NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ HÀNH TRÌNH 30 NĂM KHÔNG MỎI

Kỳ 1: Vươn lên từ gian khó

Thứ Tư, 01/12/2021, 23:26 [GMT+7]
In bài này
.

Vượt qua những gian khó từ những ngày đầu thành lập tỉnh, ngành GD-ĐT đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong cuộc hành trình “30 năm ấy chân không mỏi” để vươn ra “biển lớn”. Trong đó, 20 năm đầu được coi là giai đoạn gầy dựng, củng cố nền móng cho những giai đoạn tiếp theo.

Năm 1991, tỉnh BR-VT được thành lập từ 3 huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai và Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Tỉnh BR-VT khi đó gồm TX. Vũng Tàu (tỉnh lỵ) và 4 huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc và Côn Đảo. Năm học 1991-1992, toàn tỉnh chỉ có 216 cơ sở giáo dục từ MN tới THPT với 122,5 ngàn HS và đội ngũ GV chưa đầy 6.000 người.

Những năm đầu khi tỉnh mới thành lập, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều rất khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trong ảnh: Cơ sở cũ của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại đường Trần Hưng Đạo (TP. Vũng Tàu).
Những năm đầu khi tỉnh mới thành lập, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều rất khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trong ảnh: Cơ sở cũ của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại đường Trần Hưng Đạo (TP. Vũng Tàu).

“Vạn sự khởi đầu nan”

Ông Lê Huy Luyện, vị Giám đốc Sở GD-ĐT đầu tiên của tỉnh BR-VT kể: “Thời điểm tỉnh mới thành lập, cơ sở vật chất trường lớp tại địa phương hầu hết đều xập xệ, nghèo nàn. Ở nhiều huyện, trường lớp chưa được xây dựng kiên cố. Có nơi chỉ là điểm trường tạm bợ, lợp mái tranh, chỏng chơ mấy bộ bàn ghế  đủ cho vài lớp học. Trong đào tạo nghề, tỉnh chỉ có duy nhất Trường Sư phạm Phước Tuy đào tạo GV, không có bất cứ trường đào tạo nghề nào để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, đội ngũ GV vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ và chưa chuẩn về trình độ đào tạo nên chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế”.

Ngay tại TX. Vũng Tàu khi ấy, khu vực được coi là phát triển nhất lúc bấy giờ, cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ cũng còn thiếu thốn. Trường Lê Quý Đôn, ngôi trường chuyên của tỉnh ra đời sau khi thành lập tỉnh cũng rất tạm bợ. “Cơ ngơi của một trường THPT chuyên cấp tỉnh chỉ là dãy mấy phòng học cũ, vốn là cơ sở 2 của Trường cấp II Vũng Tàu để lại, tọa lạc tại số 4, Nguyễn Du (TP. Vũng Tàu). Không thư viện, không phòng thí nghiệm, không phòng thực hành, không sân chơi, bãi tập, nơi làm việc, họp hành của tập thể sư phạm cũng chỉ là một căn phòng rộng vài chục mét vuông”, cô Đậu Thị Lệ Trang, nguyên Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn từ năm 1991-2003 nhớ lại.

Nhất quán quan điểm “Đầu tư cho sự phát triển”

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hiện nay là một trong những công trình có quy mô cấp quốc gia.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hiện nay là một trong những công trình có quy mô cấp quốc gia.

Ông Lê Huy Luyện cho biết, từ những ngày đầu thành lập với muôn vàn gian khó, tỉnh đã chủ trương coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho sự phát triển.

Giai đoạn này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định đầu tư xứng đáng cho GD-ĐT, tập trung vào các yếu tố: cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ và xây dựng môi trường giáo dục. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tỉnh BR-VT còn là một trong những địa phương tiên phong dành ít nhất 30% tổng chi cho giáo dục để đầu tư trang thiết bị dạy học. GV được tạo điều kiện để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với đó, tỉnh cũng dành sự quan tâm lớn cho giáo dục mũi nhọn với việc thành lập, đầu tư phát triển Trường chuyên Lê Quý Đôn, khôi phục lại Trường chuyên Văn Lương (huyện Long Điền) trên nền móng cũ…

Điểm nổi bật trong giai đoạn này là việc khởi công xây dựng mới Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm 2009, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo dục mũi nhọn. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã được khởi công xây dựng mới với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, tọa lạc tại đường 3/2 (TP. Vũng Tàu).

