NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM

Phận "long đong" của nước mắm BR-VT

Chủ Nhật, 14/10/2018, 17:27 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT có nguồn hải sản dồi dào, đa dạng, cùng với đó là vựa muối lớn, chất lượng trong khu vực. Từ điều kiện tuyệt vời này, nghề nước mắm truyền thống đã hình thành rất lâu đời tại BR-VT, thế nhưng, từ trước đến nay, thương hiệu nước mắm của địa phương vẫn long đong.

GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Tại BR-VT, nghề làm nước mắm tập trung chủ yếu tại các địa phương ven biển: Phường 5, 12, Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu); xã Phước Tỉnh, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền); thị trấn Phước Hải, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); xã Bình Châu, Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc)… Mỗi năm các cơ sở nước mắm này sản xuất từ 25 triệu - 30 triệu lít nước mắm. 

Công ty TNHH Nước mắm Hòn Cau (số 80 Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu) đã tồn tại hơn 25 năm và được người dân địa phương ưa chuộng. Ông Nguyễn Trọng Đức, Giám đốc công ty cho biết, nguyên liệu làm mắm chỉ có cá cơm và muối, không sử dụng chất bảo quản. Để có sản phẩm bảo đảm chất lượng, mọi công đoạn đều phải kỹ, nhất là cá cơm phải tươi. Vào mùa cá cơm (từ tháng 5 đến tháng 10), công ty thu mua từ 600-800 tấn cá cơm của ngư dân TP.Vũng Tàu, thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), thị xã Lagi (Bình Thuận), còn muối mua tại An Ngãi (huyện Long Điền). Cá cơm mua về được trộn đều với muối theo tỷ lệ 4 cá 1 muối, sau đó đưa vào ủ 1 năm trong các thùng gỗ, lên men và ra nước mắm cốt. Mỗi năm, công ty sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 400 ngàn lít nước mắm các loại với giá từ 7.000 - 160.000 đồng (tùy loại, tùy độ đạm).

Nhân viên Công ty TNHH Nước mắm Hòn Cau kiểm tra thùng ủ mắm.
Nhân viên Công ty TNHH Nước mắm Hòn Cau kiểm tra thùng ủ mắm.

Còn tại ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cũng có gần 20 hộ sản xuất nước mắm truyền thống. Phần đông các cơ sở này dùng phương pháp thủ công sử dụng chum, vại bằng đất nung để ủ mắm, một số cơ sở đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng bằng cách đầu tư công nghệ và sản xuất đạt chuẩn ATVSTP. Công ty TNHH Nước mắm Thiên Lộc bắt đầu sản xuất nước mắm với thương hiệu Thiên Lộc từ năm 1980. Bình quân mỗi năm công ty đưa ra thị trường khoảng 120 ngàn lít nước mắm, chủ yếu phân phối ở BR-VT và một số tỉnh, thành trong cả nước. Ông Nguyễn Cao Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Thiên Lộc cho biết, để tạo dựng thương hiệu, ngoài bảo đảm chất lượng, công ty còn chú trọng đến mẫu mã bao bì, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường. Từ năm 2015 đến nay, nước mắm Thiên Lộc được UBND huyện Xuyên Mộc, Sở Công thương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận ATTP. Công ty cũng đã xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP để chuẩn hóa chất lượng và nâng cao giá trị của nước mắm. 

Đóng chai sản phẩm tại Công ty TNHH Nước mắm Thiên Lộc.
Đóng chai sản phẩm tại Công ty TNHH Nước mắm Thiên Lộc.

Công ty TNHH Nước mắm Ánh Phương đã có nghề sản xuất nước mắm truyền thống 30 năm nay cũng đã xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Nước mắm Ánh Phương đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ông Trương Viết Văn, Giám đốc công ty cho biết, trung bình mỗi năm công ty sản xuất khoảng 600 ngàn lít nước mắm.

VẪN KHÓ CẠNH TRANH 

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nước mắm của BR-VT không thua kém nước mắm ở các vùng biển khác như Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa)... Thế nhưng, trong khi khách du lịch khắp nơi rời khỏi Phan Thiết hay Nha Trang đều đem về một vài thùng nước mắm làm quà, thì nước mắm ngon BR-VT chưa được nhiều người biết đến. Phần lớn sản phẩm làm ra mới chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Tại các tỉnh, thành khác, nước mắm của BR-VT mới chỉ có mặt tại một số đại lý nhỏ lẻ, còn các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại thì gần như vắng bóng. Ông Nguyễn Trọng Đức, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Hòn Cau cho biết, hiện nay 50% sản phẩm của DN tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, số còn lại được tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác trong nước nhưng chủ yếu tiêu thụ qua các đại lý bán lẻ truyền thống, hoặc qua các hoạt động xúc tiến thương mại  (XTTM).

Ông Trương Văn Thôi, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh cho rằng, nguyên nhân khiến thương hiệu nước mắm BR-VT chưa tiếp cận được các thị trường lớn là do hầu hết các DN nước mắm đều xuất phát là hộ gia đình phát triển lên, việc quảng bá thương hiệu còn hạn chế. Trong khi đó, sự liên kết giữa các DN sản xuất nước mắm với các đầu mối tiêu thụ gần như không có, nên ngoại trừ khách quen còn lại người dân địa phương vẫn chưa biết đến sản phẩm nước mắm của BR-VT. Do đó, thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị, nâng cao chất lượng, tìm giải pháp ổn định nguồn nguyên liệu, xúc tiến quảng bá và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm cần liên kết với nhau để xây dựng sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao là những yêu cầu đặt ra cho nước mắm truyền thống BR-VT. Thời gian tới, Trung tâm XTTM tỉnh tiếp tục liên kết với các tỉnh, thành, cung cấp thông tin tổ chức các hội chợ, chương trình kết nối để các DN của tỉnh tham gia giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác để hợp tác, phân phối sản phẩm. Đối với thị trường trong tỉnh, Trung tâm XTTM tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các DN sản xuất kinh doanh nước mắm kết nối thông qua các hoạt động như: Hội chợ Công thương - Du lịch của tỉnh, hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng cố định, hoặc tổ chức các chương trình kết nối hàng hóa vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.