VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO - 30 NĂM BẢO TỒN RỪNG, BIỂN

Kỳ cuối: Đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái

Thứ Năm, 27/04/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Mở cửa rừng để phát triển du lịch được Vườn Quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) thực hiện từ sớm và cũng rất thận trọng, chặt chẽ trong thu hút đầu tư. Mỗi năm có hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm hưởng thụ những giá trị đặc sắc của thiên nhiên Côn Đảo. 

Vịnh Đầm Tre thơ mộng là 1 trong 17 tuyến du lịch sinh thái  tại Côn Đảo.
Vịnh Đầm Tre thơ mộng là 1 trong 17 tuyến du lịch sinh thái tại Côn Đảo.

Hưởng thụ đặc sản “hiếm có, khó tìm”

Đến Côn Đảo vào những ngày cuối tháng 4 với biển êm, nắng đẹp, chúng tôi may mắn được thưởng thức toàn bộ “đặc sản” tự nhiên ban tặng cho Côn Đảo. Từ cầu tàu 914, ca nô đưa chúng tôi ra khơi, tham quan các đảo nhỏ rồi dừng lại vùng biển trước Hòn Cau để lặn biển, ngắm san hô. Dưới làn nước trong vắt, những rạn san hô chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp lấp lánh. Bên dưới lớp cỏ, biển dập dờn, từng đàn cá đủ sắc màu tung tăng bơi lội. Bức tranh biển cả sống động hiện ra ngay trước mắt, khiến ai cũng phải trầm trồ kinh ngạc.  

Vừa chỉ cho du khách kỹ thuật lặn, hướng dẫn viên của hãng Greenland Travel - Du lịch Mai Quỳnh Côn Đảo, phụ trách tour tham quan cho hay: “Bất kỳ vùng biển nào của Côn Đảo đều có san hô nhưng muốn thấy san hô sắc màu rực rỡ nhất phải hội tụ ánh sáng, màu trời, nước êm… Và hôm nay, đoàn chúng ta rất may mắn được chứng kiến điều đó”.

Sau khi lặn biển, ca nô đưa chúng tôi tiến sát Hòn Cau, tiếp tục hoạt động chèo sup, tắm biển, chụp hình tận hưởng thiên nhiên như tranh vẽ của đảo Hòn Cau. Đêm về bên tiếng sóng biển rì rào cùng thưởng thức hải sản nướng, giao lưu ca nhạc, ngắm sao đêm lấp lánh. Quá khuya, ngả lưng trong những chiếc lều và bungalow cạnh biển chờ thời khắc rùa lên bãi để được xem rùa đẻ trứng.  

Ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQGCĐ cho biết, việc khai thác tài nguyên rừng biển quý giá của Côn Đảo vào du lịch được thực hiện từ rất sớm với sản phẩm xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển, lặn biển ngắm san hô, ngủ đêm trên đảo nhỏ, trekking băng rừng. Thống kê trong giai đoạn 2017-2021 có 135.000 lượt khách đến tham quan VQGCĐ, trong đó khoảng 1/6 là du khách nước ngoài. Doanh thu đạt được hơn 5,2 tỷ đồng, góp phần xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho VQGCĐ.  

Đặc biệt, khi Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQGCĐ được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2021, đã khai thác hiệu quả 17 tuyến du lịch được phê duyệt như Ma Thiên Lãnh - hang Đức Mẹ - cây di sản, Đất Thắm - Bãi Bàng, vịnh Đầm Tre, đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ, Đất Dốc - núi Nhà Bàn, sân bay Cỏ Ống - Hòn Cau... Du khách được trải nghiệm xem rùa mẹ đẻ trứng, thả rùa con về biển; bơi, lặn biển khám phá hệ sinh thái biển; tham quan yến tự nhiên làm tổ; đi bộ trong rừng, thể thao leo núi quan sát động vật hoang dã, khám phá thiên nhiên; giải trí, thư giãn,tĩnh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương, DN kinh doanh lữ hành, nhà đầu tư tham gia khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái vừa chia sẻ lợi ích cho cộng đồng dân cư, giúp người dân có nghề nghiệp và thu nhập ổn định từ phục vụ khách du lịch, gắn kết cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Kết hợp cùng VQGCĐ tôn tạo dịch vụ tại đảo Hòn Cau, bà Lục Thị Mai Quỳnh, Giám đốc Greenland Travel - Du lịch Mai Quỳnh Côn Đảo cho biết, chương trình phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên của VQGCĐ giúp DN có thêm sản phẩm chất lượng quảng bá chào bán đến du khách, qua đó lan tỏa hơn nữa nhận thức cộng đồng.

