HÀNH TRÌNH BỀN BỈ ĐƯA NGƯỜI DÂN THOÁT NGHÈO - Kỳ 1: Huy động hệ thống chính trị vào cuộc

Chủ Nhật, 05/12/2021, 16:09 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày mới thành lập tỉnh, nhiều địa phương trên địa bàn BR-VT còn khó khăn, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo cao. Xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt quá trình phát triển, cùng với chính sách chung của Nhà nước, BR-VT đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương mang đặc thù riêng nhằm mở rộng đối tượng và hỗ trợ hộ nghèo.

Gia đình chị Lý Thị Hiền (tổ 10, KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) đã vươn lên thoát nghèo nhờ được tiếp cận các chính sách  ưu đãi dành cho hộ nghèo.
Gia đình chị Lý Thị Hiền (tổ 10, KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) đã vươn lên thoát nghèo nhờ được tiếp cận các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo.

Trao “cần câu”, khơi ý chí thoát nghèo

Ông Nguyễn Văn Phương, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, những năm đầu thành lập tỉnh, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tại các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân thiếu sinh kế làm ăn, đời sống khó khăn. Trước thực tế đó, ngành LĐTBXH cùng lãnh đạo tỉnh trăn trở với “bài toán” tìm hướng đi giúp người dân vươn lên thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.

Từ những trăn trở đó, chính sách trao “cần câu” thay vì cho “xâu cá” được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các địa phương. BR-VT đã tập trung ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác đầu tư cho công tác giảm nghèo. Chính sách giảm nghèo về vốn, hỗ trợ y tế, giáo dục, hỗ trợ mô hình giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm... được triển khai nhanh chóng. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các vùng khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản một cách thuận lợi và đầy đủ hơn.

Hơn 10 năm trước, vợ chồng chị Lý Thị Hiền (33 tuổi) và anh Bùi Văn Tâm (34 tuổi), tổ 10 KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa là hộ nghèo chuẩn tỉnh. Kinh tế khó khăn, anh chị chật vật mới lo đủ cái ăn cho gia đình. Năm 2016, anh chị mạnh dạn mướn hơn 3.000m2 đất trồng rau. Anh chị được địa phương “tiếp sức” với 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo để cải tạo đất, mua phân, cây giống.

Vừa làm, anh chị vừa học hỏi kỹ thuật trồng rau, trồng thâm canh cây ngắn ngày. Nhờ cần cù, chịu khó, mảnh vườn phủ đầy bầu, bí, mướp… và nhiều loại rau ăn lá khác, mỗi tháng cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Năm 2019, vợ chồng chị Hiền đã trả hết vốn vay và trở thành hộ thoát nghèo điển hình của TP. Bà Rịa. Niềm vui còn đến với gia đình chị Hiền vào năm 2020 khi anh chị được trao tặng căn nhà đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng. “Tôi rất biết ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ, tiếp thêm nghị lực để vợ chồng tôi vươn lên, thay đổi cuộc sống. Nếu không có sự tiếp sức ấy thì gia đình tôi vẫn mãi loanh quanh với cái nghèo, khó có được cuộc sống như hôm nay”, chị Hiền chia sẻ.

Giai đoạn 1993-1995, toàn tỉnh có 110.161 hộ dân, trong đó có 9.573 hộ nghèo, đói (chiếm tỷ lệ 8,69% so với tổng số hộ dân). Dù đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy hộ nghèo vươn lên nhưng đến giai đoạn 1998-2000 (chương trình xóa đói giảm nghèo lúc này được nâng lên thành chương trình mục tiêu quốc gia), BR-VT vẫn còn 15.520 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,9% tổng số hộ dân). Thời điểm này, tỉnh không có hộ đói thường xuyên, nhưng có 3.500 hộ thiếu đói vào mùa giáp hạt.

Đến năm 2016, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều trên địa bàn tỉnh có 21.407 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm 8,2% so với tổng số hộ dân). Trong đó, có 4.986 hộ nghèo chuẩn quốc gia, 5.026 hộ cận nghèo quốc gia; 4.738 hộ nghèo chuẩn tỉnh và 6.657 hộ cận nghèo chuẩn tỉnh. Trước thực tế ấy, dù khó khăn, thách thức không nhỏ nhưng BR-VT tiếp tục ưu tiên triển khai hàng loạt chính sách với nỗ lực đưa đời sống người dân từng bước thoát cảnh nghèo khó.

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, từ năm 1993-2020, toàn tỉnh có 308.018 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo trong vòng 3 năm được hỗ trợ vay vốn với hơn 3.215 tỷ đồng; 43.015 lao động thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện chính sách được đào tạo nghề. Tỉnh cũng đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 18.255 hộ nghèo, kinh phí gần 203 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn Quỹ “Vì người nghèo”.

Chính sách hỗ trợ đúng, kịp thời

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, từ năm 2006 đến nay, BR-VT đã ban hành chuẩn nghèo riêng của tỉnh, với tiêu chí cao hơn từ 1,5 - 1,7 lần mức chuẩn nghèo quốc gia; mở rộng các chính sách và mức thụ hưởng chính sách giảm nghèo. BR-VT hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh và hỗ trợ thẻ BHYT cho hộ thoát nghèo trong vòng 5 năm; hỗ trợ 100% học phí và cơ sở vật chất cho HS con hộ nghèo chuẩn tỉnh; miễn giảm học phí cho HS con hộ nghèo sau khi thoát nghèo trong vòng 2 năm; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,2 lần mức chuẩn do Chính phủ quy định…

Cùng với việc ban hành nhiều chính sách đặc thù riêng, một trong những giải pháp được BR-VT xác định là thúc đẩy ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân, điển hình phải kể đến hoạt động hỗ trợ vốn vay; đào tạo nghề; giới thiệu việc làm… 

Trong những năm gần đây, một số chính sách như hỗ trợ tiền điện, trợ cấp tết, trợ cấp khó khăn... cũng đã góp phần giúp hàng ngàn hộ nghèo vơi bớt khó khăn. BR-VT còn triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng không có khả năng thoát nghèo và gia đình mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BR-VT còn lồng ghép các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hiệu quả như đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Cụ thể, từ năm 2006-2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 206 ngàn lao động. Các chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế; khai hoang phát triển sản xuất, chăn nuôi; quy hoạch sắp xếp dân cư... cũng được tỉnh quan tâm bố trí kinh phí thực hiện.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.