Chiết khấu thấp, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ

Thứ Ba, 20/09/2022, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

13 DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã có văn bản đồng kiến nghị gửi cơ quan chức năng “kêu cứu”, với lý do mức chiết khấu hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 100-200 đồng, thậm chí có thời điểm 0 đồng nên không đủ chi phí để duy trì hoạt động.

Nhiều DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thua lỗ do chiết khấu thấp. (Ảnh minh họa)
Nhiều DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thua lỗ do chiết khấu thấp. (Ảnh minh họa)

Ngày 15/9, Báo Bà Rịa- Vũng Tàu nhận được văn bản đồng kiến nghị của 13 DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tại văn bản này, các DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu cho biết, hơn 8 tháng qua, các cửa hàng xăng dầu của các DN đều trong tình trạng kinh doanh thua lỗ do giá bán lẻ tại cửa hàng thấp hơn giá thành.

Dù thua lỗ nhưng để duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân, DN vẫn phải trang trải chi phí lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên; chi phí điện, nước, khấu hao sửa chữa... Các DN cho rằng, do phải gánh chịu các chi phí trên trong thời gian dài nên khả năng và sức chịu đựng của DN đang cạn kiệt.

Phân tích thêm về vấn đề chiết khấu, ông Huỳnh Liên Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Ngọc Anh Thư (TP. Bà Rịa) cho biết, hiện nay mức chiết khấu cho DN bán lẻ xăng dầu rất thấp, chỉ từ 70-200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng nên DN phải bù lỗ các chi phí khác như phí vận chuyển, lương, bảo hiểm xã hội; điện, nước, khấu hao, sửa chữa... Trung bình mỗi tháng DN lỗ 60-70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị phân phối hàng vẫn bảo đảm cung cấp đủ hàng cho DN nhưng không được dồi dào như trước. Chẳng hạn, trước đây, trước mỗi kỳ điều chỉnh giá, DN có thể lấy dư thêm lượng hàng để giữ vốn nhưng hiện nay, DN đầu mối chỉ cung cấp đủ số hàng dựa trên báo cáo bán hàng của DN. “Mỗi ngày bán khoảng 3.000-4.000 lít thì DN đầu mối sẽ căn cứ vào số lượng bán hàng ngày hoặc hàng tuần và chỉ cung cấp đủ số lượng hàng đó. Hơn nữa, DN phải chờ kho tổng tại TP. Hồ Chí Minh duyệt thì mới cung cấp hàng về”, ông Tâm nói.

Tương tự, ông Bạch Công Sơn, chủ DN xăng dầu Nguyễn Sơn (huyện Châu Đức) cho biết, hiện nay, chiết khấu mà nhà phân phối trích cho DN là 0 đồng/lít. “Chiết khấu đã không có lại phải bỏ thêm chi phí vận chuyển, lương, điện nước, khấu hao… thì coi như bán ra bị lỗ. Tùy theo lượng hàng bán ra nhiều hay ít, DN lỗ từ 20-30 triệu đồng/tháng. Dù lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải cố cầm cự để giữ mối làm ăn. Hơn nữa, các cửa hàng bán lẻ vẫn phải gồng mình bán vì cơ quan chức năng không cho phép ngừng hoạt động”, ông Sơn phân trần.

Bên cạnh kiến nghị liên quan đến việc kinh doanh thua lỗ, các DN cũng cho rằng, quy định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công thương đang áp dụng bộc lộ nhiều bất cập. Theo quy định, mỗi cây xăng chỉ được phép ký một hợp đồng mua hàng của một nhà cung cấp (tổng đại lý). Do vậy, nguyên lý quyền chọn giá tốt để mua của các đại lý bán lẻ (cây xăng) đã bị “tước đoạt”. Dù biết nhà phân phối xăng dầu khác có giá tốt hơn, mức chiết khấu tốt hơn, các DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu cũng không thể ký hợp đồng để nhập hàng. Các DN mong cơ quan chức năng xem xét và có giải pháp để giá bán lẻ xăng dầu đủ cho việc duy trì những chi phí cần thiết của DN.

Ngày 19/9, Sở Công thương đã có công văn số 2590/SCT-QLTM gửi Bộ Công thương. Công văn nêu rõ những kiến nghị của 13 DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu là có cơ sở. Đó là, tình trạng kinh doanh thua lỗ do giá bán lẻ tại cửa hàng thấp hơn giá thành; quy định mỗi cây xăng chỉ được ký một hợp đồng mua hàng của một nhà cung cấp là bất cập. Quy định trên khiến cho DN không có quyền được lựa chọn giá tốt từ nhiều nhà cung cấp để mua. Mặt khác, khi tổng đại lý hết hàng, DN cũng không thể mua từ nhà cung cấp khác, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Từ những bất cập nêu trên, các DN cùng kiến nghị Bộ Công thương thay đổi chính sách điều hành giá bán lẻ xăng dầu đảm bảo giá bán lẻ bán ra phải đủ để DN bù đắp những chi phí cần thiết nhằm duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu. Trường hợp sau ngày 25/11/2022, kiến nghị trên vẫn chưa được xem xét thì 13 DN này sẽ buộc phải đóng cửa các cửa hàng xăng dầu tại cùng một thời điểm do không thể gồng mình thêm nữa.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.