CẢNG BIỂN TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Kỳ 2: Những "cú hích" mạnh mẽ

Thứ Ba, 07/12/2021, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Để thu hút hàng trung chuyển quốc tế về cụm cảng CM-TV, trung ương và tỉnh đã ưu tiên xây dựng tuyến giao thông kết nối cảng và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những “cú hích” mạnh mẽ để cụm cảng CM-TV phát triển.

Cụm cảng CM-TV nhìn từ cảng Gemalink.
Cụm cảng CM-TV nhìn từ cảng Gemalink.

Giao thông kết nối từng bước đồng bộ

Đến thời điểm hiện tại, 5 dự án đường giao thông kết nối nội vùng vào cảng CM-TV đã và đang được hoàn thiện. Tháng 10/2020, Dự án đường liên cảng CM-TV với tổng chiều dài 18,1km, tổng mức đầu tư 2.838 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án đường Phước Hòa - Cái Mép có tổng chiều dài 4,44km, điểm đầu tuyến giao với QL51, điểm cuối tuyến giao với đường liên cảng CM-TV đã dần hoàn thiện, khi đi vào hoạt động sẽ là tuyến vận tải quan trọng giúp hàng hóa được vận chuyển thuận lợi.

Dự án đường 991B từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép với tổng chiều dài 9,73km, tổng mức đầu tư 3.951 tỷ đồng được khởi công vào năm 2018 và là trục giao thông quan trọng nhằm vận chuyển hàng hóa từ cảng biển, các KCN ra QL51 đi các tỉnh, thành. Dự án đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải có tổng chiều dài 2,6km, tổng mức đầu tư 407 tỷ đồng đã khởi công trong tháng 6/2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023. Dự án đường Long Sơn - Cái Mép với tổng chiều dài 3,75km, tổng mức đầu tư 1.189 tỷ đồng đã khởi công trong tháng 6/2020…

Bên cạnh đó, QL56 - tuyến tránh TP. Bà Rịa đã hoàn thành thi công và sẽ đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2021. Dự án này góp phần giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của việc vận tải hành khách và hàng hóa đối với môi trường khu vực nội thị TP. Bà Rịa; rút ngắn cung đường vận chuyển từ các KCN và hệ thống cảng biển CM-TV, Long Sơn ra tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và QL1 đến các khu vực kinh tế trọng yếu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Việc đầu tư xây dựng dự án còn góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ cũng như tăng thêm tính hiện đại và mỹ quan, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR-VT nói riêng và khu vực nói chung.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT đánh giá, thời gian qua BR-VT đã từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối. Tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Bộ TN-MT hướng dẫn xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối BR-VT và Đồng Nai. Cầu Phước An khi hoàn thành sẽ tạo thêm hướng đi mới cho hàng hóa từ BR-VT đến các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại. Đây cũng là dự án kết nối khu vực cảng CM-TV với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đồng thời giảm tải cho QL51.

Tập trung nguồn lực cho cảng biển

Theo Quy hoạch phát triển nhóm cảng số 5 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực BR-VT được xác định là tâm điểm của nhóm cảng này. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh ưu tiên dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng. Trong thời gian này, tỉnh dành 2.000ha để quy hoạch không gian phát triển hệ thống logistics, trung tâm kiểm hóa hiện đại, chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để phát triển hệ thống hậu cần cảng.

Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải vừa hoàn thành trong năm 2020 góp phần hoàn thiện hạ tầng sau cảng, góp phần phát huy tiềm năng của hệ thống cảng biển Bà Rịa- Vũng Tàu, phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải vừa hoàn thành trong năm 2020 góp phần hoàn thiện hạ tầng sau cảng, góp phần phát huy tiềm năng của hệ thống cảng biển Bà Rịa- Vũng Tàu, phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh cũng sẽ thành lập Ban quản lý Cụm cảng CM-TV để điều hành thống nhất, tạo thuận lợi tối đa cho DN và các hãng tàu khi ra vào hệ thống cảng; phát triển hệ thống cảng CM-TV thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mục tiêu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 là hoàn thành dự án cầu Phước An, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Đường vành đai 4  kết nối tới CM-TV. Như vậy, với 3 tuyến giao thông kết nối này, đường vào cụm cảng CM-TV sẽ được mở rộng, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai.

Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT báo cáo về việc triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, địa phương đề nghị Bộ KH-ĐT xem xét, trình Chính phủ bố trí 100% vốn ngân sách đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1 theo phương thức đầu tư công thay vì đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) như trước đó và thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các KCN lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng CM-TV và giảm tải áp lực cho QL51, tạo thuận lợi cho lưu thông của người dân tỉnh BR-VT và các địa phương trong vùng; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khi kết hợp cùng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông quan lượng hàng hóa từ 1.140 - 1.423 triệu tấn. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII cũng xác định, tập trung thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng trên cơ sở Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 8 của Trung ương.

Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển cho rằng, CM-TV còn thiếu nhiều điều kiện để thu hút hàng trung chuyển quốc tế. Do đó, để CM-TV có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai, cần tầm nhìn dài hạn với những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt phải coi đây là một khu cảng quốc gia, cần tập trung nguồn lực đầu tư. Đi kèm sự lớn mạnh của cảng biển, BR-VT cần sớm xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, phục vụ và kết nối với các trung tâm trong khu vực Đông Nam Á.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.