Du lịch Côn Đảo: Thách thức từ tăng trưởng

Thứ Bảy, 29/12/2018, 09:51 [GMT+7]
In bài này
.

Lượng khách đến Côn Đảo ngày càng tăng, trong đó phần lớn là khách bình dân. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ quy mô nhỏ lẻ ra đời. Đây là nguy cơ khiến du lịch Côn Đảo mất dần những lợi thế đón khách quốc tế, khách có khả năng chi trả cao. 

Một công trình khách sạn đang được xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, Côn Đảo.
Một công trình khách sạn đang được xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng, Côn Đảo.

CƠ SỞ LƯU TRÚ BÌNH DÂN TĂNG MẠNH

Đến Côn Đảo những ngày này, đi đâu cũng thấy ngổn ngang công trình xây dựng. Các tuyến đường trung tâm thị trấn Côn Sơn như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Phạm Văn Đồng, Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh… đi một đoạn lại gặp một công trình nhà ở kết hợp khách sạn đang xây dựng. Thị trấn Côn Sơn như một đại công trường. “Tôi yêu Côn Đảo vì nét bình yên, hoang sơ của thiên nhiên và vẻ trầm mặc, cổ kính trên những con đường rợp bóng bàng cổ thụ nên gần như năm nào tôi cũng đến Côn Đảo du lịch, nghỉ dưỡng. Vậy mà, chuyến du lịch này Côn Đảo khác quá. Nhà cửa đang thi công xây dựng nhiều khiến đâu đâu cũng bụi bặm, nhếch nhác”, bà Vũ Thị Hồng Vân, du khách đến từ Hà Nội, nghỉ dưỡng tại Côn Đảo những ngày cuối năm than phiền.    

Một chủ thầu xây dựng trên đảo cho biết, các công trình xây dựng kết hợp nhà ở và khách sạn tại Côn Đảo tăng nhanh từ cuối năm 2017 khi tàu Superdong tuyến Sóc Trăng - Côn Đảo đi vào hoạt động. Thống kê của huyện Côn Đảo cho thấy, từ cuối năm 2016 đến nay, lượng cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) tăng 84%. Toàn huyện hiện có 68 cơ sở, với 1.183 phòng, sức chứa khoảng 3.040 người/đêm, chưa kể hàng chục cơ sở đang được xây dựng. Các CSLTDL do hộ cá thể đầu tư giúp gia tăng đáng kể lượng phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú khi khách du lịch tăng cao trong mùa hè, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ tăng trưởng, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương. 

Tuy nhiên, lượng CSLTDL tăng nhanh nhưng chủ yếu là cơ sở bình dân dẫn đến nhiều hệ lụy. Toàn huyện chỉ có 26/68 CSLT được công nhận từ đạt chuẩn trở lên. Số còn lại chủ yếu là khách sạn, nhà nghỉ của hộ gia đình, quy mô nhỏ, từ 10 đến 20 phòng. “Lượng CSLT nhỏ và vừa nhiều, lại chưa chú trọng tái đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Đội ngũ quản lý, điều hành và lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghiệp vụ, chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ theo quy định. Tình trạng quảng cáo, treo biển hiệu không đúng với chất lượng dịch vụ; mất cân đối cung - cầu phòng, nhất là vào mùa thấp điểm khách ít, lượng phòng dư thừa nhiều dẫn đến tình trạng cạnh tranh giảm giá phòng để thu hút khách”, ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng Ban Quản lý KDL Quốc gia Côn Đảo cho hay. 

KHÁCH QUỐC TẾ CHỮNG LẠI 

Năm 2018, huyện Côn Đảo đón 286.171 lượt khách, tăng 17,31% so với năm 2017. Trong khi lượng khách nội địa tăng mạnh thì lượng khách quốc tế chỉ tăng 2,63% so với năm 2017 (32.016 lượt). Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển KDL Quốc gia Côn Đảo đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2020, Côn Đảo đón trên 180 ngàn lượt khách và năm 2030 là 300 ngàn lượt, trong đó khách quốc tế chiếm 40%. Như vậy đến thời điểm này, lượng khách đã vượt mức quy hoạch được phê duyệt, nhưng chủ yếu là khách nội địa, còn chỉ tiêu khách quốc tế quá thấp so với quy hoạch. 

