Hành trình không ngừng nghỉ của Bộ đội Cụ Hồ

Thứ Năm, 11/04/2024, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Trở về quê hương sau những năm tháng chiến tranh lửa đạn, nhiều cựu chiến binh (CCB) doanh nhân tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế, vượt khó làm giàu cho quê hương, đất nước.

Gia đình ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB tỉnh tặng quà cho thân nhân liệt sĩ tại lễ bàn giao nhà tình nghĩa.
Gia đình ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB tỉnh tặng quà cho thân nhân liệt sĩ tại lễ bàn giao nhà tình nghĩa.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Sau khi rời quân ngũ năm 1988, ông Nguyễn Thanh Du (SN 1948, hội viên Hội CCB phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Năm 2000, nhận thấy tiềm năng, thế mạnh tại nơi mình sinh sống, ông Du kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

Là người siêng năng, cần cù, ông Du không ngừng học hỏi, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường. Từ mô hình ban đầu chỉ là nhà nghỉ 10 phòng, ông nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh lưu trú, đến nay ông đang là chủ sở hữu mô hình khách sạn-nhà hàng Hương Sen (đường Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu), với quy mô lên tới 44 phòng nghỉ.

Với vị trí thuận lợi, mô hình kinh doanh khép kín đa dạng, khách sạn của ông Du nhanh chóng trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Doanh thu bình quân đạt 2,5 tỷ đồng/năm, ông cũng tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động với thu nhập 12 triệu đồng/tháng.

Ông Du cho biết, trở về từ quân ngũ, ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, thế nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn ngời sáng trong ông. Nhờ tính kỷ luật, ý chí và quyết tâm vượt khó, ông vươn lên phát triển kinh tế, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho xã hội, tích cực tham gia hoạt động từ thiện.

Từ năm 2005 tới nay, gia đình ông đã ủng hộ hơn 1,2 tỷ đồng cho các hội đoàn thể, những hoàn cảnh khó khăn và tổ chức xã hội. Đồng thời, tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội.

“Sau khi xuất ngũ làm kinh tế, tôi luôn trăn trở làm sao để giúp đỡ những gia đình khó khăn, đặc biệt là các đồng đội và thân nhân của đồng đội. Vì vậy, song song với phát triển kinh tế, gia đình tôi luôn đồng hành, chung tay cùng các hội đoàn thể, chính quyền tham gia hoạt động xã hội”, ông Du nói.

Nói đến làm kinh tế giỏi ở Hội CCB tỉnh, không thể không nhắc tới CCB Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải.

Với tài năng bẩm sinh và ý chí của một người lính, ông Tuấn đã dần khẳng định thương hiệu và ghi dấu ấn trên bản đồ sản xuất, kinh doanh hải sản của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đại hội Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ V (2023-2028), diễn ra vào ngày 12/4/2024, tại nhà hàng Hải Phương (TP.Vũng Tàu) với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các hội viên doanh nhân cựu chiến binh và khách mời.

Doanh nghiệp của ông hiện chiếm hơn 50% tổng sản lượng và hơn 60% kim ngạch xuất khẩu cá đục của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của công ty năm 2023, đạt khoảng 23 triệu USD. Trong đó, doanh số sản phẩm xương cá đục khoảng 500 ngàn USD/năm.

CCB Đào Quốc Tuấn cùng với doanh nghiệp của mình là đơn vị luôn đi đầu trong nhiều hoạt động xã hội từ thiện. Ông cũng là một trong những doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc xây dựng Hội doanh nhân CCB tỉnh. Với tấm lòng nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ nhiều CCB có hoàn cảnh khó khăn, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2023.

Sản xuất kinh doanh song hành với tinh thần tương ái

Được thành lập từ năm 2004, với tên gọi ban đầu là CLB CCB làm kinh tế giỏi, đến năm 2012, đổi tên thành Hội doanh nhân CCB tỉnh. Trong hành trình 20 năm không ngừng nghỉ, hội đã lớn mạnh về cả quy mô lẫn chất lượng.

Ông Nguyễn Đức Lạc, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB tỉnh cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, dù tình hình trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, nhưng hội đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, duy trì và ổn định sản xuất.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm việc làm ổn định và thực hiện tốt các chính sách, chế độ cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Riêng trong năm 2023, tổng doanh thu của hội viên toàn Hội đạt gần 1.400 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 61,2 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho khoảng 1.400 lao động, trong đó 790 lao động là CCB, cựu quân nhân và con, em của CCB, cựu quân nhân, các gia đình chính sách và người có công, với mức lương từ 7,5 -13 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lạc cho biết, ngoài phát triển kinh tế, các hội viên cũng luôn nêu cao tinh thần tương thân tương ái đối với các CCB, cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho hội viên khó khăn, sách vở cho học sinh dân tộc, ủng hộ xây dựng và sửa chữa nhà “Nghĩa tình đồng đội”, cũng như đóng góp quỹ “Vì người nghèo” và các quỹ an sinh xã hội khác tại địa phương...

“Dù ở vai trò nào, các hội viên Hội CCB doanh nhân tỉnh vẫn luôn phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm không ngừng đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung. Với tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng, Hội doanh nhân CCB tỉnh sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, ông Lạc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.