Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Thứ Hai, 21/06/2021, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp nghe Sở Công thương báo cáo kế hoạch dự trữ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sáng 21/6. Cuộc họp do ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với các địa phương.

Sở Công thương đã xây dựng kịch bản cung cấp hàng hóa với 4 phương án để đối phó dịch COVID-19.  Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.
Sở Công thương đã xây dựng kịch bản cung cấp hàng hóa với 4 phương án để đối phó dịch COVID-19. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.

4 CẤP ĐỘ CUNG ỨNG HÀNG HÓA

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, đơn vị này đã xây dựng 4 tình huống dự trữ hàng hóa tương đương với từng cấp độ của dịch. Cụ thể, ở tình huống 1 (cấp độ 1 của dịch), hoạt động mua bán, sinh hoạt của người dân, hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại vẫn diễn ra bình thường thì hàng hóa tại chợ chiếm 70%; tại siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 20%; các cửa hàng tiện lợi chiếm 10% lượng hàng hóa so với kế hoạch. Tình huống 2 (cấp độ 2), khi người dân bắt đầu có tâm lý dự trữ hàng hóa, nhu cầu sẽ tăng cao và tập trung nhiều vào các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi, thì nguồn hàng tập trung tại chợ chiếm 50%, tại siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 30%, các cửa hàng tiện lợi chiếm 20% lượng hàng hóa so với kế hoạch. Tình huống 3 (cấp độ 3) khi người dân tập trung mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, do tình hình mưa bão, dịch bệnh nên hạn chế mua sắm tập trung tại các chợ, thì nguồn hàng tại chợ chiếm 30%, tại siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 50%, các cửa hàng tiện lợi là 20% lượng hàng hóa so với kế hoạch. Tình huống 4 (cấp độ 4), khi dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, các chợ có thể sẽ phải đóng cửa, người dân tập trung mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi. Lúc này, nguồn hàng tập trung tại siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 70%, các cửa hàng tiện lợi là 30% lượng hàng hóa so với kế hoạch.

Cũng theo ông Trương Văn Thôi, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ loại 1 trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng phương án dự trữ trong tình huống xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Do đó, hàng hóa trên địa bàn tỉnh có khả năng đáp ứng với các tình huống ở mức độ cao hơn. Mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay bao gồm 82 chợ, 3 trung tâm thương mại, 8 siêu thị có kinh doanh hàng thực phẩm, 115 cửa hàng bán lẻ (Bách Hóa Xanh, Vinmart+, BRG, Circle K, Family Mart…) và nhiều hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa… cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ NGUỒN CUNG

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng kịch bản ứng phó theo từng cấp độ của dịch là cần thiết. Tuy nhiên, Sở cần chủ động xây dựng kịch bản chuẩn bị nguồn cung ngay từ tình huống 1 là dịch bắt đầu xâm nhập tỉnh nhưng chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay từ thời điểm này, Sở Công thương cần làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh đóng chân trên địa bàn tỉnh để xác định nguồn cung hàng hóa. Như vậy, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp xảy ra sẽ không bị đứt gãy nguồn cung hàng hóa, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Người dân mua sắm tại chợ Bà Rịa.
Người dân mua sắm tại chợ Bà Rịa.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, khi xuất hiện ca mắc trong cộng đồng, việc lưu thông hàng hóa sẽ khó khăn. Vì vậy, Sở Công thương phải đưa ra phương án cụ thể về nguồn cung, số lượng để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng thời, tăng cường thông tin về nguồn hàng, kiểm soát nơi cung ứng hàng để người dân yên tâm, bởi dịch phức tạp, hạn chế tiếp xúc, người dân sẽ chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến. “Ngành NN-PTNT thường xuyên phối hợp với các địa phương nắm tình hình sản xuất, sản lượng sản phẩm của từng địa phương để nắm nguồn sản xuất và có kế hoạch tiêu thụ phù hợp. Trên cơ sở này, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp cùng Sở Công thương về nguồn cung từ nơi sản xuất làm cơ sở cho tổ chức tiêu thụ trong và ngoài tỉnh”, ông Cường thông tin thêm.

Hiện nay, các địa phương như TX. Phú Mỹ, Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, TP. Bà Rịa… đã xây dựng kịch bản và kiểm tra theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát các cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm và ký cam kết với từng hộ kinh doanh khi dịch xảy ra không găm hàng, tăng giá. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng Phòng Kinh tế UBND TX. Phú Mỹ cho biết, TX. Phú Mỹ đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chẳng hạn, nguồn cung lương thực, địa phương tự cân đối được 20%, còn lại mua từ các tỉnh miền Tây, Bình Thuận; nguồn cung gia súc, gia cầm 40% là mua từ trong tỉnh, 60% còn lại mua từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang; hoa quả 60% mua từ Đà Lạt và miền Tây; 40% còn lại địa phương tự cân đối; các mặt hàng tiêu dùng khác chủ yếu mua từ các tỉnh, thành lân cận.

Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, huyện đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa tối đa nếu Côn Đảo bị phong tỏa, không có phương tiện vận chuyển khi có dịch xảy ra trên địa bàn huyện trong 2 tháng, với 9 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu cần dự trữ bình ổn thị trường. Tuy nhiên, qua rà soát, khả năng dự trữ tối đa thì lượng hàng hóa thiết yếu cao nhất chỉ dự trữ được khoảng 1,5 tháng, nửa tháng còn lại sẽ bị thiếu hụt do không có phương tiện vận chuyển hàng hóa ra đảo.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Ngọc Khánh yêu cầu Sở Công thương bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch chậm nhất đến hết ngày 25/6 tham mưu UBND tỉnh xem xét. Trong đó lưu ý, các kịch bản xây dựng phải bám sát Chỉ thị 07/CT-BCT của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cũng như các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Kế hoạch phải thật chi tiết, phù hợp với tình hình địa phương trong tỉnh; có giải pháp xử lý khi thiếu hàng hóa cục bộ, việc vận chuyển khó khăn.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.