Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - liệt sĩ Nguyễn Thị Đẹp - Nữ chiến sĩ dũng cảm, kiên trung bất khuất

Thứ Hai, 16/09/2019, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.
Kỳ 1: 15 tuổi đi theo cách mạng
 
Chị Nguyễn Thị Đẹp sinh năm 1953, là con một gia đình nông dân ở vùng Đất Đỏ. Thân sinh của chị là ông Nguyễn Văn Hai, người đã có nhiều cống hiến trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Gia đình ông Nguyễn Văn Hai là cơ sở vững chắc cho phong trào hoạt động cách mạng lúc bấy giờ, ông đã đào hầm bí mật nuôi giấu nhiều chiến sĩ cách mạng. 
Di tích hầm bí mật - nơi những năm 1970 chị Nguyễn Thị Đẹp chiến đấu đã được đầu tư khang trang.
Di tích hầm bí mật - nơi những năm 1970 chị Nguyễn Thị Đẹp chiến đấu đã được đầu tư khang trang.

Khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Đẹp đã theo học hết chương trình tiểu học. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình nghèo, chị đành bỏ dở việc học để phụ giúp cha mẹ làm việc nhà và trông nom em nhỏ. Vùng quê nơi chị sinh ra là một địa bàn nhỏ với dân số trên dưới 1.500 người, nhưng lực lượng bủa vây của Mỹ, ngụy tràn vào như vũ bão, gồm: 1 trung đội lính địa phương quân, 1 xã đoàn Bình Định, 2 đại đội của tiểu đoàn Sấm Sét và Trâu Điên thuộc Sư đoàn 18, 1 phân chi Công an và bộ máy chính quyền địa phương. Hàng ngày, hàng giờ bọn chúng luôn lùng sục, bắt bớ đánh đập, khảo tra và vơ vét tiền của nhân dân, nghiêm cấm sự đi lại làm ăn của bà con trong vùng… Lúc đó, tuy mới 15 tuổi nhưng Nguyễn Thị Đẹp đã nhận thức được sự man rợ của kẻ thù, chị nuôi ý chí và quyết định xin phép cha mẹ thoát ly và tham gia hoạt động cách mạng để giết giặc. Vốn có truyền thống yêu nước nên khi biết con gái muốn tham gia cách mạng, gia đình đã đồng ý.

Tháng 3/1968, chị gia nhập vào hàng ngũ cách mạng, được cử đi học khóa cứu thương và làm y tá xã. Trong quá trình hoạt động, chị Đẹp đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, với sự mưu trí, dũng cảm, đôi chân lanh lẹ, chị đã nhiều lần giải nguy cho đồng đội khi đối mặt với kẻ thù. Tháng 4/1969, chị được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Buổi lễ được tổ chức long trọng tại khu rừng Phước Lợi (nay là xã Phước Hội). Tháng 2/1970, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Lúc bấy giờ bọn Mỹ, Ngụy hoạt động tung hoành hơn trước, chúng tăng cường thêm thế và lực, bắt cầm tù hàng loạt quần chúng nhân dân vô tội mà chúng cho là có quan hệ với cách mạng. Chúng đưa quân Úc ồ ạt để giải tỏa và lập tiếp vòng đai ấp chiến lược nối tiếp từ Tỉnh lộ 52 xuyên qua xã Phước Hòa Long chạy dài đến hết ranh xã Phước Thạnh. Bên ngoài, chúng bố trí một hệ thống xe tăng và bộ binh bao vây ngày đêm sát ấp chiến lược. Bên trong, chúng đưa các lực lượng tề xã, tề ấp lùng sục ngày đêm, sử dụng cả máy rà mìn, dụng cụ để xăm tìm hầm bí mật.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và Huyện ủy quyết tâm đánh, bên trong bố trí một chi bộ Đảng và một tổ du kích. Bên ngoài, có lực lượng trinh sát và bộ binh yểm trợ. Chị Đẹp cùng đồng đội vẫn âm thầm hoạt động bí mật trong vùng ác chiến này. Từ 22/7 đến 26/7/1970 quân địch càn quét bên trong, bắn phá bên ngoài nhằm ngăn chặn bước tiến và cách ly hoạt động qua lại của các chiến sĩ cách mạng, buộc cán bộ và du kích phải ở hầm bí mật vì tình thế quá căng thẳng. Do có kẻ phản bội, khai báo và chỉ điểm, rạng sáng 26/7/1970 bọn lính ngụy kết hợp với quân đội Úc cùng 3 xe tăng càn quét, đào bới xăm tìm hầm tại khu vực ấp Hòa Hội, xã Phước Hòa Long nơi có hầm chị Nguyễn Thị Đẹp bám trụ, đánh giặc. Đến 3 giờ chiều 26/7, bọn địch tìm được hầm bí mật từ một lỗ thông hơi. Hơn 10 họng súng đã hướng thẳng đến căn hầm bí mật, loa tay của chúng vang lên kêu gọi sự đầu hàng, hăm dọa đổ thuốc ngạt xuống hầm. 

Trước tình thế nguy cấp, chị Đẹp đã tung lên và ném liền 3 quả lựu đạn vào bọn giặc, hàng loạt họng súng của chúng đạn cũng rời khỏi nòng. Tiếng nổ vang lên làm rung động cả vùng, 5 tên lính chết và nhiều tên khác bị thương. Chị bị thương do quả lựu đạn thứ 3 từ tay tung ra còn rớt lại gần nơi trú ẩn và bị giặc bắt trong lúc còn bất tỉnh vì vết thương quá nặng trên toàn thân thể. Do cần khai thác thêm, bọn chúng đưa chị đi Bệnh viện Bà Rịa cứu chữa, nhưng đến nơi, chị đã trút hơi thở cuối cùng và hy sinh vào chập tối 26/7/1970. Trước lúc bị bắt, chị Đẹp đã kịp đốt tài liệu mật của Đảng, đoàn thể cùng với danh sách của những hộ nông dân đóng góp lúa gạo cho cách mạng. 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 28/4/2000, chị Nguyễn Thị Đẹp đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Xem tiếp kỳ sau)

ĐÔNG HIẾU
(Ghi theo tư liệu của huyện Đất Đỏ)

;
.