Du khách tham quan Hòn Cau.
Du khách tham quan Hòn Cau.

Chặt chẽ trong thu hút đầu tư 

Từ năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng với 20 địa điểm tổng diện tích hơn 900ha được quy hoạch cho thuê môi trường rừng để thu hút đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp dưới tán rừng kết hợp bảo tồn thiên nhiên. Ông Nguyễn Khắc Pho cho hay, việc thuê môi trường rừng phải tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp, phương án quản lý rừng bền vững và các quy định khác liên quan. Khi xét duyệt, ngoài căn cứ pháp lý đầy đủ như chứng minh văn bản chấp thuận chủ trương, phương án đầu tư, hồ sơ điều tra, thống kê tài nguyên rừng khu vực xin thuê, quyết định phê duyệt giá môi trường rừng tạm thời, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bảo vệ rừng… thì tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm về du lịch sinh thái của nhà đầu tư rất quan trọng để Hội đồng xét chọn quyết định.

Đến nay có 23 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp bảo tồn thiên nhiên theo hình thức thuê môi trường rừng. Trong đó, 6 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư. VQGCĐ đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng với 2 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Du lịch Nghỉ dưỡng Côn Đảo tại khu vực Ông Đụng - Sở Rẫy (120 ha) tổng vốn đầu tư dự án này 375 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư Đảo Ngọc Sài Gòn thuê môi trường rừng tại Ông Câu (34 ha) và hòn Tre Lớn (33 ha), tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng. “2 nhà đầu tư trên đang hoàn thành thủ tục pháp lý, từng bước triển khai dự án, phối hợp với VQGCĐ thực hiện một số đề tài, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo nuôi dưỡng rừng, trồng thêm san hô trong khu dự án để vừa bảo tồn vừa tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan du lịch”, ông Nguyễn Khắc Pho nói.

Trong chuyến công tác Côn Đảo lần này, chúng tôi có dịp thực tế khu vực Ông Đụng - Sở Rẫy, nơi Công ty CP Du lịch Nghỉ dưỡng Côn Đảo đang triển khai dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí “Hiểu về Trái tim-Côn Đảo”. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Gia Chi Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Nghỉ dưỡng Côn Đảo bày tỏ: “Phải mất gần 5 năm khảo sát và hoàn thiện thủ tục, đầu năm 2022, dự án mới được VQGCĐ ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng. Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi bắt tay khởi công dự án ngay”.

Du khách trekking tuyến du lịch Núi Chúa (Côn Đảo).
Du khách trekking tuyến du lịch Núi Chúa (Côn Đảo).

Ông Phạm Gia Chi Bảo chia sẻ thêm, “Hiểu về Trái tim-Côn Đảo” sẽ mang đến sản phẩm du lịch sinh thái đúng nghĩa, thu hút khách chất lượng thay vì số lượng. Ngoài các tiện ích nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ phụ trợ tập trung vào nghỉ dưỡng thiền “Hiểu về Trái Tim” với nhà yoga, nơi thiền định hướng biển, thiền trong rừng, bungalow, nhà tường cổ, thư viện và một trung tâm đào tạo về nhân lực du lịch để cung ứng cho Côn Đảo. “Chúng tôi đang ráo riết thi công, hy vọng đầu hoặc giữa năm sau có thể hoàn thành những hạng mục đầu tiên chào đón du khách đến với Côn Đảo”, ông Phạm Gia Chi Bảo nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA - ĐINH HÙNG 

;
.