Đánh giá cán bộ phải trung thực, khách quan

Thứ Ba, 22/12/2020, 17:40 [GMT+7]
In bài này
.

Trước thềm Đại hội Đảng XIII, ngày 22/12, tại TP. Vũng Tàu, Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức hội thảo “Công tác đánh giá cán bộ - Lý luận và thực tiễn”. 

Các ông: Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: TRẦN TRÀ
Các ông: Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: TRẦN TRÀ

Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có các ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Tham dự hội thảo còn có ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu và đại diện lãnh đạo 22 tỉnh, thành ủy phía Nam.

THIẾU SÓT DO CHỦ QUAN

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, thực tế có những trường hợp cán bộ (CB) hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức, vi phạm khuyết điểm nhưng vẫn vượt qua các quy trình đánh giá để vào được cấp ủy hoặc được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong công tác đánh giá CB, dẫn đến những quyết định sai trong công tác CB, nảy sinh hiện tượng “đúng quy trình song không đúng người”.

PGS.TS Nguyễn Chí Hiếu, Vụ trưởng, Trưởng Ban xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản cho rằng, chủ thể đánh giá không tuân thủ nguyên tắc khách quan trong đánh giá CB mà chỉ qua lăng kính chủ quan của người có thẩm quyền đánh giá sẽ dẫn tới sai sót, thậm chí hệ lụy khôn lường. Thực tế cho thấy, một trong những đặc trưng tâm lý của người Việt đang ảnh hưởng xấu đến cách đánh giá CB là thái độ cả nể, “dĩ hòa vi quý”. Đồng thời, CB trong cơ quan thường thuận theo ý kiến của thủ trưởng, người đứng đầu, e ngại phát biểu chính kiến, nhất là về đánh giá người khác. 

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nêu thực tế: “Nhiều nơi đánh giá CB còn mang tính hình thức, nể nang. Đơn cử như việc đánh giá đảng viên sinh hoạt nơi cư trú, phần lớn là nhận xét chung chung, đánh dấu vào các ô nhận xét được soạn sẵn. Đa số nhận xét đều rất tốt. Tôi chưa thấy trường hợp nào đánh giá đảng viên không gương mẫu”, ông  Phúc dẫn chứng.

PHẢI LƯỢNG HÓA TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ

 Phát biểu tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và đề xuất giải pháp trong công tác đánh giá CB. 

PGS.TS Vũ Văn Phúc đề nghị phải có cơ chế ràng buộc chủ thể đánh giá CB để việc đánh giá bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác vì cái chung. Đồng thời, phải có chế tài xử lý nghiêm những chủ thể đánh giá CB sai. “Đánh giá CB cần phải dựa trên bộ tiêu chí cụ thể, ngay cả đánh giá về mặt phẩm chất chính trị CB. Bộ tiêu chí này phải thống nhất, bảo đảm khách quan, khoa học phù hợp với từng đối tượng CB”, ông Phúc nói.

Đồng quan điểm, ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề xuất phải lượng hóa các tiêu chí đánh giá. Dựa trên những quy định hiện hành và tình hình thực tiễn cần bổ sung bộ tiêu chí đánh giá CB theo hướng sát với từng chức danh, vị trí việc làm và phù hợp với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của CB. Ngoài ra, cần bổ sung những yếu tố định lượng về công việc, hoàn thành công việc, tỷ lệ xử lý thỏa đáng các tình huống và những sáng tạo trong giải quyết công việc. Nội dung, tiêu chí đánh giá cần phải được thống nhất, cụ thể lượng hóa bằng thang điểm. 

Thạc sĩ Tạ Thị Yên, Vụ trưởng Vụ công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm CB. Bà Yên cho rằng, những CB có tín nhiệm thấp, tùy theo mức độ sẽ xem xét không quy hoạch chức vụ cao hơn hoặc buộc từ chức, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Bà Yên đề nghị cần đẩy mạnh áp dụng biện pháp này. Ngoài ra, một số địa phương kết hợp với việc khảo sát ý kiến đánh giá CB, công chức bằng phiếu, cũng là kênh hữu ích để việc đánh giá CB được sâu sát hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Tấn Thủ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ chia sẻ, đơn vị đã chủ trì phối hợp Sở Nội vụ thành phố khảo sát, đánh giá về phẩm chất, năng lực, uy tín và mức độ tín nhiệm của nhân sự dự kiến đưa ra thực hiện quy trình ở một số cơ quan. Qua đó, Ban tổ chức Thành ủy Cần Thơ đã tổng hợp, đánh giá, báo cáo Thường trực Thành ủy thống nhất chủ trương bố trí CB phù hợp. 

Phát biểu giải thích thêm, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, hệ thống quy định, văn bản pháp lý hướng dẫn đánh giá CB hiện nay khá đầy đủ. Vấn đề còn lại là làm sao phát huy trách nhiệm chủ thể trong công tác đánh giá CB, bảo đảm công bằng, khách quan, sâu sát hơn. Trong đó, phải cụ thể hóa những chỉ đạo của Trung ương về công tác đánh giá CB bằng các tiêu chí phù hợp với từng địa phương, đơn vị bộ, ngành. 

MINH THIÊN

;
.