Ăn nhiều rau vẫn bị táo bón, phải làm sao?

Thứ Sáu, 03/05/2024, 15:31 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi 43 tuổi, thường xuyên bị táo bón dù bữa ăn hàng ngày của tôi có nhiều rau, củ. Công việc của tôi cũng phải vận động thường xuyên chứ không ngồi một chỗ. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và tôi phải làm gì để chấm dứt tình trạng này.

(quantrung@...)

Trả lời: Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng khó đi cầu do phân khô, cứng. Ở người lớn, nếu từ ngày thứ 3 trở lên mà không đi được dù có hiện tượng muốn đi thì được coi là táo bón.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón gồm: Táo bón có nhu động bình thường, nghĩa là ruột già vẫn co thắt để đẩy phân ra ngoài nhưng cơ thắt và cơ vòng hậu môn không đáp ứng. Loại táo bón này rất khó phát hiện.

Dạng thứ 2 là do nhu động ruột hoạt động kém với các triệu chứng chướng bụng, ít hoặc không muốn đi cầu.

Dạng thứ 3 là táo bón do rối loạn chức năng sàn chậu: Các khối cơ, dây chằng bị thoái hóa, dẫn đến không thể giữ cho các cơ quan ở vùng sàn chậu nằm đúng vị trí của chúng. Hậu môn, trực tràng cũng nằm trong số đó. Đặc trưng của loại táo bón này là rặn nhiều nhưng ra không hết phân, đi xong vẫn có cảm giác còn phân trong ruột.

Dạng thứ 4 do chế độ ăn uống, sinh hoạt, cụ thể là ăn ít chất xơ, dư thừa chất béo động vật, ăn nhiều đường, nghiện cà phê, trà, rượu, uống không đủ nước, lười vận động, thường xuyên nhịn đi cầu vì nhiều lý do, thí dụ như vì công việc hoặc ở nhà người không thân quen.

Dạng táo bón thứ 5 có nguyên nhân từ bệnh lý như nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn. Dạng táo bón thứ 6 xảy ra với những người mắc bệnh lý toàn thân như đột quỵ, chấn thương đầu, tủy sống, bị bệnh liệt rung, bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nội tiết (chuyển hóa tăng canxi máu, hạ kali máu, tiểu đường); bệnh tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), bệnh mô liên kết (xơ cứng bì, lupus ban đỏ), nhiễm độc chì, bệnh lao ruột.

Bên cạnh đó, sử dụng thường xuyên một số loại thuốc cũng gây táo bón, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng axit, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm, thuốc chống co giật…

Vì thế, ông nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Tại đó, bác sĩ sẽ cho ông xét nghiệm máu và phân, chụp X quang hoặc chụp cắt lớp hệ tiêu hoá. Nếu thấy cần thiết, anh sẽ được nội soi đại tràng, đo áp lực hậu môn rồi tuỳ theo kết quả, bác sĩ sẽ điều trị cho ông bằng thuốc hoặc cũng có thể phải phẩu thuật.

Nhằm ngăn người tình trạng táo bón, nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả các loại nước ép trái cây, tăng cường chất xơ trong chế độ ăn, hạn chế loại quả có vị chát, hạn chế thức ăn, nước uống quá ngọt, không uống rượu, bia, không cố nhịn đi cầu.

Tập thói quen đi cầu vào một giờ nhất định trong ngày nhằm tránh các biến chứng của táo bón như trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng…

Bs TRẦN VĂN PHƯƠNG

;
.