Mỹ thúc đẩy phân phối vắc xin trước bầu cử tổng thống

Thứ Năm, 03/09/2020, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã hối thúc các bang nước này sẵn sàng phân phối vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 1/11 tới, chỉ 2 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do công ty sản xuất dược phẩm Moderna  phát triển tại Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 5/8/2020.
Tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 do công ty sản xuất dược phẩm Moderna phát triển tại Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 5/8/2020.

Công ty McKesson Corp có trụ sở tại Dallas đã đạt được thỏa thuận với chính phủ liên bang và sẽ xin cấp giấy phép để thiết lập các trung tâm phân phối khi có vắc xin.

Trong thư gửi thống đốc và cơ quan y tế các bang ngày 27/8 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhấn mạnh, thời gian cần thiết để xin được giấy phép là cản trở lớn đối với thành công của chương trình y tế công khẩn cấp này.

Do đó, CDC khẩn thiết đề nghị các bang hỗ trợ giải quyết các đơn xin lập cơ sở phân phối. Giám đốc Redfield đề nghị các bang bỏ các quy định cản trở những trung tâm này đi vào hoạt động đầy đủ từ ngày 1/11 tới.

CDC đã cung cấp cho các bang tài liệu chi tiết về kế hoạch phân phối vắcxin, cho biết các kế hoạch này có thể được thông qua dưới hình thức vắc xin cấp phép hoặc cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Theo tài liệu, những người được tiêm vắc xin có thể sẽ cần đến liều 2, cách liều đầu tiên khoảng vài tuần. Tài liệu nêu rõ nguồn cung vắc xin sẽ do chính phủ liên bang đặt mua và phân phối, trong khi các nhà cung cấp vắc xin sẽ không mất bất kỳ chi phí nào.

Hiện có 3 loại vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 tại Mỹ với sự tham gia của hàng chục ngàn người. Đây là những vắc xin do AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford của Anh, Moderna hợp tác với Viện Y tế quốc gia Mỹ và liên minh Pfizer/BioNTech phát triển.

Trong quá trình thử nghiệm, một nửa số người tham gia sẽ được tiêm vắc xin, trong khi nửa còn lại sẽ được tiêm giả dược. Nếu theo đúng quy trình bình thường, những người quản lý công tác thử nghiệm sẽ phải đợi vài tháng để xem có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ lây nhiễm giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã để ngỏ khả năng phê duyệt vắc xin khẩn cấp trước khi kết thúc thử nghiệm.

Tuy nhiên, người đứng đầu FDA Stephen Hahn cho biết đề nghị phê duyệt này phải đến từ chính nhà cung cấp vắc xin.

ĐẶNG ÁNH (Vietnam+)

;
.