Quản lý chặt khai thác khoáng sản

Thứ Ba, 18/12/2018, 17:34 [GMT+7]
In bài này
.

Để đáp ứng nhu cầu cát và vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn, tỉnh đã quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản. Từ thực tế nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tăng cao, tỉnh đã quy hoạch bổ sung thêm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác quản lý chặt để tránh các hệ lụy về sau.

Khai thác cát tại một điểm mỏ ở xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ.
Khai thác cát tại một điểm mỏ ở xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ.

THIẾU SO VỚI NHU CẦU

Theo Quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2016-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND, trên địa bàn tỉnh có 49 điểm mỏ quy hoạch với tổng diện tích hơn 1.326ha gồm: 25 mỏ đá xây dựng, 4 mỏ sét gạch ngói, 8 mỏ cát xây dựng, 11 mỏ vật liệu san lấp và 1 mỏ than bùn. Trong 2 năm (2016, 2017) Sở TN-MT cùng các sở, ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho 14 doanh nghiệp (DN).

Đến nay, tổng số lượng DN được cấp giấy phép khai thác trên địa bàn tỉnh là 34 DN, tổng diện tích cấp phép hơn 716ha. Dù số lượng DN cấp phép khai thác hàng chục, thế nhưng qua công tác rà soát của Sở TN-MT từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017, các DN cũng chỉ khai thác được 6,7 triệu m3 đá xây dựng (đạt 22,78% trữ lượng quy hoạch khai thác), 232 ngàn m3 sét gạch ngói (đạt 14,11% trữ lượng quy hoạch khai thác), 105 ngàn m3 cát xây dựng (đạt 1,79% trữ lượng quy hoạch khai thác), 1,04 triệu m3 vật liệu xây dựng (đạt 6,35% trữ lượng quy hoạch khai thác).

Từ số liệu trên cho thấy, các điểm mỏ quy hoạch khai thác không đảm bảo sản lượng như đã quy hoạch. Ngoài ra, quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập như: nguồn cát xây dựng trong quy hoạch không đáp ứng nhu cầu thực tế, vật liệu san lấp thiếu hụt trầm trọng. “Từ nay đến năm 2020, theo công suất - trữ lượng tối đa theo giấy phép khai thác khoáng sản hiện hữu chỉ đáp ứng 70% nhu cầu đá xây dựng; 37% nhu cầu vật liệu san lấp”, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết.

Trước thực tế này, Sở TN-MT đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030”.

Nạo vét kết hợp tận thu cát tại hồ Bút Thuyền, huyện Long Điền. Ảnh: THÀNH HUY
Nạo vét kết hợp tận thu cát tại hồ Bút Thiền, huyện Long Điền.
Nạo vét kết hợp tận thu cát tại hồ Bút Thuyền, huyện Long Điền.
Nạo vét kết hợp tận thu cát tại hồ Bút Thiền, huyện Long Điền.

KIỂM SOÁT CHẶT VIỆC KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Qua công tác rà soát quy hoạch và lấy ý kiến thống nhất của các sở, ngành, địa phương, Sở TN-MT đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 62 điểm quy hoạch với tổng diện tích 1.748ha gồm: 31 điểm mỏ đá xây dựng, 4 mỏ sét gạch ngói, 14 mỏ cát xây dựng, 11 mỏ vật liệu san lấp, 2 mỏ than bùn.

So với quy hoạch cũ, số điểm quy hoạch bổ sung thêm là 13 khu vực với tổng diện tích gần 443ha: trong đó đất xây dựng 6 khu vực hơn 262ha, tổng khối lượng hơn 78 triệu m3; cát xây dựng 6 khu vực, với diện tích gần 143ha, trữ lượng gần 4 triệu m3; than bùn 1 khu vực với diện tích hơn 38ha, trữ lượng 200 ngàn m3. Riêng vật liệu san lấp không có khu vực quy hoạch mới nhưng có nguồn bổ sung từ các khu vực đá xây dựng (tầng phủ) và thu hồi cát xây dựng là hơn 18 triệu m3.

“Hiện nay nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng cho các KCN, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Vì vậy, bổ sung quy hoạch là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu. Việc thiếu hụt cát xây dựng, vật liệu san lấp đã gây ảnh hưởng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng, không đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, sự mất cân đối cung, cầu làm phát sinh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép”, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Nêu giải pháp quản lý quy hoạch khoáng sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở TN-MT, UBND các thành phố, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản theo quy hoạch và quy định của Luật Khoáng sản. Bên cạnh đó, tăng cường bảo vệ vùng quy hoạch khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản không phép, trái phép; tăng cường công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác và kiểm tra việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác. Các sở, ngành có liên quan định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; tập trung khai thác, chế biến sâu theo quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Bài, ảnh: THÀNH HUY

;
.