Vinh danh và khát vọng

Thứ Sáu, 14/09/2018, 11:21 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 3-9, Việt Nam vinh dự được các chuyên gia và Tổ chức du lịch châu Á bầu chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Kết quả bầu chọn dựa trên phản hồi của du khách khi trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Theo các chuyên gia du lịch thế giới, đây là một sự “đổi ngôi kỳ diệu” của ngành du lịch Việt Nam. 

Điều gì đã khiến Việt Nam đoạt được ngôi vị danh giá ấy? Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện và phát triển du lịch của ngành du lịch nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, phải ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư đã xây dựng nên những khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế, những công trình để lại dấu ấn sâu sắc, thu hút và giữ chân du khách dài ngày. 

Vài năm trước đây, Việt Nam còn loay hoay không biết làm gì để giữ chân du khách quốc tế, thì nay đã có những khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới như: InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), Premier Village Phu Quoc Resort (Phú Quốc), Ho Tram Strip (BR-VT)…, và hàng loạt những khu nghỉ dưỡng cao cấp khác của các tập đoàn Vingroup, Sun Group. Cùng với đó là sự nỗ lực trong việc phục hồi và tôn tạo các khu di tích, danh lam thắng cảnh để tạo những điểm tham quan hấp dẫn và ấn tượng cho du khách; Sự thân thiện và mến khách của người dân cũng như trình độ, kỹ năng phục vụ của nhân viên ngành du lịch được nâng lên rõ rệt; Những nỗ lực trong việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, làm nên uy tín và sự “sang trọng” của ngành du lịch Việt Nam... Nỗ lực đó đã tạo ra những điểm cộng cho thương hiệu du lịch Việt Nam, đưa Việt Nam lên hàng thứ 6 thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng du lịch; Giúp năng lực cạnh tranh toàn cầu về du lịch của nước ta tăng 8 bậc vào năm 2017. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm  2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2017. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26.800 tỷ đồng, tăng 17,6%. Các chuyên gia trong ngành dự báo, năm 2018, mục tiêu đón 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế và 80 triệu lượt khách nội địa là trong tầm tay. 

Tuy nhiên, sự vinh danh nào cũng có thể tuột mất nếu người sở hữu không biết cách nắm giữ và làm cho nó trở nên danh giá hơn. Cũng như trong thương mại, khi đã đạt được thương hiệu rồi, ngành du lịch cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao uy tín và giữ vững danh hiệu cao quý đã nhọc công tạo dựng. Nói như ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam: “Có được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu càng khó hơn”. 

Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á là danh hiệu danh giá cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng ở khía cạnh khác cũng tạo ra sức ép, trọng trách và quan trọng là tạo động lực để chúng ta phấn đấu nhiều hơn nữa. Ngành du lịch Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể về quy hoạch, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trước hết, cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để có sự quan tâm đầu tư đúng mức. Ngành công nghiệp không khói này có mối quan hệ tổng hòa với nhiều ngành khác và mang tính xã hội hóa cao. Vì vậy, trong quy hoạch phát triển các ngành và các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, hạ tầng giao thông, xây dựng đô thị,…phải gắn với phát triển du lịch, hỗ trợ và tạo ra sản phẩm phục vụ cho du lịch. Từ đó, cùng nhau tạo ra giá trị chung cũng như gia tăng doanh thu cho các ngành. Đơn cử như, nông trại ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; Xây dựng và phát triển các tuyến đường cao tốc kết nối các địa phương có lợi thế phát triển du lịch, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của du khách...

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận con người là nhân tố tác động mạnh mẽ đến thương hiệu du lịch. Mỗi hướng dẫn viên du lịch là một chuyên gia, mỗi người dân là một đại sứ du lịch luôn ý thức rõ sứ mệnh của mình trong việc giữ gìn và quảng bá các sản phẩm du lịch. Người Việt Nam, chủ nhân của điểm đến hàng đầu châu Á phải tỏ rõ tính lịch thiệp và mến khách. Môi trường du lịch Việt Nam phải hướng đến mục tiêu an toàn và thân thiện với thiên nhiên. Hôm nay Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á và ngày mai sẽ trở thành điểm đến hàng đầu của thế giới. Mục tiêu này không phải là quá khó nếu chúng ta có một chiến lược đầu tư và hành động đúng hướng. 

LAM PHƯƠNG

;
.