Chăn nuôi heo gây ô nhiễm vì sao cứ tiếp diễn?

Thứ Hai, 17/08/2020, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, mặc dù huyện Châu Đức đã tăng cường kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít trang trại chưa chấp hành tốt vấn đề này, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Nguồn nước suối Bà Tài (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) khu vực quanh trại heo Hoa Anh Đào bị ô nhiễm nặng nề.
Nguồn nước suối Bà Tài (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) khu vực quanh trại heo Hoa Anh Đào bị ô nhiễm nặng nề.

NƯỚC SUỐI HÔI THỐI, ĐẤT BỎ HOANG

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều hộ dân ở ấp Đông Linh và Nghi Lộc (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cho biết, nhiều năm qua trang trại nuôi heo Hoa Anh Đào (ấp Nghi Lộc, xã Bình Giã) đã xả nước thải trực tiếp ra con suối Bà Tài khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Do đó người dân không thể lấy nước để sản xuất, tưới tiêu. 

Ông Đặng Đình Khôi (ấp Đông Linh, xã Bình Giã) cho biết, gia đình ông có 4.000m2 đất ruộng lúa và 3.000m2 đất trồng màu. Nhiều năm qua gia đình lấy nước từ suối Bà Tài để tưới cây, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, 3 năm nay, do trang trại chăn nuôi heo Hoa Anh Đào xả thải, nguồn nước suối Bà Tài bị ô nhiễm nặng nề, đất đai đành phải bỏ hoang do không có nước tưới, một phần nhỏ diện tích đành chuyển qua trồng tràm. “Để mưu sinh, gia đình tôi phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, trong khi đó đất thì bỏ hoang. Gia đình tôi và rất nhiều hộ dân ở đây rất bức xúc trước tình trạng này”, ông Đặng Đình Khôi, bày tỏ.

Vào những ngày tháng 8, chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực tế và ghi nhận dù đang mùa mưa, vậy nhưng nguồn nước suối Bà Tài quanh khu vực trại nuôi heo Hoa Anh Đào nước vẫn đen ngòm, có mùi hôi và nổi nhiều bọt. Trước đó, trong tháng 7, theo bước chân của người dân địa phương, lần theo dòng chảy của suối Bà Tài, đi tới phía sau bức tường của trang trại nuôi heo Hoa Anh Đào, phóng viên phát hiện 2 đường ống nhựa màu xanh được giấu kỹ trong đám cỏ rậm rạp. Các đường ống này được đấu nối từ trại heo chảy thẳng ra suối Bà Tài. Phần cuối ống nhựa màu xanh được đưa ra sát dòng suối còn nguyên dấu tích đọng lại trên đám cỏ là nước thải của heo, đen ngòm. 

Trang trại chăn nuôi heo Hoa Anh Đào có quy mô chăn nuôi 3.100 con heo bao gồm cả heo giống và heo thịt. Hệ thống xử lý nước thải gồm 1 hầm biogas và 6 hầm lắng. Trang trại cũng đang xây dựng hệ thống hóa - xử lý nước thải sau Biogas. Trang trại có đầy đủ hồ sơ pháp lý về hoạt động trang trại chăn nuôi heo. Ông Đặng Hoàng Phong (ấp Đông Linh, xã Bình Giã) kiến nghị: “Người dân chúng tôi mong các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý quyết liệt tình trạng gây ô nhiễm môi trường của trang trại chăn nuôi heo Hoa Anh Đào để trả lại nguồn nước suối trong lành”.

Ngoài khu vực trại heo Hoa Anh Đào, phóng viên còn nhận được phản ánh của các hộ dân tổ 71, thôn Quảng Long, xã Kim Long về vấn nạn ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi heo gây ra. Hộ chăn nuôi heo Nguyễn Thị Nữ (tổ 71, thôn Quảng Long, xã Kim Long) có quy mô hộ gia đình, nuôi 10 con heo thịt. Theo người dân ở đây, thời gian qua, họ phải chịu đựng sự tra tấn bởi mùi hôi nồng nặc từ hộ chăn nuôi heo trên địa bàn gây ra. Dù người dân ở trong nhà, đóng cửa, bịt khẩu trang nhưng vẫn không thoát khỏi mùi hôi. Nhiều hàng quán ở khu vực này phải đóng cửa do không thể kinh doanh, buôn bán. Được biết, chủ hộ cơ sở chăn nuôi heo nêu trên là của bà Nguyễn Thị Nữ, Tổ trưởng Tổ dân cư 71. Dù người dân đã nhiều lần phản ánh với bà Nữ về việc nuôi heo gây ô nhiễm nhưng bà Nữ vẫn chưa có biện pháp khắc phục trong suốt thời gian dài.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên cũng đã đi thực tế và quan sát thấy dù khu vực nuôi heo đã được xây tường gạch cao kiên cố, nhưng mùi hôi vẫn phát ra nồng nặc. “Khu vực này dân cư đông đúc, riêng tổ 71 có hơn 20 ngôi nhà, lại có trường học. Từ ngày dọn về đây ở, không ngày nào gia đình tôi ăn được 1 bữa cơm ngon. Đóng 2 lớp cửa, giăng rèm, bật quạt nhưng mùi hôi vẫn cứ phả vào nồng nặc. Rất mong chính quyền địa phương can thiệp để giải quyết tình trạng ô nhiễm này”, ông Võ Quang Kính, cư dân tổ 71 bức xúc nói.

