Vì sao Công Phượng không thành công khi ra nước ngoài?

Thứ Hai, 23/12/2019, 20:22 [GMT+7]
In bài này
.

Với việc khoác áo Mito Hollyhock, Incheon United, Sint-Truidense, Công Phượng là cầu thủ Việt thi đấu cho nhiều CLB nước ngoài tại các giải quốc gia khác nhau nhất. Nhưng anh vẫn chưa có được thành công như mong đợi.

Ở châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mọi yếu tố từ thể lực, tư duy chiến thuật đều đòi hỏi Công Phượng  ở mức độ cao hơn.
Ở châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mọi yếu tố từ thể lực, tư duy chiến thuật đều đòi hỏi Công Phượng ở mức độ cao hơn.

KỶ LỤC NHƯNG KHÔNG VUI 

Năm 2016, làn sóng các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Kể từ sau thời điểm Lê Công Vinh chơi cho Leixoes (Bồ Đào Nha) rồi Consadole Sapporo (Nhật Bản), người ta mới thấy những gương mặt tiềm năng của Việt Nam vượt ra khỏi khuôn khổ của V.League để đến với những giải đấu có đẳng cấp cao hơn.

Mở đường cho hành trình xuất ngoại ấy chính là bộ ba Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Nếu như Công Phượng, Tuấn Anh đến với giải hạng nhì của Nhật Bản thì Xuân Trường chơi ở K-League Classic (giải vô địch quốc gia Hàn Quốc). Sau đó, lần lượt Văn Lâm, Văn Hậu cũng đã tạm chia tay Việt Nam để có dịp thử khả năng của mình ở Thái Lan hay Hà Lan. 

Trong số các cầu thủ ra nước ngoài, Xuân Trường và Công Phượng là 2 cầu thủ thi đấu cho nhiều CLB nhất. Nếu như Xuân Trường lần lượt khoác áo Incheon, Gangwon (Hàn Quốc), Buriram (Thái Lan) thì Công Phượng cũng có dịp chơi cho Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon (Hàn Quốc), Sint-Truidense (Bỉ). 

Với riêng Công Phượng, anh là cầu thủ được khoác áo nhiều CLB ở các quốc gia khác nhau nhất trong lịch sử Việt Nam tính đến hiện tại. Nhưng kỷ lục ấy với Công Phượng chẳng thể nào vui được khi anh chưa để lại dấu ấn nào tại các CLB đó. Sự mờ nhạt của tiền đạo người Nghệ An chính là lý do khiến cho anh “năm lần bảy lượt” phải trở về V.League. 

VÌ SAO, CÔNG PHƯỢNG? 

Đặt câu hỏi vì sao cá nhân Công Phượng lại không thành công khi ra nước ngoài thi đấu? Thứ nhất, đó là sự cạnh tranh. Mito Hollyhock, Incheon hay Sint-Truidense khi mượn Công Phượng đều có chung một trạng thái là dư thừa các tiền đạo. Đặc biệt với Sint-Truidense, ngay cả khi có Công Phượng thì bản thân các CLB này cũng không đặt niềm tin lớn ở anh.

Bằng chứng là sau đó, Sint-Truidense cố gắng mang về thêm tới 3 cầu thủ tấn công trước khi kỳ chuyển nhượng khép lại. Rơi vào tình thế bị bóp nghẹt vì cạnh tranh quá gay gắt, cơ hội ra sân của Công Phượng ở châu Âu vốn đã nhỏ lại càng nhỏ hơn. 

Thứ hai là sự chuẩn bị. Phải thừa nhận khả năng giao tiếp tiếng Pháp và tiếng Anh của Công Phượng ở mức trung bình. Tức là có thể nghe nói một cách cơ bản. Nhưng ở lần đầu tiên và lần thứ hai xuất ngoại, Công Phượng lại phải va chạm với tiếng Nhật và tiếng Hàn vốn không phải là ngoại ngữ mà anh được học khi ở Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Đó cũng là lý do mà vì sao Công Phượng gặp khó khăn ở Mito Hollyhock hay sau đó có câu chuyện anh thường phải nhờ một đồng đội ở Incheon hỗ trợ mình việc gọi taxi. 

Thứ ba là chuyên môn. Công Phượng thuộc top đầu các cầu thủ Việt Nam nếu xét về khả năng và tiềm năng. Nhưng ở châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mọi yếu tố từ thể lực, tư duy chiến thuật đều đòi hỏi anh ở mức độ cao hơn.

HLV Marc Brys trước khi chia tay Sint-Truidense có nhắn nhủ Công Phượng rằng: “Cậu ấy phải học cách chơi bóng tại Sint-Truidense, thích nghi với cách chơi và chiến thuật của chúng tôi, nhất là với cách chơi khi không có bóng. Cho đến nay, với Công Phượng, đó là vấn đề. Cậu ấy phải học cách di chuyển khi không có bóng. Điều quan trọng nhất với tôi rằng Công Phượng là cầu thủ giỏi, kỹ thuật thật sự mang dấu ấn cá nhân. Cậy ấy sẽ có cơ hội ra sân nếu tiếp tục như vậy”.

Đó là những vấn đề, có thể mang tính cố hữu, hoặc có thể sẽ được Công Phượng cải thiện theo thời gian. Và đó cũng là bài học kinh nghiệm quý báu cho anh để nếu có lần thứ tư xuất ngoại, Phượng sẽ có một tâm thế chuẩn bị tốt hơn và khá hơn. 

Mong rằng với Công Phượng, quá tam ba bận, lần thứ tư xuất ngoại với anh sẽ thành công hơn. 

TRÍ CÔNG

 
;
.