Đây là một công trình có quy mô cấp quốc gia trong số các trường THPT chuyên của cả nước, từng đạt giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2012. Công trình được xây dựng từ ý tưởng về một không gian học tập năng động, thân thiện, gần gũi và gắn kết với thiên nhiên. Đây chính là quan điểm “Trường học trong thiên nhiên và thiên nhiên trong trường học”. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục từng bước được đầu tư xây mới, sửa sang, cải tạo, đội ngũ không ngừng được kiện toàn khiến bức tranh giáo dục bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng.

Những bước tiến vững vàng

Với sự đầu tư, quan tâm đúng hướng, nền GD-ĐT của tỉnh từng bước khởi sắc. Giai đoạn 1991-2009, chất lượng giáo dục và hiệu quả giáo dục được nâng lên một cách rõ rệt, chiều hướng phát triển bền vững.

Các ngành học, cấp học đều ổn định và tiếp tục phát triển, các loại hình trường lớp tiếp tục được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của HS toàn tỉnh. Hệ thống trường, lớp trong tỉnh đã được xây dựng, kiên cố hóa toàn bộ, đáp ứng yêu cầu trường chuẩn Quốc gia, bảo đảm trang thiết bị cho tất cả thầy cô giáo và HS thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Mỗi xã, phường đều có trường MN, TH, THCS. Các huyện, thị xã đều có ít nhất từ 3 trường THPT trở lên. Số trường, lớp mẫu giáo, nhà trẻ đều tăng, đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp cao so với mặt bằng chung của cả nước. Từ chỗ chỉ có 216 cơ sở giáo dục, đến năm 2009, toàn tỉnh đã có gần 380 cơ sở từ MN tới THPT. Tổng số HS toàn tỉnh tăng từ 122.514 HS lên 228.590 HS; tổng số cán bộ, GV, nhân viên toàn ngành tăng từ 5.976 người lên hơn 13 ngàn người.

Giai đoạn này, chất lượng công tác nuôi dạy-giáo dục ở bậc MN bảo đảm tốt. Chất lượng giáo dục văn hóa và đạo đức ở bậc phổ thông ổn định và có một số mặt tiến bộ. Công tác phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi hoàn thành năm 2003 và công tác phổ cập giáo dục THCS hoàn thành cuối năm 2004, trong khi chỉ tiêu của cả nước là năm 2010.

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông triển khai tích cực, đạt được yêu cầu cơ bản. Không chỉ vậy, toàn ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của các hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục. Các điều kiện để phát triển GĐ-ĐT tiếp tục được tăng cường. Cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị, đồ dùng dạy học tiếp tục được đầu tư, đời sống của cán bộ, GV được quan tâm và cải thiện. Công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ có nhiều chuyển biến tốt.

Việc thực hiện nhất quán quan điểm, giải pháp đồng bộ để đầu tư cho giáo dục đã tác động mạnh mẽ đến nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2008-2009, tỷ lệ HS khá giỏi tăng và tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ dưới 71% tăng lên 84,57%, tỷ lệ HS vào ĐH xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước. Trong các năm học từ 2004 đến 2009 toàn ngành đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của tỉnh và của Bộ GD-ĐT; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì.

Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “2 không” với 4 nội dung “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và không cho HS ngồi nhầm lớp”; phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Bộ GD-ĐT phát động đã đem lại nhiều kết quả khả quan.

Năm học 2008-2009, ngành giáo dục tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến mới như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu), những thành tích nổi trội để vươn lên vị trí Lá cờ đầu của Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Châu Đức), Trường THCS Phước Nguyên (TP. Bà Rịa), hay quyết tâm giữ vững và khẳng định bề dày thành tích, vị trí dẫn đầu của Trường THPT Vũng Tàu, Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu)…

(Còn nữa)

HOÀNG DƯƠNG

;
.