RẦM RẬP "HÔ BIẾN" ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Kỳ 2: Đừng để ôm nợ vì "sốt đất"

Thứ Ba, 05/04/2022, 19:32 [GMT+7]
In bài này
.

Lợi dụng cơn “sốt đất”, nhiều trường hợp đã phân lô, bán nền, làm đường giao thông trái phép trên đất nông nghiệp nhằm trục lợi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS). Chuyên gia cảnh báo, đây có thể là sốt ảo, nhà đầu tư cần cẩn trọng, tránh rủi ro “bong bóng BĐS”.

Khu đất 15ha bị “xẻ thịt” ở ấp 1 (xã Hòa Hội) nằm dưới đường lưới điện cao thế 220KV.
Khu đất 15ha bị “xẻ thịt” ở ấp 1 (xã Hòa Hội) nằm dưới đường lưới điện cao thế 220KV.

Ngang nhiên phân lô, làm đường trái phép

Tình trạng phân lô, bán nền, tự mở đường trên đất nông nghiệp đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, riêng tại huyện Xuyên Mộc, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã tìm hiểu và phát hiện khu đất nông nghiệp với tổng diện tích lên đến khoảng 15ha nằm ở ấp 1 (xã Hòa Hội) đang bị phân lô, mở đường giao thông trái phép rồi chào bán với giá hàng tỷ đồng/sào.

Ghi nhận của phóng viên vào trưa 21/3, khu đất này đã được đóng cọc, phân thành từng lô với diện tích 1 sào/lô. Thậm chí, chủ đất - bà P.T.O. (ngụ tỉnh Đồng Nai) còn điều động xe cuốc vào san lấp, làm đường. Và đến nay, con đường đã gần hoàn thiện với chiều ngang khoảng 5-6m, chiều dài hàng trăm mét.

Trong vai “cò” đất, chúng tôi tiếp cận với 1 người đàn ông ở đây để hỏi việc mua đất nền. Thấy khách ngỏ ý muốn hỏi giá cũng như xem giấy tờ, người này cho biết, đây là khu đất trồng cây lâu năm, trước kia trồng cao su và nhãn nhưng sau đó đốn hạ để phân thành lô với diện tích 1 sào/lô.

“Chủ đất bán giá bao nhiêu 1 lô?”, phóng viên hỏi. “Chỉ 1,3 - 1,4 tỷ đồng tùy theo khu, ở đây chủ đất còn nhiều lô, có thể thoải mái lựa chọn”, người đàn ông này trả lời.

Quảng cáo là thế, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất này lại không hề nằm trong dự án bất động sản được cấp phép. Thậm chí, UBND xã Hòa Hội cũng vừa lập biên bản hiện trạng về hành vi tự ý mở đường giao thông, sử dụng đất sai mục đích, có dấu hiệu phân lô đất nông nghiệp; yêu cầu chủ đất khôi phục hiện trạng ban đầu; đồng thời, báo cáo vụ việc đến UBND huyện Xuyên Mộc để có hướng xử lý kịp thời.

Khi đầu tư BĐS tại BR-VT, người dân nên tìm hiểu rõ ràng về pháp lý của các BĐS, nên liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ ràng về mặt quy hoạch, pháp lý, thế chấp... Đồng thời, cân nhắc lựa chọn các chủ đầu tư uy tín, pháp lý minh bạch; chỉ mua đất khi có sổ đỏ, không mua bán nhà đất bằng giấy viết tay, không chuyển nhượng nhà đất bằng vi bằng. Đặc biệt phải cẩn trọng khi giá đất rẻ bất ngờ để tránh rủi ro.
(Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, 
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh)

Đua nhau đi “cò” đất

Những ngày qua, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những bảng “bán đất”. Trên cột điện, cành cây, thậm chí dưới nền đường cũng chằng chịt các số điện thoại của “cò” đăng tin bán đất.

Thậm chí, ghé bất cứ quán xá nào cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về chuyện mua bán đất. Người mừng vì bán đất với giá cao, người tiếc rẻ vì bán giá thấp hoặc chưa kịp bán sang tay rút vốn. Đặc biệt, những quán cà phê gần các phòng công chứng luôn đông khách, chủ yếu là khách đến chờ làm thủ tục mua bán hoặc ủy quyền.

Có mặt tại một văn phòng công chứng tư trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, chúng tôi quan sát thấy hàng trăm người xếp hàng chờ thực hiện giao dịch bất động sản. Theo tiết lộ của một công chứng viên ở đây, gần 1 tháng qua, phòng công chứng luôn trong tình trạng quá tải với mỗi ngày công chứng giao dịch cho hàng trăm khách hàng.

Theo các chuyên gia BĐS, giá đất chủ yếu do “cò” đẩy giá chứ nhu cầu người dân bán cũng ít, người mua thật cũng không nhiều. Nhiều lô đất sang tay qua 6-7 người nhưng mới chỉ đặt cọc chứ chưa làm công chứng sang tên. Chủ yếu là khách mua đất với mục đích lướt sóng. Môi giới dẫn khách vào đặt cọc, nhưng ngay sau đó lại đưa khách mới vào đặt cọc cao hơn với mục đích thổi giá thị trường, đánh vào lòng tham của người mua.

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2022, tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đối với hồ sơ chuyển nhượng tại hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng số hồ sơ chuyển nhượng đã tiếp nhận và giải quyết là 25.081 hồ sơ, tăng 9.167 hồ sơ so với 3 tháng đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng xã hội, giao thông được đầu tư mạnh ở nhiều địa phương tạo ra bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang. Lợi dụng vào đó, các “cò” đất làm giá, tạo nên “cơn sốt” ảo để thu hút những nhà đầu tư “non tay”, ít hiểu biết về thị trường. Bởi trên thực tế, có nhiều giao dịch mua vào thì dễ, nhưng bán ra lại chẳng ai mua mặc dù chịu lỗ đến một nửa.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, khi “cò” loan tin Tập đoàn Vingroup chuẩn bị đầu tư dự án tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức), thì vùng quê này bỗng chốc “dậy sóng”. Lượng người đổ về nườm nượp. Ô tô, xe máy đậu kín các con đường khiến lực lượng an ninh phải treo biển tuần tra xử phạt các trường hợp đậu xe trái quy định. Giá đất tăng chóng mặt. Có người vừa mua 200 triệu đồng/1m ngang buổi sáng, buổi trưa đã bán được 270 triệu đồng, đến chiều muốn mua lại 330 triệu đồng mà vẫn mua không được.

Nhưng chỉ ít ngày sau, cảnh người mua kẻ bán tranh nhau từng mét đất tấp nập, rộn ràng đã hoàn toàn biến mất. Nhiều người không kịp “lướt cọc” khi đất hết “sốt” đành ôm nợ vào người.  

(còn nữa)

TRẦN TIẾN-TIỂU THIÊN-QUANG VŨ

;
.