HUYỆN ĐẤT ĐỎ

Đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống kênh mương nội đồng

Chủ Nhật, 19/03/2023, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

Những tuyến kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện Đất Đỏ được bê tông hóa kiên cố và đấu nối vào tận chân ruộng đã tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất.

Nông dân xã Long Mỹ khơi thông kênh mương giúp cho việc dẫn nước về ruộng thuận lợi hơn.
Nông dân xã Long Mỹ khơi thông kênh mương giúp cho việc dẫn nước về ruộng thuận lợi hơn.

Đa dạng hóa cây trồng

Khu đất canh tác có diện tích gần 2ha của gia đình ông Nguyễn Văn Quý (tổ 15, ấp Phước Sơn, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) có vị trí khá cao. Trước đây, vào mùa hạn, ông Quý chỉ có thể trồng mì hoặc bỏ hoang do không có nước tưới. Từ khi tuyến kênh mương nội đồng của xã được đấu nối dẫn vào đến tận chân ruộng đã giúp ông đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Ông Nguyễn Văn Quý cho biết: “Nhờ chủ động được nước tưới, gia đình tôi đã mạnh dạn trồng thêm khoai môn, bắp và mía nên thu nhập nhờ đó cũng tăng gấp 2-3 lần”.

Ông Huỳnh Văn Hóa (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) cho biết, từ ngày có kênh mương nội đồng, ông không còn lo thiếu nước như trước đây. Mùa mưa kênh thoát nước tốt không làm lở bờ, còn mùa nắng tuyến kênh lúc nào cũng đầy ắp nước dẫn về ruộng. “Trước đây, không có kênh dẫn nước, việc sản xuất của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc thời tiết. Vụ Mùa đúng thời điểm mùa mưa thì đỡ, nhưng vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu năm nào hạn sớm, tôi phải chuyển từ trồng lúa sang các loại hoa màu khác nhưng cũng không hiệu quả do thiếu nước. Tuy nhiên, từ khi Nhà nước hỗ trợ xây kênh mương trên địa bàn xã Long Mỹ đã giúp việc sản xuất, canh tác của gia đình tôi cũng như nông dân thuận lợi, sản lượng thu hoạch cũng tốt”, ông Hóa nói.

Theo ông La Quân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Láng Dài, là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất của huyện Đất Đỏ, những năm trước đây, hoạt động sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước. Có nhiều khu vực ruộng trên cao, mỗi năm chỉ sản xuất được 2 vụ, thậm chí có khu vực chỉ sản xuất được 1 vụ; còn lại là để hoang. “Hệ thống kênh mương được đầu tư đã giúp xã Láng Dài chủ động hơn trong việc lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, qua đó mở rộng diện tích canh tác. Năng suất cây trồng, nhất là lúa được nâng lên từ 6-6,5tấn/ha lên từ 8-8,5 tấn/ha, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân”, ông Bảo thông tin thêm.

Chủ động nguồn nước 

Huyện Đất Đỏ có hơn 80% dân số làm nghề nông; diện tích đất được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp hơn 16.800ha, trong đó chủ yếu là sản xuất lúa với hơn 15.000ha. Để hỗ trợ nông dân trong việc đảm bảo tưới tiêu, hệ thống kênh mương nội đồng đã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng. Từ năm 2014, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình kênh nội đồng hồ chứa nước Sông Ray, các công trình kênh mương trên địa bàn huyện đã được kiên cố hóa, hệ thống mương đất dần được thay thế bởi tuyến mương bê tông. Đến nay, trên địa bàn huyện Đất Đỏ đã có hơn 206,6km chiều dài kênh mương được bê tông hóa, cung cấp nước tưới cho  3.151ha đất sản xuất gồm: lúa 2.992ha, hoa màu và cây lâu năm 135,5ha và 24ha nuôi trồng thủy sản tại xã Láng Dài.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, huyện Đất Đỏ luôn chú trọng nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hàng năm, địa phương phối hợp cùng Trung tâm khai thác các kênh thủy lợi của tỉnh kiểm tra, sửa chữa định kỳ; đồng thời vận động người dân nạo vét để làm thông thoáng dòng kênh phía hạ lưu giúp cho việc dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi. Hệ thống kênh mương nội đồng đã giúp bà con nông dân tiết kiệm nước tưới, nâng cao năng suất của cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình; góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

ĐÔNG HIẾU - NGUYỄN THÀNH NGÂN

;
.