Nhiều DN du lịch nhận định, với thực trạng bình dân hóa dịch vụ du lịch Côn Đảo và khan hiếm vé máy bay như hiện nay, Côn Đảo sẽ khó tăng trưởng khách quốc tế. Thời điểm này đang cao điểm mùa trú Đông của khách châu Âu, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, song Côn Đảo thưa vắng hẳn nhóm khách này. Đại diện Six Senses Côn Đảo Resort chia sẻ: Trước năm 2017, từ đầu tháng 12, hơn 95%/50 villa của Six Senses Côn Đảo Resort phục vụ du khách nước ngoài nghỉ dưỡng với thời gian từ 5-20 ngày. Thế nhưng, năm nay, công suất phòng nửa đầu tháng 12 chỉ đạt hơn 60%. “Chúng tôi chỉ hết phòng trong khoảng 10 ngày, còn lại công suất chỉ đạt từ 60-70% đến Tết Nguyên đán. Dòng khách Nga, Mỹ cũng giảm hẳn”, đại diện Six Senses Côn Đảo Resort cho biết. 

Du khách làm thủ tục nhận phòng tại Côn Đảo Resort. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Du khách làm thủ tục nhận phòng tại Côn Đảo Resort. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bà Phan Thị Ngọc Hà, Tổ trưởng tổ lễ tân khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo cũng cho biết, mọi năm, đến giữa tháng 12, khách quốc tế lưu trú thường đạt khoảng 15%/tổng số 117 phòng của khách sạn. Họ đón Giáng sinh và năm mới tại đây. Vậy mà năm nay đến thời điểm này, chỉ thấy lèo tèo vài khách châu Âu. Các DN du lịch nhận định, ngoài đặt vé máy bay đến Côn Đảo khó, công tác quảng bá Côn Đảo ra nước ngoài còn hạn chế thì việc bùng nổ khách bình dân là nguyên nhân chính khiến khách nước ngoài ngại đến Côn Đảo. 

Khách nội địa nhiều kéo theo hàng quán phục vụ ăn uống, hát hò về đêm mọc lên. Các tuyến đường như: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Huệ hình thành phố ăn đêm, phá vỡ sự bình yên vốn được coi là “đặc sản” của Côn Đảo. Chưa kể, môi trường sinh thái tiềm ẩn nguy cơ bị hủy hoại, thiếu nước, điện khi lượng khách tăng mạnh. “Côn Đảo được ví như một viên ngọc thô. Chính nét thô mộc ấy mới hấp dẫn khách quốc tế, khách có mức chi tiêu cao, biết trân trọng giá trị thiên nhiên và lịch sử của Côn Đảo. Cần hạn chế xây dựng những dãy nhà gạch khô cứng mà nên kêu gọi đầu tư resort, KDL dựa vào thiên nhiên, lấy hệ sinh thái làm nền với chất lượng dịch vụ, phục vụ cao cấp, kích thích du khách ao ước trong cuộc đời phải ít nhất một lần đến Côn Đảo”, ông Võ Thanh Mỹ, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Vũng Tàu nói.    

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, lãnh đạo huyện đã thấy những bất cập từ tăng trưởng nóng CSLT và lượng khách bình dân thời gian qua. Quan điểm của huyện là không hạn chế khách ra đảo nhưng ưu tiên dòng khách biết trân trọng môi trường và giá trị lịch sử của Côn Đảo. UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập đồ án quy hoạch kiến trúc trên địa bàn nhằm tạo đồng bộ về mặt mỹ quan đô thị. “UBND huyện Côn Đảo mong muốn Sở Xây dựng sớm trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch kiến trúc để huyện triển khai đồng bộ đến người dân, hạn chế tình trạng xây dựng khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ tràn lan hiện nay”, ông Nguyễn Văn Dũng nói. 

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH - ĐĂNG KHOA

;
.