.

Kết nối nguồn lực thúc đẩy phát triển khởi nghiệp

Cập nhật: 17:54, 06/04/2018 (GMT+7)

Không còn là phong trào, khởi nghiệp đã trở thành tâm điểm khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cấp chính quyềnbằng các giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi để kết nối, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo… Đây là những vấn đề được chia sẻ tại Hội nghị “Kết nối nguồn lực thúc đẩy phát triển khởi nghiệp tỉnh BR-VT” do UBND tỉnh tổ chức sáng 6-4. Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và gần 500 đại biểu là các doanh nhân trẻ, HSSV.

KHỞI NGHIỆP KHÔNG BAO GIỜ LÀ MUỘN

Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH-CN Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối nguồn lực thúc đẩy phát triển khởi nghiệp tỉnh BR-VT.
Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH-CN Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối nguồn lực thúc đẩy phát triển khởi nghiệp tỉnh BR-VT.

Cách đây hơn 2 năm, Bùi Văn Thắng quyết định rời bỏ một công ty lớn ở Biên Hòa (Đồng Nai) để thành lập Công ty TNHH TM - DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát (thôn Sông Xoài 1, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức). Tiếp đó, anh Thắng thế chấp tài sản vay ngân hàng 20 tỷ đồng mua 7,5ha đất ở xã Láng Lớn mở nông trại Greenfarm làm du lịch trải nghiệm. Từ một vùng đất hoang sơ, xa trung tâm thị trấn, nhưng chỉ sau 1 năm, anh Bùi Văn Thắng đã biến nơi đây thành trang trại dưa lưới công nghệ cao chuẩn GlobalGAP cùng với vườn tiêu, bưởi da xanh, ao cá… Vào cuối tuần, du khách về đây nghỉ ngơi, trải nghiệm cuộc sống chốn thôn quê thanh bình. Hiện anh Thắng đang xây dựng những khu nhà nghỉ, mỗi nhà nghỉ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và bếp để những gia đình đến đây có thể tự hái rau, nuôi gà, làm vườn, sau đó tự nấu nướng và nghỉ lại tại nông trại. “Nhiều người trả giá 30 tỷ đồng để sang tay Greenfarm cho họ. Nếu bán, tôi đã có lãi 10 tỷ đồng. Nhưng tôi sinh ra Greenfarm và tôi muốn nó sẽ lớn lên cùng với giấc mơ du lịch trải nghiệm của tôi”, anh Thắng nói.

Cách đây hơn 1 năm, anh Bùi Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm hái dưa lưới tại nông trại Greenfarm của Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát.
Cách đây hơn 1 năm, anh Bùi Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm hái dưa lưới tại nông trại Greenfarm của Công ty TNHH TM-DV Xuất nhập khẩu Bùi Nguyễn Gia Phát.

Có mặt tại hội nghị, bà Lê Thị Nga (55 tuổi) người đã từng thất bại và thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh từ cây cảnh, xây dựng, kiến trúc… chi sẻ, từng nổi tiếng khi làm Giám đốc Công ty TNHH Thượng Uyển, là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh BR-VT, nhưng bà vẫn luôn ấp ủ khát vọng khởi nghiệp với một lĩnh vực mới mẻ. Dự án “Làng hạnh phúc - Joyfol Village” ở xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) được bà khởi xướng và cùng với 4 bạn trẻ là các kiến trúc sư, kỹ sư tại BR-VT xây dựng thực hiện được đánh giá là một dự án mới lạ tại Cuộc khi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017”. Bà Lê Thị Nga cho biết, hiện có nhiều gia đình do những hoàn cảnh khác nhau mà con cái không thể chăm sóc được cha mẹ khi về già. Hoặc cha mẹ, cũng do nhiều lý do, không muốn ở chung cùng con cái. “Làng hạnh phúc” là một dự án được xây dựng trong khuôn viên khoảng 8.000m2 trong đó có đầy đủ các dịch vụ như một ngôi làng thu nhỏ với kiến trúc làng quê, vườn tược, chăn nuôi, các khu thể dục dưỡng sinh… và các dịch vụ y tế chăm sóc người già. Làng hạnh phúc khác hoàn toàn với mô hình trại dưỡng lão hiện nay, bởi khách hàng có thể thuê hoặc mua các căn nhà trong “Làng hạnh phúc” để sinh sống chan hòa theo quy định của chủ dự án. Bà Nga nói: “Hiện chúng tôi đang tiến hành san lấp mặt bằng và dự kiến sẽ khởi công dự án trong năm 2018. Đồng thời, chúng tôi cũng đang phải tiến hành đào tạo một đội ngũ khoảng 100 nhân viên về kinh nghiệm chăm sóc người già để khi dự án đi vào hoạt động có thể phục vụ tốt cho khoảng 200-300 người già sinh sống tại đây”.

