.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong bảo quản nông sản

Cập nhật: 14:53, 20/05/2018 (GMT+7)

Sơ chế và bảo quản sau thu hoạch là một công đoạn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, đây vẫn là khâu yếu nhất trong quy trình sản xuất nông sản tại BR-VT. Điều này đã làm giảm giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao. Do vậy, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ (KH-CN) để bảo quản nông sản sau thu hoạch là xu thế tất yếu để tăng giá trị nông sản BR-VT.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ NÔNG SẢN

Đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ giới thiệu các sản phẩm nông sản của công ty tại Hội thảo “Giải pháp ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến rau, củ, quả - kết nối DN, HTX với nhà khoa học” diễn ra ngày 17-5-2018.
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ giới thiệu các sản phẩm nông sản của công ty tại Hội thảo “Giải pháp ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến rau, củ, quả - kết nối DN, HTX với nhà khoa học” diễn ra ngày 17-5-2018.

Đi đầu về việc ứng dụng công nghệ để bảo quản và sơ chế nông sản sau thu hoạch phải kể đến Công ty TNHH TM-DV Sản xuất ca cao Thành Đạt (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Nhiều năm qua, công ty này đã đưa vào sử dụng dây chuyền bảo quản và sản xuất ca cao gồm 10 thiết bị: Nhà phơi ca cao bằng năng lượng mặt trời (nhằm giảm vị chua trong hạt ca cao, đồng thời giữ hương vị đặc trưng của ca cao); máy ủ lên men; máy rang; máy ép; máy thổi vỏ; máy nghiền mịn; máy ép bơ; máy nghiền bột; máy phối trộn… để sản xuất bột ca cao, ca cao nhão và socola thành phẩm. Mỗi năm, Công ty TNHH TM-DV Sản xuất ca cao Thành Đạt cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn hạt ca cao. Sản phẩm của công ty không chỉ bán trong nước, mà còn xuất sang các nước Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Nga, Nhật Bản... Theo ông Trình Văn Thành, Giám đốc công ty, nhờ áp dụng công nghệ tiến tiến nên sản phẩm ca cao của công ty có chất lượng tốt và có giá bán cao hơn ca cao thông thường. Hiện nay, ca cao Thành Đạt có giá 60-65 ngàn đồng/kg (ca cao thô) và khoảng 90-120 ngàn đồng/kg (ca cao sơ chế).

Còn với Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ, ngoài đầu tư nhà màng, nhà lưới cho 2ha trồng rau ở Trung đoàn Minh Đạm (xã Phước Hưng, huyện Long Điền), DN này còn đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm kho lạnh bảo quản sau thu hoạch. Ông  Kiều Văn Lành, Phó Giám đốc công ty cho biết, trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau và quả các loại. Quy trình sản xuất của công ty là rau, quả sau khi thu hoạch được cắt rễ, phân loại, rửa sạch, để ráo nước, đóng gói và bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ từ 5-70C. Việc bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng, giúp rau không mất chất dinh dưỡng và có thể sử dụng trong vòng 3-4 ngày. Hiện công ty đang cung cấp rau cho các siêu thị Co.op Mart, Umart và các trung tâm thương mại, các điểm bán rau an toàn, với giá từ 20-30 ngàn đồng/kg. “Chúng tôi đang nghiên cứu công nghệ kho lạnh kết hợp với điện trường để bảo quản rau tốt hơn sau thu hoạch. Công nghệ này sẽ giúp ngăn được tình trạng mất nước và chuyển màu của thực phẩm”, ông Lành cho biết thêm.

ĐẨY MẠNH ĐƯA CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT

Công ty TNHH TM-DV Sản xuất ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) phơi ca cao sau thu hoạch trong nhà phơi dùng nănglượng mặt trời.
Công ty TNHH TM-DV Sản xuất ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) phơi ca cao sau thu hoạch trong nhà phơi dùng nănglượng mặt trời.

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, bảo quản nông sản sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, ngoài những mô hình kể trên, đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến nông sản để giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong đó, có thể kể đến mô hình nhà đóng gói sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc); nhà máy sấy lúa tại huyện Long Điền; máy sấy đa năng công nghệ đảo chiều (SRA) có thể sấy được nhiều loại nông sản do nông dân huyện Châu Đức tự chế (khoảng 20 máy)… Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch vẫn còn hạn chế. Việc bảo quản nông sản của nông dân BR-VT chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, khiến tỷ lệ hao hụt nông sản cao. Thống kê cho thấy, hiện tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt khoảng 10%; đối với cây có củ 10-20% và rau quả 10-30%.

Theo PGS-TS Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (thuộc Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT), khi ứng dụng công nghệ tiến tiến, hiện đại sau thu hoạch sẽ giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Với tiềm năng về sản xuất nông sản như hiện nay, BR-VT nên khuyến khích, hỗ trợ các DN, HTX và người dân sử dụng các công nghệ hiện đại để bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch. Theo đó, về bảo quản tươi, có thể sử dụng công nghệ CAS( là công nghệ bảo quản thực phẩm đông lạnh của Nhật Bản, được chuyển giao cho Việt Nam từ năm 2013); phương pháp bảo quản trong môi trường không khí cải biến CA; phương pháp bao gói khí quyển biến đổi MAP… Về chế biến, có công nghệ xử lý áp suất cao, sấy lạnh, sấy hồng ngoại…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Hiện nay, các DN, HTX có thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh BR-VT để đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Theo đó, Quỹ cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp đối với các dự án ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống. Mức cho vay một dự án tối đa 70% vốn đầu tư, thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.

 

.
.
.