Từ câu chuyện học lịch sử!

Thứ Sáu, 03/05/2024, 15:38 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày ấy, trên chuyến xe đường dài về quê nội xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, tôi thân mật hỏi Cún con (tên thật là Trần Nguyên Chương), khi ấy con tròn 8 tuổi: "Ở Việt Nam con yêu thích ai nhất?". Và con trả lời ngay là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lý do con yêu thích nhân vật lịch sử này không chỉ vì tài năng quân sự "đánh đâu thắng đó" mà trong con mắt trẻ thơ đó còn là "vị đại tướng hiền hậu như ông tiên, ông bụt trong chuyện cổ tích, mà khi đánh giặc thì ông là siêu nhân". 

Dù chỉ mới 8 tuổi nhưng bé Cún đã hiểu khá tường tận về vị đại tướng, cũng như diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi thật sự thán phục, không chỉ về trí nhớ của con mà cả tư duy học sử, không phải học thuộc lòng như kiểu học vẹt mà là học để hiểu sâu, biết chắc, kiến thức vững vàng.

Ba cháu là một doanh nhân cho biết: "Cún con không học thuộc lòng, thay vào đó là học để hiểu, để liên hệ thực tiễn. Mẹ bé thường dẫn bé tới các đình làng, miếu mạo, các di tích lịch sử, đi đến những con đường đặt tên các danh nhân lịch sử, để cháu tự liên hệ, tại sao lại đặt tên đường như thế, các danh nhân lịch sử này có vai trò gì trong từng thời đại lịch sử của Việt Nam và trong sự phát triển của nước nhà ngày nay? Học cách này, kiến thức về sử, về địa lý, về văn học…  rất chắc, nhớ lâu, vận dụng tốt"

Ngày 1/2/1942,  Bác Hồ viết bài “Nên học sử ta” đăng báo Việt Nam Độc lập như là một lời chỉ dạy sâu sắc: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho mọi người, mọi nhà, các nhà trường, các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học lịch sử của thế hệ trẻ, vận dụng kiến thức lịch sử vào đời sống đương đại.

Tháng 5/2024

PHẠM  QUỐC TOÀN

;
.