Hướng tới vùng chuyên canh tiêu "sạch" quy mô 3.000ha

Thứ Năm, 30/08/2018, 14:43 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở huyện Châu Đức đã áp dụng quy trình sản xuất tiêu “sạch”. Nhờ vậy, nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh sản phẩm hồ tiêu trên thị trường, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Theo đó, huyện Châu Đức đang từng bước chuyển đổi diện tích trồng tiêu hiện hữu đang canh tác theo phương thức truyền thống sang phương thức canh tác bền vững, để hình thành vùng chuyên canh tiêu “sạch” với quy mô khoảng 3.000 ha.

Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Thu (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành) áp dụng quy trình trồng tiêu “sạch”  theo chuẩn Global GAP. 
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Thu (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành) áp dụng quy trình trồng tiêu “sạch” theo chuẩn Global GAP. 

Hiện nay, giá tiêu trên thị trường đang ở mức thấp, khoảng 50 ngàn đồng/kg. Nhưng nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức vẫn duy trì, áp dụng nghiêm ngặt quy trình trồng hồ tiêu “sạch”, để có sản phẩm an toàn và bền vững. Nhờ đó, tiêu “sạch” đã bán được với giá cao hơn so với tiêu sản xuất theo lối truyền thống.

Ông Nguyễn Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Thành (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho biết, gia đình ông có 1ha trồng tiêu, từ năm 2014 đến nay, ông đều áp dụng các kỹ thuật, quy trình để sản xuất tiêu “sạch”. Theo đó, ông Thu chỉ bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục, phun xịt thuốc sinh học bảo vệ thực vật trên cây tiêu theo danh mục quy định, bảo đảm an toàn cho con người sử dụng. Đối với việc tiêu thụ, ông Thu đã liên kết với Công ty TNHH Duy Prosper (Quảng Trị) để bán sản phẩm. Sau khi kiểm tra mẫu hạt tiêu và cho kết quả đạt chuẩn an toàn, công ty này đã thu mua hết 1 tấn tiêu của gia đình ông Thu và thưởng thêm 10 ngàn đồng/kg cho số tiêu đã thu mua. Nhờ đó, giá tiêu mà ông Thu bán tính ra đạt 100 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 30 ngàn đồng so với giá thị trường tại thời điểm xuất bán cho Công ty TNHH Duy Prosper. 

Ông Hoàng Bá Kỳ (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành) cho hay, gia đình ông có 2ha diện tích cây tiêu. Là người trồng tiêu và sống nhờ vào cây tiêu, nên ông Kỳ cũng khá lo lắng trước việc hạt tiêu Việt Nam bị nhiều nước phản ảnh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao và bị hạn chế xuất khẩu. Theo đó, ông đã tham gia dự án sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững của huyện Châu Đức từ năm 2014. Khi tham gia dự án, ông Kỳ đã được hướng dẫn các kỹ thuật trồng tiêu tiên tiến, bền vững. Chi phí sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm tiêu “sạch” tăng không đáng kể so với phương thức sản xuất truyền thống, nhưng cây tiêu phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, hạt tiêu đạt chất lượng cao, năng suất cũng khá ổn định. Nhờ tham gia dự án và đã được cấp giấy chứng nhận Global GAP (bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), nên ông Kỳ khá an tâm sản xuất tiêu “sạch”. “Hiện nay, giá tiêu đang ở mức thấp, nhưng khi các thị trường lớn quốc tế cần các sản phẩm nông nghiệp sạch, giá hồ tiêu trồng theo phương thức an toàn bền vững tăng lên, khi đó sẽ mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân”, ông Kỳ bày tỏ.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, những năm qua, Phòng NN-PTNT huyện đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, hỗ trợ nông dân tập huấn kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, áp dụng bộ nguyên tắc quốc tế về quy trình sản xuất tiêu an toàn, hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu… Theo đó, việc sản xuất tiêu “sạch” đã lan tỏa ngày càng sâu rộng trong nông dân. Từ chỗ sản xuất theo kinh nghiệm, hiện nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục để phòng bệnh cho cây tiêu. Nhờ vậy, sản phẩm hồ tiêu của huyện ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Hiện nay, toàn huyện có 880 ha tiêu “sạch” ở các xã Quảng Thành, Kim Long, Bàu Chinh, Láng Lớn. Trong năm 2018, phát triển thêm 100ha tại các xã trên và thêm 2 xã Sông Xoài, Đá Bạc. Mục tiêu đến năm 2020, đạt 3.000ha tiêu “sạch” toàn huyện, trên cơ sở chuyển đổi diện tích tiêu hiện có đang canh tác bằng phương thức truyền thống sang phương thức chăm sóc an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch). “Cùng với việc phát triển diện tích tiêu “sạch”, huyện sẽ phối hợp với các DN, công ty tham gia liên kết hình thành vùng nguyên liệu bền vững và bao tiêu sản phẩm cho hồ tiêu sản xuất trên địa bàn”, ông Lê Thanh Liêm cho hay.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

;
.