Tận tình điều trị, chăm sóc người bệnh

Thứ Tư, 29/03/2023, 18:26 [GMT+7]
In bài này
.

"Hôm nay ra viện với đôi chân đi lại gần như bình thường, ăn ngủ, sinh hoạt trở lại như trước... Có được điều này là nhờ sự chăm sóc ân cần, điều trị đúng bệnh của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Y học cổ truyền và Khoa Vật lý trị liệu, da liễu Bệnh viện Vũng Tàu".

Đó là những lời chia sẻ, sự biết ơn của bệnh nhân Lê Văn Thái (TP.Hồ Chí Minh) trong thư cảm ơn gửi đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu sau khi ông xuất viện. 

Bác sĩ Khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) cấy chỉ cho bệnh nhân.
Bác sĩ Khoa Y học Cổ truyền (Bệnh viện Vũng Tàu) cấy chỉ cho bệnh nhân.

Nơi ấm áp tình người

Bức thư là một câu chuyện kể về quá trình điều trị bệnh của ông Thái. Ông viết, khi vào viện phải dùng xe lăn di chuyển do di chứng suy giãn tĩnh mạch có biến chứng trên một cơ địa teo cơ, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng khu trú mô dưới da, suy nhược thần kinh, rối loạn chuyển hóa Lipid. Sau một quá trình khá lâu, ông đã dùng thuốc ở nhiều bệnh viện nhưng chưa ổn. Tuy nhiên, sau 40 ngày điều trị tại Khoa Y học cổ truyền kết hợp vật lý trị liệu và da liễu ở Bệnh viện Vũng Tàu đã giúp ông hồi phục sức khỏe.

“Lần đầu tiên trong đời, đón cái Tết ở nơi không bao giờ tắt ánh đèn, nơi chẳng ai muốn vào nhưng vẫn tràn ngập yêu thương, ấm áp tình người. Xin chân thành cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Vũng Tàu”, bệnh nhân Thái ghi trong thư.

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi đã để lại những hình ảnh tốt đẹp, thiện cảm của người bệnh dành cho đội ngũ y, bác sĩ của khoa. Ngoài bệnh nhân Thái, thời gian qua, Khoa Y học cổ truyền nhận được rất nhiều thư cảm ơn, lời khen và động viên của các bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Thái là trường hợp khá đặc biệt, bệnh nhân nằm điều trị lâu nhất của khoa từ trước tới nay. Ông nhập viện ngày 30/12/2022, đến ngày 3/2/2023 mới xuất viện. Ông vừa điều trị bệnh vừa ăn Tết Nguyên đán Quý Mão tại bệnh viện. Khi vào viện, cơ thể ông rất yếu ớt và có rất nhiều bệnh.

“Chúng tôi đã khám, tư vấn điều trị, kết hợp dùng thuốc và các phương pháp như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, cấy chỉ… Bằng sự kiên trì, nỗ lực của nhân viên y tế lẫn người bệnh, ông Thái sau thời gian điều trị đã tự đi lại và đạp được xe đạp”, bác sĩ Sơn kể. 

Những lá thư cảm ơn không chỉ là sự ghi nhận của người bệnh về những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện mà còn động viên, khích lệ để nhân viên y tế tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc của mình. Bệnh viện tiếp tục có các biện pháp uốn nắn để nhân viên y tế nhận thức hơn về trọng trách và dành nhiều yêu thương, chăm lo cho người bệnh. 
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu

Xem người bệnh như người nhà

Trong thư gửi hội nghị cán bộ y tế cách đây 68 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, đội ngũ nhân viên y tế vẫn đang tận tụy, miệt mài cứu chữa cho người bệnh.

Kỹ thuật viên Vũ Thị Tuyến đã gắn bó với Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bà Rịa) 11 năm nay. Ngoài dành tâm huyết cho các bài tập vật lý trị liệu, chị trở thành người nhà của các bệnh nhi bị tổn thương não bộ, ảnh hưởng khả năng vận động và ngôn ngữ. Theo dõi 1 ca tập cho bé B.V.M.T. (4 tuổi, ngụ xã Tân Hòa,TX.Phú Mỹ) mới thấy sự vất vả, khó khăn cũng như hết lòng dành cho người bệnh của chị Tuyến, nhất là khi tập cho bé thực hiện những động tác lật, chống tay, bò, ngồi hay đứng.

Chị Tuyến tâm sự: “Tôi đã tập vật lý trị liệu cho bé T. 2 năm nay. Bé bị thiếu oxy não từ khi vừa chào đời nên chân tay yếu, khả năng vận động chưa có. Bé cũng chưa biết nói. Do vậy, khi tập rất khó, bé đau và không hợp tác. Nhiều lúc bé khóc, bé quấy, tôi không cảm thấy bất lực mà ngược lại thương bé nhiều hơn”.

Suốt 2 năm qua, chị Tuyến vẫn tỉ mỉ uốn nắn, hướng dẫn từng bước cho bé tập vận động. Khi bé đau đớn, chị tìm cách vừa vỗ về đầy tình cảm, vừa làm trò chơi tạo cho bé T. chú ý nhằm giảm cơn đau. Nhờ sự bền bĩ của người nhà và nhân viên y tế đã giúp bé có những cải thiện đáng kể như bé đã biết ngồi, tay chân linh hoạt, cầm, nắm các đồ vật.

“Nhiều bệnh nhân của tôi đã đi, đứng được và tự phục vụ bản thân. Tôi lấy đó làm động lực để nỗ lực hết sức, giúp đỡ người bệnh mang lại hiệu quả điều trị cao nhất”, chị Tuyến tâm sự.

Bác sĩ Phạm Tuấn Minh, Phụ trách Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, khoa thường xuyên quán triệt nhân viên y tế phải nghiêm túc thực hiện phẩm chất cao quý của người thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, xứng đáng với lời dạy của Bác. Trước hết, đội ngũ y bác sĩ phải có niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, sẵn sàng phục vụ người bệnh. Khi chăm sóc bệnh nhân cần niềm nở, thân thiện, coi người bệnh như người nhà.

“Hằng năm, chúng tôi đề xuất bệnh viện khen thưởng, biểu dương những cá nhân thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người bệnh để mỗi người làm gương cho người khác học tập, noi theo”, bác sĩ Minh cho hay.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.