''5 biết, 3 xây, 4 tổ chức'' phòng bạo lực học đường

Thứ Hai, 13/03/2023, 19:21 [GMT+7]
In bài này
.

Việc bảo đảm xây dựng môi trường học đường không bạo lực và giáo dục HS văn hóa sử dụng mạng xã hội đã trở thành vấn đề cấp bách của các cấp, bộ ngành trong nhiều năm trở lại đây.

HS Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) thường xuyên được tham gia các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa thiết thực.
HS Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) thường xuyên được tham gia các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa thiết thực.

Học sinh cần “5 Biết”

Trước hết là “biết kiềm chế cảm xúc”. Các em cần học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân, bình tĩnh trước những hành vi mâu thuẫn, gây hấn. Chỉ khi nào các em có một “cái đầu lạnh” thì mới có thể nhìn nhận được sực việc đang xảy ra để tìm cách xử lý tốt nhất. Nếu không, cảm xúc dâng lên, sự nóng giận đỉnh điểm sẽ khiến cho các em sẽ có những hành động bộc phát gây ra hậu quả khôn lường.

Cùng với đó, các em phải “biết ứng xử văn minh”. Đó là biết nói lời xin lỗi khi có lời nói không tốt việc làm không chuẩn mực, biết tha thứ khi người khác làm tổn thương mình. Hãy đối xử với nhau một cách văn minh và lịch sự; sử dụng từ ngữ hợp chuẩn giao tiếp; tôn trọng người khác cũng là tôn trọng chính mình. Không sử dụng mạng xã hội để lăng mạ, bêu xấu, công kích, làm nhục người khác. Thận trọng với những nút like và share trên mạng xã hội. Không cổ vũ cho các đối tượng có những phát ngôn thiếu văn minh và lịch sự, có những hành vi lệch chuẩn.

Đặc biệt, các em cần “biết nhận thức đúng” về hành vi của mình. Các em hãy nhìn nhận lại chính những lời nói, việc làm của mình; phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; nhận thức về hậu quả của những việc mình làm. Biết sử dụng mạng xã hội để phục vụ những việc hữu ích nhằm phục vụ học tập, giải trí, kết nối bạn bè…nhưng có giới hạn và chừng mực. Tránh lạm dụng quá mức dẫn đến phụ thuộc, không làm chủ được thời gian ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, sinh hoạt… Nắm được các quy định về Luật an ninh mạng để tuyên truyền cho bạn bè, người thân thực hiện tốt.

Bên cạnh đó, “biết bảo vệ bản thân” cũng là điều vô cùng quan trọng. Các em cần tránh những mâu thuẫn, xung đột không đáng có. Nếu không tự giải quyết được hãy chia sẻ ngay với thầy cô, cha mẹ; không nên giải quyết bằng bạo lực dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. HS cần biết cách bảo vệ bản thân trước không gian mạng vô cùng rộng lớn, tránh bị kẻ xấu lạm dụng để xâm hại tính mạng, thân thể. Đồng thời chú ý bảo mật các thông tin cá nhân để tránh việc bị kẻ xấu lấy cắp, lợi dụng để hù dọa, áp đặt tinh thần.

Cùng với đó, các em cần “biết xây dựng giá trị” bản thân để trở thành một người con ngoan, trò giỏi, một người bạn tốt sống hòa chan hòa với mọi người. Xây dựng lối sống lương thiện, rộng lượng từ bi, biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Rèn luyện tình yêu thương thông qua việc tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện. Sống luôn có ước mơ, hoài bão và kiên định theo đuổi để hoàn thành mục tiêu. Tránh lối sống thờ ơ, vô cảm, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh.

Phụ huynh cần “3 Xây”

“Xây dựng văn hóa gia đình hạnh phúc” là tiêu chí hàng đầu. Cha mẹ cần xây dựng không khí gia đình ấm êm và hạnh phúc. Dạy con cách yêu thương từ chính những thành viên trong gia đình. Đừng hình thành cho trẻ nét tâm lý bạo lực, thô lỗ khi các em còn nhỏ.

Không chỉ vậy, phụ huynh còn cần “xây dựng sự sẻ chia”. Cha mẹ muốn hiểu con thì cần có sự sẻ chia để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, hỏi thăm để xem con đang trải qua những gì, có khó khăn nào cần gỡ rối và giải quyết cùng con. Đồng thời quản lý sát sao việc con sử dụng các thiết bị lên mạng để tránh tình trạng con “nghiện mạng xã hội”, tham gia vào các hội nhóm thiếu lành mạnh, nghiện trò chơi điện tử, các trò chơi, phim ảnh bạo lực ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý, học tập và cuộc sống.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần “xây dựng mối quan hệ hợp tác” với thầy cô để theo dõi tình hình học tập, các vấn đề liên quan đến sự thay đổi tâm lý, các mối quan hệ bạn bè cùng những bất thường xảy ra hàng ngày. Từ đó nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn phát sinh, những bất thường trong các mối quan hệ để có hướng tư vấn, trợ giúp hợp lý.

Nhà trường và các cấp quản lý cần “4 Tổ chức”

Cần “tổ chức tuyên truyền”, giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho HS; tăng cường triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường trong việc phòng ngừa và tư vấn, hỗ trợ cho HS liên quan đến bạo lực học đường... Tuyên truyền Luật An ninh mạng, phổ biến kiến thức và kỹ năng về việc sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả. Đặc biệt chú ý đến nhóm đối tượng HS cá tính, cá biệt, cần gặp gỡ trao đổi, chia sẻ và giáo dục các em thường xuyên.

Song song với đó là việc “tổ chức lồng ghép tích hợp” các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình GDPT 2018. Thực hiện dạy tích hợp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, tổ chức các trò chơi lành mạnh tăng sự gắn kết, tình cảm của các em. Nâng cao nhận thức của HS về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật.

Đồng thời, cần “tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo” theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình GDPT mới. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm.

Ngoài ra, cần “tổ chức xây dựng “Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục” dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong HS phổ thông; tài liệu hướng dẫn sử dụng mạng an toàn và hiệu quả. Tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với HS cá biệt và phụ huynh của các em này để trao đổi tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin và uốn nắn các em… Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

ĐÀO VĨNH BỘ

(Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Duy Tân, TP. Vũng Tàu)

;
.