.

Đặt chân lên mảnh đất tự hào

Cập nhật: 17:03, 01/05/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Trên hành trình đến với Tây Bắc hùng vĩ, chúng tôi có dịp tham quan quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Cuộc ghé thăm đánh thức niềm tự hào về xứ sở hoa ban anh hùng.

Khách tham quan một khu lán trại ở Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ.
Khách tham quan một khu lán trại ở Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ.

Giọng của chị hướng dẫn viên cất lên tự hào, đôi lúc lạc đi vì xúc động. giới thiệu tỉ mỉ với đoàn khách từ miền Nam về quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Quần thể di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 1 trong 23 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích rộng lớn với 45 điểm di tích thành phần, nằm trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên và TP.Điện Biên Phủ.

Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên Phủ năm xưa mà hầu hết, người dân Việt Nam ai ai cũng biết đến từ trong những trang sách lịch sử là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng De Castries, lán và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Men theo con dốc, chúng tôi thật xúc động khi nhìn thấy lán và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lán dựng bằng gỗ, lợp lá cọ đơn sơ. Cạnh đó là căn hầm bí mật xuyên qua đồi núi. Từ nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường đi ra triền núi phía sau, lên đỉnh đồi, quan sát các cứ điểm của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1... Lán và hầm là nơi làm việc, nghỉ ngơi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 105 ngày ở chiến dịch Điện Biên Phủ, từ 31/1/1954 đến 15/5/1954.

Trên đường tham quan Quần thể di tích, chúng tôi gặp nhiều du khách, các đoàn cựu chiến binh đã lớn tuổi phăng phăng leo dốc lên đồi A1, xem hầm của tướng De Castries... Từ đỉnh đồi A1 nhìn xuống, hệ thống hào, lô cốt, xác xe tăng và các khẩu pháo trong trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ, được bảo tồn, lưu giữ khá nguyên vẹn. Tôi ấn tượng với cái hố hình phễu rộng hơn 100m² ở đồi. Đó là tàn dư do khối bộc phá nặng 1 tấn do quân ta nhồi vào đường hầm bí mật ở đồi A1 được khai hỏa đánh sập cứ điểm quan trọng của Pháp lúc bấy giờ. Nhờ vậy, quân ta thừa thắng xông lên, chiếm lấy cứ điểm của địch, giành chiến thắng lẫy lừng vào ngày 7/5/1954.

Từng biết đến những dấu mốc quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ lịch sử, nay may mắn được đến với mảnh đất một thời khói lửa, những người trẻ chúng tôi như được trở về với quá khứ gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Chúng tôi nguyện mãi ghi nhớ công ơn của lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu, để thế hệ sau may mắn được sống trong độc lập, bình yên.

Chúng tôi đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nằm đối diện với Nghĩa trang Liệt sĩ trên đồi A1. Trong không gian rộng hơn 7.000m², chúng tôi ấn tượng trước hơn 1.000 hiện vật chiến tranh. Đó là những vỏ đạn, xe đạp thồ, súng của quân đội Việt Nam và Pháp, hay là bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” - bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á... Được khánh thành từ năm 2014, Bảo tàng trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống, điểm tham quan văn hóa - du lịch nổi tiếng của xứ sở hoa ban.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.