Thuê bằng lái thế chỗ nộp phạt nguội: Coi chừng rắc rối

Chủ Nhật, 12/05/2024, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm trốn tránh việc bị giữ bằng lái do vi phạm giao thông, nhiều người đã thuê bằng để nộp phạt nguội. Hành vi này là vi phạm pháp luật, khiến cả người cho thuê và người thuê  bằng có thể bị phạt nặng.

Tính từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 4/2024, qua hệ thống camera giám sát tự động trên các tuyến quốc lộ, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và thông báo vi phạm đến gần 20.000 trường hợp. Trong ảnh: Cán bộ trực tại Trung tâm Chỉ huy Công an tỉnh theo dõi tình hình giao thông.
Tính từ tháng 10/2021 đến cuối tháng 4/2024, qua hệ thống camera giám sát tự động trên các tuyến quốc lộ, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và thông báo vi phạm đến gần 20.000 trường hợp. Trong ảnh: Cán bộ trực tại Trung tâm Chỉ huy Công an tỉnh theo dõi tình hình giao thông.

Lập nhóm cho thuê bằng lái

Hiện nay, nhiều người cho thuê giấy phép lái xe (GPLX) đã quảng cáo công khai trên mạng xã hội Facebook. Thậm chí, họ còn lập thành những hội nhóm với cả ngàn thành viên.

Các hội nhóm đăng bài công khai mức giá cho thuê GPLX ô tô theo tháng. Giá thuê tùy thuộc vào loại GPLX, chẳng hạn bằng B1, B2 giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng, còn bằng E, FC… giá cao nhất 4-5 triệu đồng/tháng. Những người môi giới cho thuê khẳng định, hoàn toàn có thể lấy GPLX của người này để “thế thân” cho người khác khi nộp phạt vi phạm giao thông với các lỗi bị “phạt nguội”.

Lấy lý do có người thân ở Bình Thuận đi du lịch bằng ô tô 4 chỗ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị phạt nguội vì chạy quá tốc độ 25km/h (lỗi vi phạm này bị tước GPLX 3 tháng), phóng viên liên hệ với nhóm “Cho thuê giấy phép lái xe” trên Facebook, người đàn ông tự xưng là N.T.P. tư vấn: vi phạm này sẽ phải thuê GPLX 3 tháng để đi nộp phạt. “Nếu anh thuê thì em thu 6 triệu đồng cho 3 tháng thuê bằng lái B2”, người này nói.

Phóng viên thắc mắc, khi thuê bằng lái đi nộp phạt như vậy, liệu cơ quan chức năng có phát hiện không, P. khẳng định: “Bao nhiêu người thuê của em rồi không ai bị phát hiện cả”.

Tương tự, tại nhóm “Cho thuê giấy phép lái xe”, một tài khoản tên N.P. cũng rao: “Mình cho thuê bằng lái từ hạng C ở khu vực TP.HCM, ai có nhu cầu liên hệ số điện thoại 07944...”.

Trong vai người có nhu cầu, phóng viên liên hệ với số điện thoại trên thì được báo giá cho thuê là 2 triệu đồng/tháng: “Bên em ở TP.Thủ Đức, anh cần thì có thể đến để làm thủ tục. Nếu đồng ý anh ứng trước một nửa số tiền thuê”.

Nếu phát hiện người đến giải quyết vụ việc có dấu hiệu sử dụng GPLX của mình để nộp phạt thay cho người vi phạm, cơ quan công an sẽ tạm giữ GPLX, giấy tờ của phương tiện. Cơ quan công an cũng xác minh làm rõ động cơ, mục đích, yêu cầu người vi phạm đến để giải quyết vụ việc, áp dụng tình tiết tăng nặng nếu xác định được sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm theo quy định tại Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020).
Thượng tá Đỗ Tuấn Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh

Người nghe máy trên hướng dẫn cách giao dịch, bên cho thuê bằng nhận tiền thuê cộng tiền phạt, rồi cầm biên bản và giấy tờ xe của chủ xe bị phạt nguội đến cơ quan chức năng đóng tiền và đưa bằng lái để giữ bằng. Thực hiện xong, hóa đơn đóng phạt đưa cho chủ xe và biên bản nhận lại bằng lái bên cho thuê giữ hoặc đăng ký dịch vụ nhận bằng lái tại nhà qua bưu điện.

Vi phạm pháp luật

Luật sư Lê Thị Lan Phương, Công ty luật Hưng Bình P&S cho biết, việc thuê GPLX, nhờ người khác nhận thay hành vi vi phạm giao thông để không bị giữ GPLX là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người vi phạm có thể bị xử lý ở mức cao nhất của khung hình phạt do có tình tiết tăng nặng. Trường hợp GPLX đi thuê là giả, chủ xe biết nhưng vẫn thuê sử dụng, thì có thể bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

“Với hành vi khai báo sai sự thật bị phát hiện, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính”, luật sư Lê Thị Lan Phương nhấn mạnh và cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt hành vi thuê GPLX nộp thay người vi phạm.

Quy trình xử lý xử phạt nguội như sau: Người đến giải quyết vụ việc “phạt nguội” không phải là chủ phương tiện thì phải có xác nhận của chủ phương tiện về việc mượn xe, giao xe, thuê xe, ủy quyền; xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan: đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định phương tiện, GPLX, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, giấy tờ tùy thân; đề nghị giải trình về hành vi vi phạm để xác định chính xác đối tượng vi phạm.

Tính đến thời điểm hiện tại, chế tài xử lý hành vi cho thuê, mượn GPLX vẫn chưa được quy định nên không căn cứ xử lý. Tuy nhiên, khoản 14, Điều 33, Thông tư 12/2017 của Bộ GT-VT, được sửa đổi bởi khoản 24, Điều 4, Thông tư 05/2024 có hiệu lực từ ngày 1/6/2024 quy định các trường hợp thu hồi GPLX bao gồm: Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; Để người khác sử dụng GPLX của mình. “Như vậy, trường hợp cá nhân có GPLX mà cho người khác thuê, mượn, sử dụng sẽ bị thu hồi”, luật sư Lê Thị Lan Phương phân tích.

Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể áp dụng các chế tài khác để xử lý đối với hành vi khai báo sai sự thật. Trường hợp người thuê GPLX mà gây tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ rất rắc rối. Người cho thuê GPLX có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, hoặc người thuê GPLX có thể bị xử lý hình sự về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017”, luật sư Lê Thị Lan Phương phân tích.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

;
.