.

Hàng trăm container hàng hóa tồn đọng tại cảng

Cập nhật: 18:07, 22/05/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, tại các cảng biển trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng nhiều container hàng nhập khẩu bị “bỏ quên”. Việc nhiều container tồn đọng tại cảng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường 

TỒN ĐỌNG 220 CONTAINER

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép kiểm tra các container tồn đọng tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCIT).
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép kiểm tra các container tồn đọng tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCIT).

Mấy ngày nay, dư luận rất quan tâm đến vụ 118 container chứa 254 ô tô BMW mới 100% nhập khẩu về Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã lâu nhưng chủ hàng chưa đến nhận. Ông Bùi Sỹ Đức, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh BR-VT cho biết, số ô tô trên được nhập về cảng CMIT từ tháng 4-2017. Toàn bộ 118 container chứa ô tô hiện vẫn còn niêm phong, chưa mở kẹp chì. Chủ lô hàng trên là Công ty Europe Automobiles Coporation BMW (Tập đoàn BMW).Theo vận đơn, lô hàng này sẽ được dỡ tại cảng CMIT, sau đó vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, DN nhập khẩu không đến làm thủ tục nhập khẩu lô hàng này. Phía Công ty Europe Automobiles Coporation BMW cho hay, lô hàng này giao chậm, không theo thỏa thuận nên đơn vị này từ chối nhận hàng.

Trước thực trạng nêu trên, ngày 12-5 vừa qua, Cục Hải quan tỉnh đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tái xuất lô hàng khỏi Việt Nam, chuyển trả về nơi xuất khẩu. Phía Tập đoàn BMW cũng đã có văn bản chính thức gửi Cục Hải Quan tỉnh và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép đề nghị được làm thủ tục tái xuất 118 container chứa 254 xe BMW này về Đức theo quy định. Theo quy định, thì toàn bộ chi phí như: lưu kho, bốc xếp phía Tập đoàn BMW sẽ chịu trách nhiệm thanh toán với DN cảng. 

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép kiểm tra các container tồn đọng tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCIT).
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép kiểm tra các container tồn đọng tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCIT).

Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh, tính đến tháng 5-2018, tại các cảng ở khu vực Cái Mép-Thị Vải có 220 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan theo quy định. Ngoài 118 container chứa xe BMW nêu trên, tại các cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCIT), CMIT…hiện còn tồn đọng 102 container chứa gạch men, nhôm, máy móc cũ, nhựa phế liệu, hàng điện tử đã qua sử dụng, lưới đánh cá đã qua sử dụng, cáp điện, bánh kẹo, trái cây, cánh gà, lòng bò, cá đông lạnh... Trong đó, một số container đã tồn đọng từ năm 2012 đến nay. Việc xử lý các container tồn phải theo Thông tư 203/2014/TT-BTC với rất nhiều các thủ tục, từ thông báo tìm chủ hàng để xác định chính xác là hàng vô chủ; thành lập hội đồng xử lý; đến phân loại, kiểm đếm, bán đấu giá...Với quy trình như thế, bình quân phải mất rất nhiều thời gian mới xử lý được một container.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước phải chi trả tất cả các khoản gồm:  đăng thông tin tìm chủ hàng (trước đây), tiền thuê tổ chức giám định, thẩm định giá trị hàng, thuê đơn vị thực hiện tiêu hủy đối với hàng độc hại, hết giá trị; bồi dưỡng cho các thành viên hội đồng (tối đa 100.000 đồng/người/ngày); trả phí lưu kho, lưu bãi cho đơn vị kinh doanh cảng... Ngân sách sau đó sẽ được bù đắp bằng tiền thu lại từ việc bán hàng trong các container tồn đọng (trong trường hợp hàng còn bán được). Tuy nhiên, thông thường tiền thu về ít hơn cả số đã chi. Trong khi đó, Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính giao Cục hải quan chủ trì xử lý hàng tồn đọng nhưng do đơn vị này chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan, không có chức năng kinh doanh nên gặp khó khăn trong việc tạm ứng, thanh toán thu, chi, thuê các dịch vụ liên quan trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng.

XỬ LÝ RA SAO?

Ông Bùi Sỹ Đức cho biết, nguyên nhân khiến 220 container tồn đọng tại cảng là do DN từ chối nhận hàng, hàng không có người nhận, hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, không xin được giấy phép nhập khẩu, hàng hư hỏng, không đúng hợp đồng nên DN chưa làm thủ tục hoặc từ bỏ hàng. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp bên mua và bên bán hủy hợp đồng hoặc bên mua hàng làm mất giấy tờ gốc nên không làm được thủ tục nhận hàng…

Các container hàng tồn đọng tại Cảng quốc tế Cái Mép.
Các container hàng tồn đọng tại Cảng quốc tế Cái Mép.

Ngoài ra, theo các DN cảng, mức phí bảo quản container tại các cảng thấp hơn nhiều so với chi phí bên ngoài nên xảy ra tình trạng DN “ngâm” hàng trong cảng. Theo bảng giá dịch vụ của các cảng hiện nay, với container 20 feed, phí lưu kho 1,6 USD/ngày; container 40 feed 2,4 USD/ngày. Trong khi đó, phí lưu kho ở các dịch vụ bên ngoài cao hơn từ 1-2 lần. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phòng Quản lý Thương mại và Quan hệ công chúng, cảng CMIT cho biết, việc nhiều container tồn trong cảng đã chiếm diện tích kho bãi, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cảng. Đồng thời, hàng không thể thông quan cũng gây hụt nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, việc các container tồn đọng tại cảng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, trong đó có BR-VT phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các container hàng tồn đọng tại cảng theo Thông tư 203/2014/TT-BTC ngày 22-12-2014 của Bộ Tài chính. Cụ thể, sau khi thực hiện đăng thông tin hàng tồn đọng trên phương tiện thông tin đại chúng, đối với hàng hóa dễ hư hỏng, hàng đông lạnh, hóa chất nguy hiểm, độc hại…, thời hạn để chủ hàng đến nhận hàng là 15 ngày; còn đối với các loại hàng hóa khác, thời gian nhận hàng là 60 ngày. Sau thời gian trên, nếu chủ hàng vẫn không đến nhận hàng, cơ quan Hải quan sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tịch thu, bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo quy định.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.