Phục hồi chức năng vận động cho người bệnh

Thứ Ba, 19/12/2023, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng (VLTL-PHCN) của Bệnh viện Vũng Tàu được nhiều bệnh nhân bị tai biến, tai nạn… lựa chọn để điều trị, tập luyện. Nhờ sự kiên trì, nhiều người bệnh đã phục hồi chức năng vận động, khả năng nói sau một thời gian điều trị.

Người bệnh được nhân viên y tế hướng dẫn các bài tập vận động.
Người bệnh được nhân viên y tế hướng dẫn các bài tập vận động.

Hiệu quả thấy rõ

Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, các phòng tập của Khoa VLTL-PHCN luôn kín bệnh nhân. Ở đây không chỉ người già mà có cả người trung niên, thanh niên và cả trẻ em đến tập luyện.

Họ là những người lớn tuổi mắc các bệnh liên quan đến tai biến, chấn thương cột sống, gãy xương, xương khớp và trẻ mắc các vấn đề về chậm phát triển vận động, hô hấp. Do đặc thù nên bệnh nhân phải tập luyện trong thời gian dài thì sức khỏe mới có chuyển biến rõ nét.

Cách đây hơn 3 năm, ông Khanh, (67 tuổi, đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Vũng Tàu) không may bị tai biến khiến ông bị liệt tay chân và 1/2 người bên phải, miệng méo, nói ngọng. Ông không đứng và đi lại được, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ người thân giúp đỡ.

Sau đó, ông được người nhà đưa vào Khoa VLTL-PHCN để thực hiện các bài tập vận động. Trải qua nhiều bài tập, từ thụ động đến chủ động có trợ giúp, tập có kháng trở và có kháng trở tăng tiến đã giúp ông Khanh khôi phục hầu hết các chức năng vận động của cơ thể.

Đến nay, ông nói rõ, đi lại được, tự chăm sóc bản thân, hết “làm phiền” con cháu. “Hơn 2 năm nay, hằng tuần, tôi đều đặn đến tập tại Khoa VLTL-PHCN. Được bác sĩ, kỹ thuật viên ở đây hướng dẫn, động viên nên tôi kiên trì tập luyện, sức khỏe dần hồi phục, tôi vui lắm”, ông Khanh chia sẻ.

Tình trạng chậm phát triển vận động của bé V. (27 tháng tuổi, đường Đống Đa, TP.Vũng Tàu) cũng chuyển biến tích cực sau hơn 1 năm tập luyện tại Khoa VLTL-PHCN. Bà Nga, mẹ bé V. cho biết, những tháng đầu đời, bé phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi được khoảng 5 tháng, bé vẫn chưa biết lật, biết bò, còn hay giật mình, co người lại. Đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) khám và được chẩn đoán bé bị động kinh do tổn thương não. Vài tháng sau, bé lại trải qua một đợt ốm nặng khiến 1/2 người bên trái yếu đi.

Đến Khoa VLTL-PHCN, bé V. được bác sĩ, kỹ thuật viên tập kéo tay, kéo chân, tập đứng lên ngồi xuống, tập lật, tập ngồi thăng bằng, tập đi… “Từ không biết vận động, nay con đã bò nhanh, đứng vững, tập tễnh bước đi. Dù còn nhiều gian nan nhưng thấy con tiến bộ từng chút cũng giúp tôi có thêm hy vọng trên chặng đường tìm kiếm chức năng vận động cho con”, bà Nga xúc động nói.

Trung bình mỗi ngày, khoa đón tiếp 130-150 người bệnh ngoại trú và 30 ca nội trú (nằm viện tại các khoa khác trong bệnh viện). Thời gian tới, khoa phát triển thêm âm ngữ và hoạt động trị liệu để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Kiên trì mới có kết quả

Tiền thân là Tổ Vật lý trị liệu, Khoa VLTL-PHCN của Bệnh viện Vũng Tàu được thành lập từ tháng 11/2017. Ngay từ những ngày đầu hình thành, khoa được nhiều bệnh nhân tin tưởng và đến điều trị.

Khoa khám và điều trị một số dạng bệnh như: đau vai gáy, đau lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, tổn thương thần kinh ngoại biên; sau phẫu thuật các bệnh về xương khớp, tái tạo dây chằng đầu gối, phục hồi thần kinh và vận động sau tai biến mạch máu não, cứng khớp, trẻ em chậm phát triển về vận động…

Phó Trưởng khoa phụ trách, bác sĩ Phạm Thị Thanh, cho hay, khoa được đầu tư nhiều trang thiết bị như: máy kéo giãn cột sống, máy điều trị bằng các dòng điện xung, máy từ trường, máy sóng ngắn, máy siêu âm điều trị, đèn hồng ngoại, máy laser. Ngoài ra, còn có các dụng cụ tập luyện như ghế tập cơ tứ đầu đùi, thanh song song, thang tường, xe đạp, ròng rọc, bóng tập, trục lăn… cùng nhiều bộ dụng cụ phục vụ việc tập luyện các chức năng cầm và nắm. Với đội ngũ nhân viên y tế, trang thiết bị và dụng cụ tập luyện tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Mỗi người bệnh được khám, đánh giá và theo dõi thường xuyên để thay đổi, hướng dẫn thực hiện các bài tập phù hợp với thể trạng, sức khỏe. Khác với những khoa khác, bệnh nhân của khoa cần có thời gian điều trị và tập luyện rất dài mới có kết quả. Vì thế, khi mới tiếp nhận, nhân viên y tế phải chú trọng công tác tư vấn, nêu cao tinh thần, ý chí của mỗi người, giúp họ kiên trì tập luyện, đồng thời hướng dẫn cách tập luyện thêm ở nhà.

“Thời gian qua, nhiều người bị bệnh nặng nhưng họ đã kiên trì, chịu khó đến khoa tập luyện, nay đã cơ bản phục hồi khả năng vận động. Khi mới đến họ phải đi xe lăn, có người dìu, nay nhìn họ tự đi lại, chúng tôi thấy lòng ấm áp…”, bác sĩ Phạm Thị Thanh chia sẻ.

 Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.