Tết Nguyên tiêu ở châu Á có gì đặc biệt?

Thứ Sáu, 16/02/2024, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Sau Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu được coi là ngày quan trọng nhất trong năm ở một số nước châu Á. Người dân quan niệm, đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng bằng cả năm đi lễ cầu khắp chốn.

Thả đèn trời cầu mong một năm may mắn, hạnh phúc và bình an trong Tết Nguyên tiêu.
Thả đèn trời cầu mong một năm may mắn, hạnh phúc và bình an trong Tết Nguyên tiêu.

Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới (nguyên là thứ nhất, tiêu là đêm). Nguyên tiêu là đêm rằm đầu tiên của một năm (ngày Rằm tháng Giêng). Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên bởi vì còn có Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười).

Phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc, người ta còn tiến hành nghi thức rước đèn lồng rất đẹp mắt và long trọng. Chính vì thế, Tết Nguyên tiêu còn gọi là lễ hội lồng đèn. Ngày nay các thành phố có người Hoa sinh sống đều có tổ chức Tết Nguyên tiêu một cách long trọng, nhất là tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam - nơi đó có Hội quán Phước Kiến (còn gọi là chùa Phúc Kiến) và khu Chợ Lớn, quận 5, TP.Hồ Chí Minh - nơi có đông đảo người Việt gốc Hoa sinh sống.

Ngày nay lễ hội Rằm tháng Giêng tại Việt Nam được khôi phục với đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam. Bên cạnh đó, người Việt theo Phật giáo hay thờ cúng ông bà cũng đi lễ Phật vào Rằm tháng Giêng và trở thành một tập tục chung cho đông đảo quần chúng. Nên có câu thành ngữ: “Lễ Phật quanh năm, không bằng Rằm tháng Giêng”.

Đúng ra, Rằm tháng Giêng theo Phật giáo là ngày vía Đức Phật A Di Đà. Đa số các chùa đều thờ Phật Thích ca, đấng giáo chủ sanh tại Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm. Chỉ những chùa nào theo Tịnh độ tông thì mới thờ Phật A Di Đà. Pháp môn niệm Phật A Di Đà, là 1 trong 84.000 pháp môn của đạo Phật, pháp tu đơn giản nhất và nhanh chóng để về cõi Tây phương. Cho nên “lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” là ý nghĩa về cầu sanh tịnh độ.

Không chỉ ở Việt Nam, Tết Nguyên tiêu được coi là một ngày lễ lớn trong năm ở Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Tại các nước này, Tết Nguyên tiêu còn gọi là Lễ hội đèn hoa hoặc Hội hoa đăng. Vào ngày này, đường phố trang trí đèn lồng tròn màu đỏ, tuy nhiên ngày nay có nhiều loại đèn lồng với kích thước và hình dạng khác nhau, thể hiện sự phong phú, đa dạng.

Ở Hồng Kông và Đài Loan xuất hiện những chiếc đèn lồng khổng lồ, mang hình dáng linh vật tượng trưng của năm. Ví dụ, năm Thìn sẽ có đèn lồng hình con rồng, năm Thân sẽ là những chiếc đèn lồng khổng lồ mang hình con khỉ…. Vào buổi tối, một số thành phố của các nước này còn tổ chức thả đèn hoa đăng hoặc đèn trời với mong muốn một năm may mắn, hạnh phúc và bình an.

Đặc biệt, ở Trung Quốc vào ngày này không thể thiếu tiếng trống, tiếng nhạc cùng với những màn múa lượn đẹp mắt, điêu luyện của những chú rồng, sư tử… Mỗi vùng miền sẽ có kỹ thuật múa khác nhau. Miền Nam chú trọng những động tác múa biến đổi linh hoạt và chỉ cần 2 người biểu diễn, trong khi đó miền Bắc lại khá coi trọng khí thế nên để một đội rồng biểu diễn thường có từ 10 người trở lên. Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa khác như bắn pháo hoa, thi đoán câu đố trên đèn lồng… cũng được tổ chức để người dân có thể tham gia vui chơi trong ngày Tết đặc biệt này.

Đối với người dân Đài Loan, sau Tết Nguyên đán thì Tết Nguyên tiêu cũng là ngày tết quan trọng. Khắp nơi ở Đài Loan đều có những hoạt động rầm rộ chúc mừng bình an mạnh khỏe, mọi người bận rộn ngắm hoa đăng, chơi câu đối, ăn Tết. Đài Loan ăn Tết Nguyên tiêu là sự sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và khoa học kỹ thuật, nổi bật là nghệ thuật làm đèn lồng truyền thống và đèn lồng hiện đại, kết hợp giữa mới và cũ. Thêm vào đó là những buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc sôi động, hàng năm đều thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến tham quan.

Người Hoa ở Chợ Lớn, TP.Hồ Chí Minh mừng Tết Nguyên tiêu.
Người Hoa ở Chợ Lớn, TP.Hồ Chí Minh mừng Tết Nguyên tiêu.

Hàn Quốc gọi Tết Nguyên tiêu là ngày Rằm cả. Vào ngày này người dân phấn khởi hòa mình vào không khí vui nhộn của lễ hội lửa Jeongwol. Mỗi người dân xứ Hàn đều tràn ngập hạnh phúc và hy vọng trong ngày lễ này bởi ngọn lửa thổi bùng sức sống mãnh liệt, gạt bỏ mọi vận xui của năm cũ để tiếp sức, truyền lửa cho mọi người một năm mới thịnh vượng hơn.

Một số quốc gia như Thái Lan, ngày Tết Nguyên tiêu là lễ hội cúng dường đức Phật, đức Pháp và đức Tăng qua hình thức tụng Tam Tạng kinh điển Phật từ 7 đến 10 ngày.

Ở Ấn Độ, quanh khu vực thánh địa nơi đức Phật thành đạo dưới gốc bồ đề, các chùa và tăng ni, tín đồ đến từ nhiều quốc gia mà đạo Phật là quốc giáo như Tây Tạng, Myanmar, Lào... tổ chức những pháp hội tụng Tam Tạng Pàli cúng dường đức Phật.

Trong ngày Tết Nguyên tiêu, cũng như ở Việt Nam, người dân Trung Quốc, Đài Loan… chuẩn bị hai mâm cỗ cúng để cúng Phật, thần linh và một mâm để cúng gia tiên. Mâm cỗ chay sẽ dành để cúng Phật, trong khi cúng gia tiên là mâm cỗ mặn. Và trong mâm cỗ cúng gia tiên của người Trung Quốc trong ngày Tết Nguyên tiêu không thể thiếu bát bánh trôi.

Theo quan điểm của người Trung Quốc, bánh trôi được phát âm là “tang yuan”, gần giống với “hội ngộ” nên nó thể hiện sự đoàn viên của một gia đình trong năm mới. Ở mỗi miền, mỗi địa phương lại có món bánh trôi với các loại nhân khác nhau: nhân mặn, nhân ngọt, nhân có thêm trứng…

KHÁNH HẰNG (Tổng hợp)

;
.