Theo ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH-CN Việt Nam (SVF), khởi nghiệp không bao giờ là quá muộn, thành công không phụ thuộc vào tuổi tác. Những ví dụ trên cho thấy, chỉ cần có sự kiên trì, tận tụy, cống hiến và khát vọng đi kèm với sự chăm chỉ, thì dù ở độ tuổi nào, bạn cũng có thể thành công.

KẾT NỐI CÁC NGUỒN LỰC

Bà Lê Thị Nga (bìa trái) với dự án “Làng hạnh phúc” tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2017”.  
Bà Lê Thị Nga (bìa trái) với dự án “Làng hạnh phúc” tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT năm 2017”.  

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 DN hoạt động. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, số DN tăng 1,5-2 lần so với hiện tại, trong đó có nhiều DN mạnh thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh như: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Để đạt được mục tiêu đó, BR-VT sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm kết nối các nguồn lực từ Nhà nước, từ các trường đại học, cao đẳng và tổ chức giáo dục; nguồn lực từ các quỹ, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các DN... để giúp các DN khởi nghiệp thành công.

Theo anh Trần Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Marisol (926/18, đường 30-4, TP.Vũng Tàu), là một trong số 203 DN thành lập mới trong năm 2017, công ty của anh chuyên sản xuất bóng đèn led tiết kiệm điện cho các tàu cá. Dự án này được hình thành sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm. Năm 2017, dự án “Đèn led cho tàu cá” đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm và đạt giải Nhì tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT”. Từ việc sản xuất 500 bóng đèn led thử nghiệm, nay công ty của anh đã sản xuất được 2.000 bóng đèn, bán ra thị trường các tỉnh Tiền Giang, Khánh Hòa và BR-VT. Anh Sơn nói: “Mục tiêu của công ty chúng tôi là hướng đến thị trường ngoài Việt Nam. Nhưng khi mục tiêu lớn hơn thì đòi hỏi chúng tôi phải có kỹ năng quản trị tài chính tốt hơn. Quỹ SVF đã giúp chúng tôi có một bản kế hoạch tài chính hoàn hảo, tiếp thêm động lực để chúng tôi khởi nghiệp thành công”.

Tại hội nghị, ông Phạm Duy Hiếu thông tin, UBND tỉnh BR-VT và Quỹ SVF đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm kết nối nguồn lực thúc đẩy phát triển khởi nghiệp. Theo đó, Quỹ SVF sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo khởi nghiệp, kết nối các DN trên địa bàn tỉnh với các nhà đầu tư, kết nối các DN khởi nghiệp với các chương trình hỗ trợ tài chính khởi nghiệp... 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Theo kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển ít nhất 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển ít nhất 50 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Quỹ phát triển KH-CN, Quỹ Đầu tư và phát triển của tỉnh là những kênh tài chính hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến DN để hỗ trợ và thúc đẩy DN khởi nghiệp, sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí thấp nhất. Bên cạnh đó, hiện nay, Sở KH-CN cũng đang xây dựng Đề án “Vườn ươm DN”, thiết lập mạng lưới liên kết, mạng lưới cố vấn và tư vấn khởi nghiệp… để giúp DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công.

 

.
.
.