ĐIỆP KHÚC, KIỂM TRA, NHẮC NHỞ... 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại trại nuôi heo Hoa Anh Đào (Bình Giã), Phòng TN-MT huyện Châu Đức và Đội Cảnh sát kinh tế-môi trường, Công an huyện Châu Đức đã phối hợp với UBND xã Bình Giã tiến hành kiểm tra trang trại này. Tuy nhiên, tổ công tác chỉ kiểm tra khu vực xử lý nước thải bên ngoài, không vào được bên trong khu vực chăn nuôi do chủ cơ sở “cửa đóng then cài”. 

Lúc tổ công tác kiểm tra thực tế tại khu vực này, phóng viên đã ghi nhận có 2 ống dây nhựa xả nước thải trực tiếp ra suối Bà Tài, lúc này hai dây ống nhựa đã được kéo lên và xả vào hầm lắng của trại. Qua kiểm tra, tổ công tác cũng thừa nhận có tình trạng ô nhiễm như người dân phản ánh và có văn bản yêu cầu chủ trang trại khẩn trương khắc phục. Thế nhưng, do cơ quan chức năng huyện Châu Đức cũng chỉ mới dừng lại ở việc kiểm tra, nhắc nhở, chứ chưa có những biện pháp mạnh tay để xóa bỏ điểm ô nhiễm môi trường nêu trên. Do vậy, tình trạng ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm. 

Hiện nay trên địa bàn huyện Châu Đức có hơn 2.500 cơ sở chăn nuôi heo với tổng đàn heo hơn 106.000 con. Trong đó có 80 cơ sở, có quy mô trên 150 con với tổng đàn 47.530 con. Trong số hơn 2.500 hộ chăn nuôi heo, số hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas đạt tỷ lệ hơn 69% và gần 31% số hộ chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas).

Tương tự, ô nhiễm mùi hôi, nước thải do chăn nuôi tại hộ bà Nguyễn Thị Nữ, Tổ trưởng tổ dân cư 71, xã Kim Long cũng chưa được xử lý. Sau khi Báo BR-VT phản ánh, UBND xã Kim Long đã cho cán bộ xuống kiểm tra. Kết quả, cán bộ môi trường xã Kim Long ghi nhận có tình trạng như người dân phản ánh và lập biên bản ghi nhận sự việc cũng như yêu cầu chủ cơ sở khắc phục. Giải thích với phóng viên, ông Đỗ Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Long cho biết, nguyên nhân phát sinh mùi hôi là do tràn bể chứa nước thải. Tuy nhiên, vụ việc cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở. Đến nay tình trạng ô nhiễm trên vẫn còn tiếp diễn.

Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua, các trang trại heo đã đi vào hoạt động trên địa bàn huyện vẫn còn các vi phạm chính như: Chưa thực hiện tốt việc lưu chứa, xử lý nước thải, còn để nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn chảy ra ngoài môi trường, chưa có biện pháp xử lý tốt mùi hôi, còn để phát tán ra môi trường xung quanh… 

Do đó, để chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường đối với những trang trại chăn nuôi heo trong thời gian tới, UBND huyện yêu cầu phòng, ban và các địa phương tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước và thực hiện tốt Quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn. 

Chăn nuôi chuồng lạnh, đệm lót sinh học sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chăn nuôi chuồng lạnh, đệm lót sinh học sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với các trang trại chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ môi trường cấp huyện, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Trang trại nào thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện theo quy định thì kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư thì sẽ rà soát, kiểm tra. 

Qua đó, xét thấy nếu không phù hợp quy hoạch, không bảo đảm môi trường theo quy định hoặc gây ô nhiễm môi trường, có ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân thì xử lý nghiêm. Đồng thời, tuyên truyền vận động và hỗ trợ cho hộ chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas) hoặc làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn. Tiếp tục di dời các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường vào khu quy hoạch chăn nuôi tập trung của huyện theo Đề án đã được phê duyệt. “Riêng đối với trang trại chăn nuôi heo Hoa Anh Đào và hộ bà Nguyễn Thị Nữ chăn nuôi heo nêu trên huyện sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát về môi trường. Nếu các cơ sở này vẫn tiếp tục gây ô nhiễm huyện sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”, ông Lê Thanh Liêm nói.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG-MAI NGỌC

;
.