Các trường cao đẳng sư phạm về đâu?

Thứ Năm, 11/04/2024, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 của Bộ GD-ĐT, lộ trình đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo GV tại các trường CĐ sư phạm và các trường CĐ đa ngành, chỉ tổ chức đào tạo GV tại các cơ sở giáo dục ĐH.

Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo GV tại các trường CĐ sư phạm và các trường CĐ đa ngành. Trong ảnh: Ban Giám hiệu Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu trao bằng tốt nghiệp cho SV hệ CĐ khóa 24.
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo GV tại các trường CĐ sư phạm và các trường CĐ đa ngành. Trong ảnh: Ban Giám hiệu Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu trao bằng tốt nghiệp cho SV hệ CĐ khóa 24.

Không biết đi đâu về đâu

Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm của Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường CĐ sư phạm theo các phương thức: Sáp nhập vào một trường ĐH sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo GV trong vùng hoặc sáp nhập vào một cơ sở giáo dục ĐH tại địa phương; hoặc sáp nhập vào trường CĐ địa phương hoặc giải tán. Trong đó không có phương thức phát triển các trường CĐ Sư phạm thành trường ĐH. Và theo lộ trình của Bộ GD-ĐT thì đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo GV tại các trường CĐ sư phạm và các trường CĐ đa ngành, chỉ tổ chức đào tạo GV tại các cơ sở giáo dục ĐH.

TS. Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ nhiệm CLB Các trường CĐ sư phạm cho biết, hiện nay, một số ít trường CĐ sư phạm đã được sáp nhập thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có đề án sáp nhập, chuyển thành cơ sở giáo dục ĐH. Đa số các trường còn lại tiếp tục hoạt động với tâm thế lo lắng, thậm chí thiếu lạc quan, thiếu sự quyết tâm và gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể hóa những khó khăn đó, TS. Trần Anh Đức, Trưởng khoa Bồi dưỡng và Liên kết đào tạo, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, từ khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, các trường CĐ Sư phạm bị thu hẹp đối tượng tuyển sinh, quy mô đào tạo giảm, chỉ được đào tạo GV MN, không được đào tạo GV cấp TH và THCS. Ngoài ra các trường bị cắt giảm chi thường xuyên, hoạt động bồi dưỡng bị thu hẹp hoặc không được giao nhiệm vụ, việc đào tạo nâng chuẩn trình độ GV chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh. Vì những lẽ đó, vị thế trường CĐ Sư phạm ngày càng giảm.

“Những khó khăn này đã làm cho các trường CĐSP mất phương hướng, lo lắng, thiếu lạc quan tin tưởng, không biết số phận nhà trường sẽ đi về đâu, cơ sở vật chất không được sử dụng, khai thác hiệu quả dẫn đến lãng phí cho các địa phương. Về mặt quản lý nhà nước, từ Bộ GD-ĐT đến UBND các tỉnh thành chưa thực sự quan tâm. Quy hoạch, định hướng phát triển, phân công chỉ đạo, theo dõi của Bộ GD-ĐT chưa rõ ràng, dứt khoát”, TS. Trần Anh Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cho biết thêm, cuối năm 2022, Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT về Điều lệ trường CĐSP ra đời những tưởng sẽ tạo một hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các nhà trường. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT lại chưa có chỉ đạo quyết liệt nên việc thực hiện Thông tư trên ở mỗi địa phương chưa có sự đồng nhất. Bên cạnh đó, Dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm với tư tưởng chấm dứt đào tạo ngành giáo dục MN trình độ CĐ vào năm 2030 càng làm cho các trường CĐ Sư phạm thêm phần bi quan.

Phát biểu tại hội thảo chủ đề “Những vấn đề đặt ra với các trường CĐ sư phạm hiện nay”, TS.Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho hay, thực tế diễn ra hiện nay, các trường CĐ Sư phạm địa phương đã sáp nhập hầu như không nhận được sự hỗ trợ về ngân sách từ các ĐH trọng điểm quốc gia trong khi lại phải thay đổi sứ mệnh, chương trình đào tạo, cơ cấu nhân lực… cho phù hợp với sứ mệnh mới của mình. Ở một số nơi có tình trạng trường "thành viên địa phương" còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho "trường mẹ" .

Đề xuất mô hình đào tạo 3+1

Trước những thách thức nói trên, TS. Trần Anh Đức cho rằng, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục giao nhiệm vụ đào tạo ngành Giáo dục MN cho các các trường CĐ Sư phạm sau năm 2030. Bởi thực tế cho thấy, nhu cầu GV MN hiện nay và những năm tới vẫn rất cao. Nếu chỉ đào tạo tại các trường ĐH Sư phạm hoặc các trường ĐH có đào tạo GV thì không thể giải quyết được tình trạng thiếu GV. Hơn nữa, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng quy định trình độ chuẩn của GV MN có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. Nếu quy hoạch theo hướng đào tạo GV MN hoàn toàn tại các trường ĐH thì SV ở các địa phương xa sẽ phải tập trung về các thành phố lớn, dẫn đến chi phí đào tạo cao…

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng cần có cơ chế để các trường CĐ Sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp TH và THCS tại địa phương. Thực tế Thông tư 19/2019 và sau đó là Thông tư 17/2022 về Quy chế bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý và GV MN, phổ thông cũng không có quy định nào cấm các trường CĐ Sư phạm thực hiện bồi dưỡng thường xuyên cấp TH và THCS tại địa phương.

TS. Đức cũng nhấn mạnh, trong khi chờ đợi những quy hoạch, hướng dẫn rõ ràng từ Bộ GD-DT, các trường CĐ Sư phạm phải tập trung các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đoàn thể. Chú trọng các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại địa phương như tham gia các hội thi, các kỳ thi, các ban lựa chọn SGK, biên soạn, thẩm định chương trình và SGK giáo dục địa phương. Ngoài ra, các trường cần chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành cho phép phối hợp đào tạo trình độ ĐH, trước mắt là ưu tiên đào tạo GV TH, kể cả chương trình ĐH ngành Giáo dục MN theo cơ chế đặt hàng…

TS. Phạm Ngọc Sơn thông tin thêm, mới đây, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT có cơ chế để các trường CĐ Sư phạm được thực hiện việc bồi dưỡng thường xuyên cho cấp TH và THCS tại địa phương. Qua đó giúp các trường CĐ Sư phạm vừa bồi dưỡng GV vừa cập nhật chương trình giáo dục phổ thông. Bộ có thể xem xét về mô hình đào tạo 3+1 (3 năm tại trường CĐ Sư phạm và 1 năm tại trường ĐH) để giải quyết được vấn đề đào tạo GV hiện nay.

HOÀNG DƯƠNG

 
;
.