. Tỏi tách từng tép phải giữ nguyên lớp vỏ thì tỏi sau một năm cũng còn nguyên hình thù đẹp mắt”, chị Oanh lý giải.

Củ tỏi đúng dạng phải to tròn từng tép một, có vỏ dày đủ khô. Đặc biệt hơn, tỏi mà sắp lên mầm non thì người mua rất yêu thích. Bởi, nó mang ý nghĩa khi để ở bàn thờ là sự đâm chồi mang về tài lộc đầu năm cho gia chủ. Khách thường mua dịp cuối năm để khoảng mùng 10 Âm lịch là ngày vía Thần Tài thì lộc chồi vươn lên là hợp lý nhất.

 Chị Nghiêm Thị Oanh bên sản phẩm tháp tỏi tự tay làm.
Chị Nghiêm Thị Oanh bên sản phẩm tháp tỏi tự tay làm.

Lưu giữ nét văn hóa

Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ dân làm tháp tỏi, hoa kim tiền. Đây là một nghề giúp tăng thêm thu nhập, đồng thời lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết đến, Xuân về. Lấy tông màu vàng làm chủ đạo, tháp tỏi trang hoàng trên bàn thờ ông Địa theo nhiều người quan niệm sẽ giúp bàn thờ thêm sáng láng và rực rỡ, hút tài vận cho cả gia đình, ăn nên làm ra.

Chị Hồng Nhung, ngụ tại huyện Long Điền đã làm tháp tỏi được hơn 3 năm. Vừa trò chuyện chị Nhung vừa hướng dẫn tỉ mỉ thêm: “Để gắn chặt tỏi lại với nhau cần dùng keo non kết tỏi lại với nhau vào khung bìa giấy carton hình tháp sau đó sẽ chạy dọc xuống dưới tầng 1 của tháp. Trên đỉnh thì có thỏi vàng to hơn và có treo thêm câu chúc như Cung chúc tân xuân; An khang thịnh vượng... Từng vòng phía dưới của các tầng tỏi sẽ chạy dây kim tuyến để tăng độ bắt mắt”.

Chị Nguyễn Thị Như (kinh doanh tại chợ Long Điền) cho biết: “Quan niệm của một số hộ kinh doanh như chúng tôi, việc bày tháp tỏi lên bàn thờ thần tài giúp công việc làm ăn thuận lợi nên đây là mặt hàng rất chuộng người mua. Một tháp tỏi giá trung bình từ 100-300 ngàn đồng, tùy theo kích thước to nhỏ và đồ trang trí đi kèm trên tháp”.

“Nghề này không khó nhưng đòi hỏi khi làm phải tỉ mỉ, khéo tay và sự đam mê. Ngoài ra, phải chịu khó học hỏi và nhẫn nại thực hành, không ngừng sáng tạo nên những mẫu mã đẹp, trang trí bắt mắt để thu hút người mua. Không muốn nghề này “phai nhạt” cứ dịp này là tôi sẽ làm thêm và dạy con cháu những nét văn hóa truyền thống để con hiểu hơn và thêm tự hào về văn hóa Việt”, chị Nhung chia sẻ.

Bài, ảnh: HƯƠNG THÙY

;
.