Chặn tình trạng mua bán BĐS "hai giá"

Thứ Hai, 11/04/2022, 19:41 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, trên thị trường bất động sản (BĐS) tỉnh BRVT “nở rộ” tình trạng bán nhà “hai giá” khiến việc thu thuế chuyển nhượng BĐS gặp khó khăn, gây thất thu cho ngân sách. Thực chất của vấn đề là người bán và người mua “bắt tay” nhau ghi giá bán trên hợp đồng mua bán thấp hơn giá thực tế nhằm mục đích trốn thuế.

Qua chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý việc thu thuế chuyển nhượng BĐS trên địa bàn, Cục Thuế BR-VT đã phát hiện nhiều hồ sơ chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu khai thấp hơn nhiều so với giá thực tế từ 10 – 30%. Đó là lý do vì sao trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế BR-VT đã trả hơn 1.200 hồ sơ sang nhượng,chuyển nhượng BĐS, yêu cầu người bán và người mua thực hiện giao dịch BĐS theo đúng quy định quy định .

155 hồ sơ chuyển nhượng đã được kê khai và chỉnh lại giá. Đáng chú ý, những hồ sơ nộp lại, khai lại giá trị chuyển nhượng đất tăng từ 2-5 lần so với khai lần đầu. Cá biệt có hồ sơ tăng đến… 20 lần. Qua việc “siết” hoạt động mua bán BĐS “hai giá”, Cục Thuế BR-VT đã chống thất thu ngân sách được 3 tỷ đồng.

Xin được nhắc lại một con số: số lượng hồ sơ chuyển nhượng sở hữu nhà, đất tại BR-VT trong năm 2021 là 11.900 hồ sơ. Nếu hoạt động mua bán BĐS “hai giá” được siết chặt, khoản tiền thuế thu về cho ngân sách là không nhỏ.

Tuần qua, Sở Tư pháp BR-VT đã có văn bản chỉ đạo các phòng công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án, DN kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để tránh tình trạng trả lại hồ sơ. Cơ quan này cũng cho biết sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phát hiện các hồ sơ công chứng có dấu hiệu kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng nhằm trốn thuế để chuyển cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Tiếp theo sau BR-VT, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng vào cuộc, chặn thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Hàng ngàn hồ sơ chuyển nhượng nhà đất có dấu hiệu kê khai không sát thực tế đã được trả về, yêu cầu kê khai lại. Ngành Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phát hiện các hồ sơ công chứng có dấu hiệu “ký gửi”, “ký chờ”; kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng nhằm trốn thuế, chuyển cho ngành Công an xác minh, xử lý.

Hiện tượng mua bán BĐS “2 giá” để né thuế bước đầu được chặn đứng nhưng vấn đề chỉ có thể xóa bỏ một cách triệt để khi không còn sự chênh lệch giữa giá đất theo quy định của nhà nước và giá thị trường. Nói cách khác, chính việc tồn tại đồng thời hai hệ thống giá đất đã trở thành “lỗ hổng”, tạo cơ hội để người dân khai thấp giá mua bán nhằm né thuế.

Các giải pháp để “bít” lỗ hổng thất thu thuế BĐS đã được các bộ ngành chức năng đề xuất, trong đó giải pháp đưa giá đất tại khung và bảng giá đất do nhà nước và địa phương quy định tiệm cận với giá thị trường. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt, các giao dịch BĐS phải qua ngân hàng, nhằm giảm thiểu tình trạng khai sai giá trị BĐS, làm cơ sở căn cứ tính thuế, thực hiện công tác chống gian lận cũng được tính tới.

Những giải pháp đã và đang được triển khai cho thấy các ngành chức năng xử lý mạnh tay hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế. Do vậy, khi tiến hành các giao dịch chuyển nhượng BĐS, người bán và người mua cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để bảo vệ quyền lợi của bản thân. Việc bắt tay nhau mua bán BĐS “hai giá” không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh việc đối mặt với chế tài hành chính hoặc hình sự về hành vi trốn thuế, người mua có khả năng cao mất trắng số “tiền chênh”.

Sự phối hợp đồng bộ, mạnh mẽ của các ngành chức năng-đặc biệt là giữa công an, Sở Tư pháp và Cục Thuế địa phương nhất định sẽ đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách và điều quan trọng là thiết lập sự minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.